16:14 15/02/2023

Khối ngoại bất ngờ đảo chiều bán ròng mạnh, xả ngân hàng, chứng khoán, bất động sản

Kim Phong

Áp lực bán có dấu hiệu tăng lên trong phiên chiều, khi nhiều cổ phiếu có lượng hàng về ngắn hạn đã có lãi. VN-Index lúc 2h15 chỉ còn tăng hơn 2 điểm và nếu không có nhịp đẩy giá ATC, thị trường sẽ khép lại một phiên tăng yếu. Khối ngoại xả ròng tới 318,1 tỷ đồng với cổ phiếu VN30 và giá trị bán chiếm tới 51% tổng giao dịch rổ này...

VN-Index được tăng tốc cuối phiên nhờ cổ phiếu trụ.
VN-Index được tăng tốc cuối phiên nhờ cổ phiếu trụ.

Áp lực bán có dấu hiệu tăng lên trong phiên chiều, khi nhiều cổ phiếu có lượng hàng về ngắn hạn đã có lãi. VN-Index lúc 2h15 chỉ còn tăng hơn 2 điểm và nếu không có nhịp đẩy giá ATC, thị trường sẽ khép lại một phiên tăng yếu. Khối ngoại xả ròng tới 318,1 tỷ đồng với cổ phiếu VN30 và giá trị bán chiếm tới 51% tổng giao dịch rổ này.

Tính chung cả sàn HoSE, khối ngoại bán ròng 329,6 tỷ đồng với tổng giá trị bán ghi nhận 2.234,3 tỷ đồng, chiếm gần 23% tổng giao dịch sàn. Đây là phiên có quy mô bán cao đột biến kể từ giữa tháng 12 năm ngoái, nếu không tính 2 phiên có thương vụ bán thỏa thuận lô lớn EIB hôm 22/12/2022 và 13/1/2023.

Tính về phía mua, hôm nay tổng giải ngân ở HoSE khoảng 1.904,7 tỷ đồng, cũng là lớn nhất 6 tuần. Tuy vậy mức bán còn đột biến hơn nhiều, dẫn tới vị thế bán ròng. Như vậy bên cạnh các giao dịch mua vào, đang có hoạt động xả hàng lớn trong khối này. Thống kê thì dòng vốn ETF đang có tín hiệu chững lại, tuần trước các quỹ ETF nội không hút được đồng nào mà còn bị rút ròng nhẹ, trong khi các ETF ngoại cũng chỉ có thêm khoảng 257,8 tỷ đồng, bằng 40% tuần đầu tháng 2/2023.

Hôm nay khối ngoại bán ròng mạnh STB -178,5 tỷ đồng, NVL -72,9 tỷ, DXG -56,7 tỷ, VIC -52,3 tỷ, VND -44,1 tỷ, VHM -39,6 tỷ, SSI -29,7 tỷ... Phía mua ròng lớn nhất là chứng chỉ E1VFVN30 +39,2 tỷ đồng và VCG +13,5 tỷ. Trong số các cổ phiếu bị bán ròng lớn nói trên thì STB và NVL giảm giá, còn lại đều tăng hoặc có cải thiện về cuối như VIC, VHM.

Với quy mô bán ra tăng vọt, thị trường phiên này thể hiện sức mạnh nổi trội của nhà đầu tư trong nước khi thanh khoản HoSE chứng kiến mức tăng 44% so với hôm qua, đạt 7.914 tỷ đồng. Tuy vậy mức gia tăng giao dịch của khối nội cũng không quá ấn tượng. Thanh khoản hai sàn niêm yết hôm nay vẫn thấp hơn phiên giao dịch đầu tuần, đạt 8.886,5 tỷ đồng và cũng chỉ tương đương mức trung bình tuần trước.

VN-Index kết phiên hôm nay tăng 9,56 điểm tương đương +0,92%. Mức tăng này có được là nhờ xuất hiện một nhịp đẩy trụ trong đợt ATC. VN-Index riêng đợt này tăng thêm khoảng 4 điểm. VIC đang từ giảm 2,65% được đẩy mạnh về tham chiếu, coi như tăng nhịp cuối ở mức độ tương đương. VHM, VNM, HPG, VRE... đều được đẩy lên khá tốt.

Cổ phiếu tăng giá áp đảo hôm nay, dù VN-Index không bùng nổ.
Cổ phiếu tăng giá áp đảo hôm nay, dù VN-Index không bùng nổ.

Dù chỉ số có phần được “làm đẹp” cuối ngày nhưng hôm nay vẫn là phiên giao dịch tích cực. Đà tăng giá ở cổ phiếu quan trọng hơn diễn biến chỉ số, và độ rộng cuối ngày cho thấy điều đó: HoSE ghi nhận 326 mã tăng/97 mã giảm, với 192 mã tăng hơn 1%. Các nhóm cổ phiếu cụ thể tăng giá khác nhau, phiên này nổi bật là cổ phiếu xây dựng, đầu tư công và vật liệu xây dựng.

Cổ phiếu xây dựng, đầu tư công rực rỡ với VCG, FCN, HHV, LCG, LGC kịch trần. Nhóm vật liệu xây dựng với HPG tăng 0,97%, HSG tăng 1,68%, NKG tăng 2,17%, POM tăng 2,26%... Cổ phiếu xi măng với BCC tăng 6,48%, BTS tăng 4,69%, FCM tăng 2,83%, HOM tăng 4,08%, HHC tăng 6,38%, HT1 tăng 6,41%...

Dĩ nhiên với độ rộng rất tốt thì hầu như nhóm cổ phiếu nào cũng có đại diện tăng mạnh. Cổ phiếu chứng khoán cũng hơn chục mã tăng vượt 2%, ngân hàng có VPB, BID, VCB, ACB, TCB tăng dẫn dắt điểm số. Cổ phiếu bất động sản cũng vậy, VHM, NVL và một số mã khác giảm nhưng thậm chí vẫn có nhiều mã kịch trần như DRH, HQC, DXG...

Nói chung hôm nay dòng tiền đã hoạt động năng động hơn rất nhiều, chấp nhận đẩy giá mua lên cao để tìm kiếm thanh khoản. Dĩ nhiên với biên lợi nhuận T+ khá tốt ở nhiều cổ phiếu, thị trường đã xuất hiện một nhịp chốt lời chiều nay. Thống kê ở HoSE có khoảng 160 cổ phiếu bị ép xuống từ mức cao nhất ngày quá 1%, trong đó số bị ép với biên độ lớn hơn 2% chỉ là 67 mã.

Thị trường đang trong nhịp điều chỉnh ngắn hạn và dòng tiền cũng đang dò đáy. Việc thay đổi cách mua đang phát tín hiệu tự tin hơn. Dù vậy thanh khoản vẫn chưa có gì thay đổi lớn hoặc yếu tố hỗ trợ mới xuất hiện. Khối ngoại quay xe bán ròng là tín hiệu cần theo dõi vì nếu dòng vốn này chững lại, dòng vốn của nhà đầu tư trong nước cần mạnh lên để bù đắp.