16:03 15/01/2024

Khơi thông động lực mới, GDP sẽ tăng thêm 1,5 - 2 điểm phần trăm

Ánh Tuyết

“Rủi ro, bất định, thận trọng” là ba từ khóa được nhiều dự báo nhận định về kinh tế toàn cầu năm 2024. Do đó, để tạo đà cho nền kinh tế bứt phá, TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác sức mạnh từ những động lực mới...

Các chuyên gia cho rằng thế giới đang dần định hình lại, không nhất thiết kéo lạm phát về mức tối ưu 2% mà có thể ở mức cao hơn.
Các chuyên gia cho rằng thế giới đang dần định hình lại, không nhất thiết kéo lạm phát về mức tối ưu 2% mà có thể ở mức cao hơn.

Nhắc lại cuộc trò chuyện với một chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam thường niên (Vietnam Economic Scenarios) lần thứ 16 với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức ngày 11/1/2024, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho biết xu hướng bao trùm năm vừa qua đó là kinh tế bất định, rủi ro và tăng trưởng chậm lại.

Theo dự báo mới nhất của WB, năm 2023, kinh tế toàn cầu tăng trưởng khoảng 2,6%, còn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính mức tăng 3%.

BỐN RỦI RO, THÁCH THỨC LỚN

Mặc dù chịu nhiều sức ép, kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2023 thể hiện xu hướng tích cực hơn, điều này giúp tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,05% và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Trong đó, khu vực nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế, một số ngành dịch vụ tăng trưởng ổn định ngay từ đầu năm, còn khu vực công nghiệp sau những trắc trở đầu năm, có xu hướng phục hồi tích cực về cuối năm.

So sánh với các quốc gia trong khu vực, TS. Cấn Văn Lực cho biết kinh tế Việt Nam năm vừa qua tăng trưởng 5,05%, dù thấp hơn so với kế hoạch nhưng ở mức tương đối khá cao trong khu vực, chỉ kém Ấn Độ với mức tăng trưởng rất tốt 6,3%, thấp hơn Philippines một chút, tương đương với Trung Quốc và mức tăng trưởng bình quân của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Khơi thông động lực mới, GDP sẽ tăng thêm 1,5 - 2 điểm phần trăm - Ảnh 1

Bước sang năm 2024, ba từ khóa “rủi ro, bất định, thận trọng” vẫn tiếp diễn khiến kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm hơn khoảng 2,4%, chủ yếu do Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, song theo vị chuyên gia này, khu vực châu Âu năm nay dự báo phục hồi tốt hơn và bù đắp mức sụt giảm tăng trưởng của nền kinh tế lớn.

Tuy nhiên, các dự báo đều cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam tốt hơn. Theo đó, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi về mức 5,5% trong năm 2024 và 6% trong năm 2025. Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dự báo mức tăng trưởng của năm 2024 sẽ chậm hơn (4,5%) so với Việt Nam ở mức dự báo (5,5%). Nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV bày tỏ sự lạc quan hơn khi dự tính tăng trưởng của Việt Nam cao hơn khoảng 0,5 điểm phần trăm so với dự báo của các tổ chức quốc tế.

Khơi thông động lực mới, GDP sẽ tăng thêm 1,5 - 2 điểm phần trăm - Ảnh 2

Liên quan đến lạm phát, theo cập nhật mới nhất của WB, đỉnh lạm phát toàn cầu ở mức 8,6% đã qua từ lâu (vào quý 3/2022), đến thời điểm cuối năm 2023, lạm phát thế giới trở về mức khoảng 5%. Mặc dù chính sách thắt chặt tiền tệ đang bắt đầu có kết quả, nhưng nguyên nhân chính khiến lạm phát dự kiến giảm vào năm 2023 là do giá hàng hóa quốc tế giảm.

Năm 2024, lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm nhưng tốc độ giảm chậm hơn, ở mức khoảng gần 4% vào cuối năm; năm 2025 trở về mức khoảng 3%. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng lạm phát toàn cầu trở về mức 2% như kỳ vọng sẽ mất thời gian khá lâu, thay vào đó, thế giới dần định hình lại, không nhất thiết kéo lạm phát về mức tối ưu 2% mà có thể ở mức cao hơn.

Từ bối cảnh vẫn chịu nhiều biến động, TS. Cấn Văn Lực tóm lược bốn rủi ro, thách thức lớn với kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024.

Thứ nhất, xung đột địa chính trị còn vô cùng phức tạp và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Thứ hai, rủi ro về tài chính, tiền tệ, sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sỹ; nợ gồm cả nợ công, nợ tư thế giới đều cao, rủi ro nợ xấu và vỡ nợ gia tăng. Trong khi đó, tình hình tại Việt Nam yên ổn hơn.

Thứ ba, câu chuyện an ninh lương thực, an ninh năng lượng vẫn luôn là một vấn đề rất lớn đối với thế giới và trong đó có Việt Nam.

Thứ tư, giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm nhưng còn ở mức cao, rủi ro tài chính, tiền tệ tăng khiến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu chậm hơn (subdued growth).

Nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại, một phần do độ ngấm của lãi suất cao sẽ kéo dài sang năm 2024. Điều này tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính của Việt Nam.

MỔ XẺ LỰC CẢN VỚI ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG TRUYỀN THỐNG

Nhìn lại bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 để đánh giá triển vọng phục hồi năm 2024, TS. Cấn Văn Lực chỉ rõ từ những động lực tăng trưởng truyền thống phía cung, lĩnh vực dịch vụ đóng góp vô cùng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đặc biệt năm vừa qua đóng góp trên 60%.

Khối ngành dịch vụ từng bước phục hồi với điểm sáng là hoạt động du lịch, từ đó, kích thích cầu tiêu dùng gia tăng và lan tỏa mạnh tới sản xuất của nhóm ngành dịch vụ khác như vận tải, lưu trú ăn uống, lữ hành, hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí…

Khơi thông động lực mới, GDP sẽ tăng thêm 1,5 - 2 điểm phần trăm - Ảnh 3

Tiếp đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dù có xu hướng phục hồi tích cực trong những tháng cuối năm nhưng đóng góp khá khiêm tốn, khoảng 1,51 điểm phần trăm. Hoạt động xuất khẩu suy giảm kéo theo sự đi xuống của lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trước đây là đầu tàu của tăng trưởng. Do đó, ông Lực lưu ý năm 2024 cần phải kích cầu để sản xuất công nghiệp tốt hơn.

Xét về phía cầu, TS. Cấn Văn Lực lưu ý đến hai yếu tố gồm đầu tư tư nhân và tiêu dùng cần phải “kích” tốc độ tăng trưởng. Bởi trong năm 2023, tiêu dùng cuối cùng chưa thể sôi động trở lại như trước khi đại dịch, cả năm đạt 3,52%, đóng góp 2,07 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Đây cũng là mức rất thấp trong nhiều năm vừa qua, chỉ bằng một nửa so với tiêu dùng cuối cùng những năm trước khoảng 7%.

 
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia.

"Tiêu dùng cuối cùng cần phải kích lên, vì tăng nhưng ở mức tương đối thấp. Bên cạnh đó, kích cầu đầu tư tư nhân là cần thiết khi chỉ tăng 2,7%, đây là mức thấp chưa từng có trong 10 năm vừa qua, thấp hơn cả thời kỳ dịch Covid-19 (năm 2020 là 3%). Tôi mong tỷ lệ này phải gấp đôi, tức tăng trưởng đầu tư tư nhân của doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình phải khoảng 6 - 7% mới ổn. Để kích cầu đầu tư tư nhân, điều duy nhất là lấy lại niềm tin bằng việc cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh".

LƯỢNG HOÁ TÁC ĐỘNG CỦA CÁC ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI

Xét về các động lực tăng trưởng mới, theo ông Lực, có nhiều động lực mới, có thể kể đến như: chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ; năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP); đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế; tăng trưởng xanh và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu; nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu thông qua phát triển công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh liên kết vùng, thúc đẩy vai trò của các đầu tàu kinh tế - xã hội; tận dụng cơ hội từ hội nhập và ngoại giao kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua mới chỉ hô hào, tạo cơ chế và tung chính sách mới nhưng thực thi thành công không lại là câu chuyện khác.

Trong số các động lực tăng trưởng mới, TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần tập trung các điểm chính.

Một, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ đóng vai trò rất quan trọng. Nếu chuyển đổi số tốt sẽ giúp GDP Việt Nam tăng trưởng thêm hàng năm từ 0,65-1,35 điểm phần trăm, tức bình quân 1% tăng trưởng thêm nếu như chuyển đổi số tốt.

Hai, năng suất lao động cực kỳ quan trọng nhưng Việt Nam chỉ tăng 3,65%. Nhóm Nghiên cứu BIDV và Ban Kinh tế Trung ương dự kiến mổ xẻ thêm nguyên nhân tại sao năm vừa qua chuyển đổi số tốt nhưng năng suất lao động vẫn thấp?...

“Chúng tôi lượng hóa sơ bộ nếu Việt Nam làm tốt động lực mới, mỗi năm có thêm từ 1,5 - 2 điểm phần trăm, như vậy, tốc độ tăng trưởng GDP thay vì chỉ được 5%, sẽ tăng lên mức 6,5 - 7%”, ông Lực nhấn mạnh...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 03-2024 phát hành ngày 15-01-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Khơi thông động lực mới, GDP sẽ tăng thêm 1,5 - 2 điểm phần trăm - Ảnh 4