Khối ngoại quay lại mua ròng, ba sàn cùng tăng nhẹ
Vì khoản thỏa thuận mã NET khiến chung cuộc khối ngoại mua ròng nhẹ 2 tỷ đồng toàn thị trường
Nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng một số mã blue-chips, thị trường đã có phiên phục hồi nhẹ sau 3 phiên mất điểm liên tiếp.
Theo đó, kết thúc phiên giao dịch 22/10, VN-Index đóng cửa tăng 3,63 điểm (0,37%) lên 987,19 điểm; HNX-Index tăng 0,48 điểm (0,47%) lên 104,49 điểm và UpCom-Index cũng tăng 0,18 điểm (0,32%) lên 56,78 điểm.
Toàn thị trường ghi nhận 311 mã tăng, 278 mã giảm và 173 mã giữ giá tham chiếu. Khối lượng giao dịch đạt 276,5 triệu đơn vị, tương ứng 4.537 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng. Tính chung trên cả ba sàn giao dịch khối ngoại mua ròng gần 2 tỷ đồng toàn thị trường. Tuy nhiên, nếu trừ đi khoản giao dịch thỏa thuận 19,5 tỷ đồng của mã NET thì thực chất họ mua ròng khoảng 21,5 tỷ đồng.
Cụ thể, trên sàn HSX, khối ngoại mua vào với khối lượng hơn 12,9 triệu đơn vị, giá trị 471 tỷ đồng và bán ra với khối lượng 12,8 triệu đơn vị, giá trị 449 tỷ đồng. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 69,5 nghìn đơn vị, tương đương giá trị 22 tỷ đồng.
Ở chiều mua, VNM dẫn đầu danh mục với giá trị 23,2 tỷ đồng. Nhưng nếu xét về khối lượng, KBC mới là mã dẫn đầu với gần 1,2 triệu đơn vị, tương ứng 18,6 tỷ đồng. Hai mã đứng tiếp sau là VJC và VCB với giá trị lần lượt 17,6 tỷ đồng và 11,3 tỷ đồng.
Ở chiều bán, nhà đầu tư nước ngoài tập trung xả VHM với 20,6 tỷ đồng. Một số mã cũng bị bán ròng nhiều còn có MSN với 17,7 tỷ đồng; POW với 8,5 tỷ đồng; GTN với 8,3 tỷ đồng; VRE với 7,9 tỷ đồng; AVN với 7,3 tỷ đồng…
Trên HNX, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 3 liên tiếp với 137 nghìn cổ phiếu, tương ứng giá trị 21,7 tỷ đồng. Trong đó, riêng NET bị bán thỏa thuận 19,5 tỷ đồng, đây cũng là mã dẫn đầu bên bán ròng. Ngược lại, SHB được tập trung mua với giá trị 4,8 tỷ đồng.
Trên UpCom, khối ngoại có phiên mua ròng nhẹ với giá trị 1,6 tỷ đồng. Trong đó, OIL dẫn đầu 19 mã được mua ròng bằng 3,8 tỷ đồng. Trái lại, có 18 mã bị bán ròng và tập trung nhiều nhất vào BSR với 7,2 tỷ đồng.