14:17 15/02/2023

Lý giải hiện tượng “kỳ lân” VNG thua lỗ nặng, giá cổ phiếu lập kỷ lục trên sàn chứng khoán Việt Nam

Kiều Linh

Chưa từng có một doanh nghiệp nào kinh doanh thua lỗ mà cổ phiếu lại được trả ở mức giá hơn 1,3 triệu đồng/cổ phiếu - kỷ lục lạ thường trên thị trường chứng khoán Việt Nam...

Chỉ sau hơn một tháng niêm yết trên sàn UpCOM, thị giá VNZ của Công ty CP VNG tự nhận là kỳ lân đã tăng 5,6 lần từ mức giá 240.000 đồng/cổ phiếu ngày 5/1/2023 lên 1.358.700 đồng/cổ phiếu phiên giao dịch hôm nay 15/2.

Với mức giá này, vốn hóa của VNG tăng lên 48.700 tỷ đồng, khối tài sản của nhà sáng lập VNG Lê Hồng Minh cũng tăng tương ứng lên gần 4.800 tỷ đồng. VNZ cũng chính thức lập kỷ lục trên sàn chứng khoán Việt Nam về thị giá, trong quá khứ hơn 20 năm, chưa từng có một cổ phiếu nào thiết lập ở vùng 1,3 triệu đồng/cổ phiếu như VNZ.

"KIỆT" THANH KHOẢN GIÚP KÉO GIÁ CỔ PHIẾU VNZ LẬP KỶ LỤC

Thị giá của VNZ tăng ngoạn mục trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm, dòng tiền cá nhân thận trọng, cổ phiếu nhóm công nghệ chịu áp lực điều chỉnh mạnh như FPT, CMC, ICT...

Lý giải về việc cổ phiếu tăng trần liên tiếp, trong công văn phát đi ngày 10/2/2023, ban lãnh đạo VNG cho biết, giá cổ phiếu hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu thị trường và thị hiếu nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư. Công ty không có bất kỳ sự can thiệp nào hay kiểm soát đối với cổ phiếu trong thời điểm vừa qua.

Tuy nhiên, mổ xẻ cho thấy, kể từ khi lên sàn UpCOM với khối lượng hơn 35 triệu cổ phiếu, thanh khoản của VNZ rất thấp chỉ rơi vào khoảng 100-300 cổ phiếu được sang tay mỗi phiên kể từ tháng 2/2023 và 3 phiên gần đây mới lên đến số lượng 5 - 6 nghìn cổ phiếu được sang tay. Tức là tỷ lệ freefloat (cổ phiếu trôi nổi tự do) là rất thấp, chủ yếu cổ phiếu nằm trong tay cổ đông nước ngoài cũng như lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp.

Quan sát cũng cho thấy, trung bình mỗi phiên chỉ có khoảng 80-90 lệnh đặt mua cổ phiếu cùng với khối lượng trung bình vài nghìn đến vài chục nghìn đơn vị. Trong khi bên bán gần như không có.

Lịch sử giao dịch của VNZ với khối lượng khớp rất ít.
Lịch sử giao dịch của VNZ với khối lượng khớp rất ít.

Vậy ai là người sẵn sàng trả mức giá trên để sở hữu cổ phiếu VNZ hay nói cách khác, "cơn gió nào" đang kéo cổ phiếu VNZ tăng kịch trần hơn một tháng qua đang là dấu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Đáng lưu ý, trong quá khứ một số tổ chức đã từng lỗ rất lớn khi mua cổ phiếu VNZ (so với giá mới lên sàn). Cụ thể, năm 2021, Công ty Quản lý quỹ Mirae Asset đã chi 1.228 tỷ đồng để mua cổ phiếu VNG với mức giá 1,7 triệu đồng/cổ phiếu. Trước đó, VNG đã bán ra 355.820 cổ phiếu quỹ với giá 1,8 triệu đồng/cổ phiếu cho Temasek, thu về gần 662 tỷ đồng.

Đặc biệt, ngay sau khi niêm yết lên sàn, ngày 10/1 vừa qua, VNZ thông qua một số nội dung cụ thể về việc chào bán toàn bộ 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho Công ty Cổ phần Công nghệ BigV với mức giá 177,8 nghìn đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về 1.264 tỷ đồng. Thời gian dự kiến bán trong năm 2023, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Nếu thương vụ hoàn tất, BiGV cũng có thể ghi nhận khoản lãi kếch xù khi thị giá VNZ đang cao ở vùng ngất ngưởng trên 1,3 triệu đồng/cổ phiếu.

VNG LỖ NẶNG, KHÔNG NGỪNG "ĐỐT TIỀN" CHO ZALO PAY

Kể từ khi lên sàn, VNZ đổ xô mọi kỷ lục về mức giá cổ phiếu cũng như kỷ lục về một doanh nghiệp thua lỗ nhưng được thị trường trả mức giá lên tới 1,3 triệu đồng/cổ phiếu.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 mới công bố, doanh thu thuần của CTCP VNG tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 2.037 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 917 tỷ đồng, tăng 19%. Tuy nhiên, các chi phí đều âm mạnh khiến cho VNG lỗ đậm 547 tỷ đồng quý 4 vừa qua, lỗ gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm gần một nửa xuống còn 28 tỷ. Chi phí tài chính giảm mạnh từ mức âm 8 tỷ đồng trong quý 4/2021 xuống âm 50 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của VNG đều tăng mức âm so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó do chịu khoản lỗ 40 tỷ đồng từ công ty liên kết và lỗ khác 154 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm, VNG lỗ sau thuế kỷ lục 1.315 tỷ đồng trong khi năm 2021 lỗ 71 tỷ đồng, lỗ ròng 858 tỷ đồng. Doanh thu đạt 7.801 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2022, VNG rót thêm hơn 1.000 tỷ vào các startup, nhưng trong danh mục, chỉ có khoản đầu tư vào Dayone là ghi nhận lãi trong năm. Tính đến 31/12/2022, lỗ lũy kế từ việc đầu tư của VNG đã lên tới 643 tỷ đồng. Khoản đầu tư vào Tiki đã bị "ăn mòn" toàn bộ, bởi khoản lỗ lũy kế VNG phải gánh từ Tiki đã bằng đúng với số tiền đầu tư (510 tỷ đồng). Ba khoản lỗ lớn tiếp theo nằm tại Telio (lỗ 58 tỷ đồng), Funding Asia (lỗ 44 tỷ đồng), và Ecotruck (lỗ 24 tỷ đồng).

Song khoản lỗ lớn nhất phải kể đến lỗ của cổ đông không kiểm soát khi âm đến 457 tỷ đồng. Không loại trừ khả năng phần lỗ này đến từ khoản đầu tư vào CTCP Zion - đơn vị sở hữu ví điện tử Zalo Pay.

Báo cáo tài chính ghi nhận tính đến thời điểm cuối quý 4/2022, VNG đầu tư vào Zalo Pay 2.962 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 1.881 tỷ đồng đầu năm. Nếu như khoản dự phòng cho đầu tư vào Zalo Pay thời điểm cuối quý 3/2022 là 2.269 tỷ đồng thì trong quý này con số dự phòng đầu tư tài chính dài hạn Zalo Pay lên tới 2.719 tỷ đồng. Như vậy, Zalo Pay mặc dù khá ngốn tiền nhưng VNG vẫn không ngừng "đốt tiền" đầu tư.

VNG liên tục ném tiền vào Zalo Pay dù thua lỗ nặng. 
VNG liên tục ném tiền vào Zalo Pay dù thua lỗ nặng. 

Trong báo cáo cập nhật triển vọng cổ phiếu VNZ mới đây, SSI Research đã nhấn mạnh rằng, việc tiếp tục đầu tư vào ZaloPay có thể dẫn đến kết quả không tích cực cho công ty này trên thị trường hiện có quá nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử đơn thuần. Những đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử này như ví điện tử đơn thuần (payoo, moca, vnpay, Qrpay, momo, onepay, ree pay, uc pay, mpayvn, true money, ting, vimo, appota, payon, vipost, my nextpay, bankplus , gpay), ví điện tử kết hợp (shopeepay, vnpt money, viettel pay, zalopay, viettinbank ipay, sacombank ipay, bidv pay+, viettel money, vtcpay).

Với chỉ những mục đích như nạp tiền điện thoại di động, chuyển/nhận tiền, thanh toán hóa đơn, mua sắm trực tuyến, các nền tảng ngân hàng trực tuyến/internet có khả năng cung cấp các dịch vụ tương tự.

Khuyến mãi/giảm giá có thể thu hút người dùng nhưng không thể coi là lợi thế cạnh tranh của ví điện tử, nhất là khi các ngân hàng tăng tốc hoặc đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi để cạnh tranh với các đối thủ ví điện tử này. Trong bối cảnh lãi suất tăng và cao, việc huy động vốn để mở rộng mảng ví điện tử có thể ít khả thi hơn.

Chúng tôi cho rằng mức giá niêm yết 240.000 đồng/cổ phiếu là mức giá giao dịch hợp lý đối với cổ phiếu VNZ", ông Thái Gia Hào, chuyên gia phân tích mảng Công nghệ của SSI Research nhấn mạnh.