Khối ngoại bán ròng gần 3.000 tỷ trong vòng nửa tháng, đà rút vốn chưa dừng lại
Lũy kế 10 phiên gần nhất, khối ngoại bán ròng gần 2.700 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính trong vòng nửa tháng, khối ngoại bán ròng gần 3.000 tỷ đồng.
Khối ngoại liên tiếp xả hàng với lực bán mạnh nhất trong vòng một tháng trở lại giá trị bán ròng 911 tỷ đồng chủ yếu xả VHM, VNM trong phiên giao dịch hôm nay.
Lũy kế 10 phiên gần nhất, khối ngoại bán ròng gần 2.700 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính trong vòng nửa tháng, khối ngoại bán ròng gần 3.000 tỷ đồng.
Áp lực bán của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh tỷ giá tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Tỷ giá liên ngân hàng USD/VND quay trở lại vùng đỉnh cuối tháng 10/2023, đạt mức 24,648 vào cuối tháng 2 (+1.56% YTD) với nguyên nhân đến từ các yếu tố như: DXY tiếp tục mạnh lên; áp lực từ chênh lệch lãi suất USD – VND vẫn hiện hữu; một lượng lớn ngoại tệ chảy ra khỏi hệ thống phục vụ hoạt động nhập khẩu hàng hoá, nguyên vật liệu của doanh nghiệp giai đoạn đầu năm; trong khi ngoại tệ thu về từ các doanh nghiệp xuất khẩu chưa ngay lập tức quay trở lại hệ thống.
Tỷ giá chợ đen tăng 2.66% kể từ đầu năm, đạt mức 25,430 trong bối cảnh chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn duy trì ở mức cao, đạt 18 triệu
đồng/lượng. Theo đó, tỷ giá chợ đen tiếp tục nới rộng độ lệch với tỷ giá bán ra của VCB, cao hơn 600 VND và là độ lệch lớn nhất được ghi nhận kể từ tháng 7/2023.
Định giá chứng khoán không còn rẻ. Theo Mirae Asset dư địa dành cho xu hướng tăng hiện tại của VN-Index hiện đã bị thu hẹp khi dần tiệm cận vùng P/E bình quân 10 năm (tương ứng 1.309 điểm) và diễn biến tăng điểm của tháng trước đã giúp chỉ số sàn HOSE quay về vùng trung vị tại 16,2 lần so với mức 14,9 lần vào tháng 1.
Nhận định về dòng vốn ngoại, theo VDSC, quan sát quá khứ, đây là vùng bán ròng ưa thích của khối ngoại trong ngắn hạn, khi thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu vắng những câu chuyện lớn. Do vậy, không loại trừ áp lực này sẽ tiếp tục diễn ra trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, nhìn về trung và dài hạn, trạng thái giao dịch ròng của nhà đầu tư nước ngoài sẽ đảo chiều tích cực trở lại và chấp nhận trả một mức PE cao hơn một khi Các NHTW lớn bắt đầu lộ trình cắt giảm lãi suất và Việt Nam cải thiện các tiêu chí để được nâng hạng thị trường.
"Thị trường chứng khoán Đông Nam Á trong đó có Việt Nam với triển vọng lợi nhuận và định giá hấp dẫn tại thời điểm hiện tại sẽ là điểm đến ưa thích của dòng tiền ngoại khi chính sách lãi suất cao trong thời gian dài hơn được thay thế bằng một lộ trình giảm lãi suất rõ ràng hơn được kỳ vọng bắt đầu từ nửa sau năm 2024", VDSC kỳ vọng.