Khối nợ khổng lồ của Mỹ thách thức ông Trump
Mức nợ công ngày càng lớn của Mỹ đang dần trở thành thách thức kinh tế lớn nhất đối với Tổng thống Donald Trump
Mức nợ công ngày càng lớn của Mỹ đang dần trở thành thách thức kinh tế lớn nhất đối với Tổng thống Donald Trump, và vấn đề này có thể ảnh hưởng đến cả thị trường chứng khoán Phố Wall - hãng tin CNBC nhận định.
Tuần này, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố sẽ phải tăng lượng trái phiếu bán ra trong các cuộc đấu gía nợ trong vòng 3 tháng tới. Tuyên bố này chỉ là một trong những dấu hiệu cho thấy khối nợ công của Mỹ ngày càng "khủng" và sớm muốn gì cũng tác động đến lãi suất.
Một khi Chính phủ Mỹ phát hành nhiều trái phiếu hơn để vay nợ, giới đầu tư sẽ đòi hỏi mức lợi suất cao hơn để mua hết lượng cung nợ đó. Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ Mỹ sẽ phải trả nhiều lãi hơn cho các khoản vay của mình, trong khi người đóng thuế ở Mỹ hiện đã phải chi gần nửa nghìn tỷ USD mỗi năm để trả lãi nợ công.
Mỹ vay nợ ngày càng nhiều
Tất cả những điều này đặt ra một loạt câu hỏi: kinh tế Mỹ có thể giữ đà tăng trưởng trong bao lâu, điều gì sẽ xảy ra khi kinh tế Mỹ rơi vào cuộc suy thoái tiếp theo, và thị trường tài chính có thể chịu tác động như thế nào?
"Chúng ta đang vui mừng khi kinh tế tăng trưởng mạnh, nhưng vẫn chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc phải vay nợ nhiều chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây một thập kỷ", ông Bernard Baumohl, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách thị trường toàn cầu của The Economic Outlook Group, nhận định. "Và đây mới chỉ là sự khởi đầu, chẳng mấy chốc mà thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ sẽ lên mức 1.000 tỷ USD".
Tổng nợ của Mỹ hiện ở mức trên 21,3 nghìn tỷ USD, trong đó 15,6 nghìn tỷ USD là nợ công.
Hôm thứ Tư, Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ bổ sung thêm lượng trái phiếu 1 tỷ USD mỗi kỳ hạn trong các cuộc đấu giá trái phiếu kỳ hạn 2, 3, và 5 năm trong vòng 3 tháng tới. Trong tháng 8, các đợt đấu giá trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 10 năm sẽ được bổ sung thêm 1 tỷ USD mỗi kỳ hạn. Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ còn phát hành thêm tín phiếu kỳ hạn 2 tháng để đảm bảo tính thanh khoản trên thị trường nợ công của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Những thay đổi này sẽ bổ sung thêm lượng nợ 30 tỷ USD được phát hành trong quý 3/2018. Tính chung, Bộ Tài chính Mỹ dự kiến vay thêm 769 tỷ USD trong nửa cuối của năm 2018, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2017.
Thị trường đã phản ứng ngay trước thông tin này, với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên vượt ngưỡng 3% sau gần 2 tháng. Lợi suất của trái phiếu các kỳ hạn khác cũng tăng.
Trong ngắn hạn, nỗi lo về nợ công của Mỹ có thể bị lấn át bởi những thông tin khác, nhất là mức tăng trưởng mạnh của nền kinh tế và xung đột thương mại giữa Mỹ với các đối tác. Chính quyền ông Trump vốn tin rằng kinh tế tăng trưởng mạnh sẽ bù đắp cho sự gia tăng gánh nặng nợ công do cắt giảm thuế và tăng chi tiêu, nhưng những gì đang diễn ra cho thấy mọi chuyện có vẻ không diễn ra như đúng ý muốn của họ.
"Mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hiện nay vẫn chưa đủ để giảm thâm hụt ngân sách. Trên thực tế, thâm hụt ngân sách và vay nợ thông qua phát hành trái phiếu kho bạc đã tăng mạnh. Nhưng dường như không mấy ai ở Washington lo ngị về điều này", chiến lược gia trưởng phụ trách thị trường toàn cầu của Horizon Investments, ông Greg Valliere, nói trong một báo cáo.
Nguồn thu giảm sút
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo thâm hụt ngân sách sẽ lên gần 1.000 tỷ vào năm 2019, tiếp đó sẽ vượt qua ngưỡng này vào năm 2020, và tiếp tục vượt 1.500 tỷ USD trước năm 2028.
Tiền lãi để trả nợ vay nhằm bù đắp mức thâm hụt ngân sách khổng lồ này tiếp tục tăng. Troing tài khóa 2017, Chính phủ Mỹ phải trả 458 tỷ USD tiền lãi vay nợ. Trong tài khóa 2018, số tiền lãi phải trả đã lên tới 415 tỷ USD, dù còn 3 tháng nữa mới đến lúc "chốt sổ".
Trong khi đó, thu ngân sách đang đi xuống do chính sách cắt giảm thuế của chính quyền ông Trump. Nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp từ đầu năm 2018 đến nay chỉ đạt 1.752 tỷ USD, giảm 17 tỷ USD, tương đương giảm 1%, so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của DataTrek Research. Mức thu này cũng thấp hơn 0,2% so với mức thu mà Chính phủ Mỹ dự kiến.
Nợ công của Mỹ tăng và gây sức ép tăng lãi suất trong bối cảnh các công ty Mỹ công bố tăng trưởng lợi nhuận gần đạt kỷ lục. Lợi nhuận quý 2/2018 của các công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã công bố báo cáo tài chính tính đến thời điểm này tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dư nợ của các doanh nghiệp Mỹ hiện ở mức hơn 9 nghìn tỷ USD. Đến một thời điểm nào đó, các nhà đầu tư có thể sẽ phải lo ngại về ảnh hưởng của lãi suất đến khả năng sinh lời của các công ty niêm yết.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ phải cân nhắc tất cả các yếu tố này khi đưa ra các quyết định về chính sách tiền tệ. Theo dự kiến, FED sẽ nâng lãi suất thêm 2 lần nữa trong thời gian còn lại của năm 2018, một lần vào tháng 9 và một lần vào tháng 12, sau khi đã nâng hai lần từ đầu năm. Như vậy, lãi suất cơ bản đồng USD có thể tăng thêm 0,5 điểm phần trăm khi kết thúc năm 2018, từ khoảng 1,75-2% hiện nay.
Các quan chức FED đã có những cuộc thảo luận kín về vấn đề nợ, và trong nhiều dịp, Chủ tịch FED Jerome Powell đã nói rằng sự gia tăng thâm hụt ngân sách hiện nay của Mỹ là không bền vững.