Khối ngoại xả ngập blue-chips, VN-Index không ngóc lên nổi
Dù chứng khoán thế giới tăng rực rỡ, thị trường trong nước hôm nay bị bán rất mạnh, cộng với hiện tượng kẹt lệnh khiến VN-Index không phục hồi nổi
Mục tiêu 1.200 điểm nay đã ít người nhắc đến hơn, thay vào đó là mối quan ngại với tình trạng nghẽn lệnh và khối ngoại xả ròng rã.
Dù đã mở cửa ở dưới tham chiếu, tình hình vẫn còn tiếp tục tệ hơn khi ngay lập tức VN-Index rơi thẳng mất thêm 9,12 điểm, tổng cộng kéo chỉ số đầu ngày giảm hơn hơn 16 điểm. Chỉ số hồi lên nhưng rồi lại kéo xuống sâu hơn cả nhịp giảm đầu ngày.
Nửa đầu phiên sáng là tình trạng bán tháo mạnh. Blue-chips đổ đống giảm la liệt, trên hàng top những cổ phiếu bvốn hóa lớn gần như không có sắc xanh ngay cả ở nhóm hot như dầu khí, GAS, PVD PVX đều đồng loạt giảm mạnh.
Từ sau 10h30 tình hình bớt xấu khi lực cầu bắt đáy nhập cuộc tốt hơn. Nhiều trụ đc kéo lên cuối giờ như VHM, TCB, VPB, ACB, HDB, NVL giúp chỉ số cuối phiên sáng chỉ còn giảm 5,4 điểm -0,47%. Hiệu ứng này một phần đến từ diễn biến tăng rất khả quan của thị trường tương lai chứng khoán Mỹ.
Lực bật từ VHM trong đầu phiên chiều đã đẩy chỉ số hồi lên mức cao nhất phiên ở ngưỡng 1.166,42 điểm, tuy nhiên cũng chỉ là một nhịp bull-trap khi lực bán ập đến tiếp tục đè chỉ số. Đáng tiếc hơn khi HSX lại nghẽn lệnh sau 13h30 khiến chỉ số dập dềnh đi ngang và đóng cửa ở mức 1.161,97 điểm, tương đương mất 6,3 điểm (-0,54%).
VN30 đè chỉ số mạnh trong hôm nay khi 8/10 cổ phiếu kéo trụ mạnh nhất đều thuộc rổ. Tổng sức kéo của VIC, VNM, CTG, GAS, BID, PLX, HPG, POW đã lấy đi hơn 5,9 điểm của Vn-Index.
Do phiên chiều không giao dịch được nhiều, VN30 đóng cửa vẫn chỉ có 7 mã tăng giá, mức tăng lớn nhất cũng chỉ 2,25% từ PDR trong khi ở 22 mã giảm còn lại, MWG giảm 2,06% còn PLX và POW giảm hơn 3%. Chỉ số VN30 giảm 0,6%, mạnh hơn cả chỉ số chính.
VN30 được khớp lệnh 6.096 tỷ cả phiên hôm nay trong khi riêng khối ngoại đã bán ròng 949 tỷ, đưa giá trị bán ròng của nhà đầu tư ngoại tại VN30 lên gần 4.500 tỷ chỉ sau 7 phiên từ đầu tháng 3 đến nay. Những cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng lớn nhất là POW, VNM, MBB, HPG, STB, SSI, BID, CTG, VIC, VHM, VRE, VCB. Hầu hết các mã này đều giảm giá mạnh.
Nhóm dầu khí nay gặp lực chốt lời khá lớn khi hầu hết các mã đều giảm điểm mạnh như GAS (-1,37%), POW (-3,89%), PLX (-3,08%), PVD (-4,67%). Ở trên HNX và UPCoM, các cổ phiếu lớn trong nhóm dầu khí như PVS, BSR, OIL cũng đồng loạt giảm giá.
Trong khi đó, tương tự nhiều phiên gần đây, nhóm midcap và smallcap là động lực để VN-Index không bị mất điểm quá mạnh. Số mã tăng trần cuối giờ chiều trên HSX thậm chí còn nhiều hơn ban sáng với 18 mã và hầu hết đều thuộc nhóm vốn hóa vừa và nhỏ như TMT, DHR, OGC, SGR… CTD cũng có một phiên tăng trần sau loạt thông tin liên quan đến thay đổi nhân sự cấp cao. Nhờ đó, VNMID và VNSML lần lượt tăng 0,33% và 0,5%.
Khá bất ngờ với OCB hôm nay khi ngược dòng nhóm ngân hàng, mã này tăng trần 6,99% và lọt top giao dịch lớn với hơn 15,4 triệu đơn vị. Đây là phiên tăng mạnh nhất và giao dịch lớn nhất của OCB kể từ khi niêm yết trên HSX hồi tháng 1 đến nay. Đây là mã large-cap duy nhất nằm trong top tăng giá trên HSX hôm nay.
Do tình trạng nghẽn lệnh nên tổng khớp lệnh trên HSX hôm nay đạt 13.863 tỷ đồng, giảm 4% so với phiên hôm qua. Trong đó riêng phiên chiều chỉ khớp lệnh được 2.924 tỷ. Trên các diễn đàn chứng khoán, các nhà đầu tư cá nhân đã tỏ ra quá chán nản khi liên tục bị đặt vào tình thế không thể mua bán theo nhu cầu.
Trong khi đó, HNX lại duy trì tiếp một phiên tăng giá 0,54% với giá trị giao dịch trên 2 nghìn tỷ. Ngoài BAB tiếp tục tăng trần, các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên HNX tiếp tục điểm danh các gương mặt vốn nhỏ, nhiều mã được giao dịch trên 1 triệu đơn vị như PVL, BCC, HHG, FID, đáng chú ý là KLF còn được mua bán trên 11,3 triệu đơn vị.
Khối ngoại lại có một phiên giao dịch tiêu cực trên HSX và HNX với giá trị bán ròng lần lượt là 1.143 tỷ và 15,4 tỷ. Trong khi đó, khối này lại tranh thủ mua thêm BSR trên UPCoM với giá trị mua ròng mã này hơn 17,7 tỷ đồng.