Không bắt buộc tất cả học sinh xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường
Bộ Y tế yêu cầu cơ sở giáo dục không bắt buộc tất cả học sinh phải xét nghiệm trước khi trở lại trường để học trực tiếp; chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0…
Ngày 22/2, Bộ Y tế đã có hướng dẫn gửi Bộ Giáo dục & Đào tạo về công tác phòng chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp. Trong hướng dẫn này, Bộ Y tế yêu cầu cơ sở giáo dục không bắt buộc tất cả học sinh phải xét nghiệm trước khi trở lại trường để học trực tiếp; chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ (sốt, ho, khó thở…) hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0.
Đối với việc tổ chức học bán trú, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế và ngành Giáo dục & Đào tạo, trong đó đảm bảo nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp; ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học… Vệ sinh, khử khuẩn nhà ăn sau mỗi lượt tổ chức cho học sinh ăn (nếu tổ chức ăn ở nhà ăn chung của nhà trường).
Về quy trình xử lý khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19 trong lớp học, Bộ Y tế hướng dẫn: giáo viên chủ nhiệm cho học sinh ngồi yên tại chỗ; cán bộ y tế trường học và ban chỉ đạo/tổ an toàn phòng chống dịch Covid-19 của nhà trường, cán bộ y tế cấp xã tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1; tổ chức test nhanh ngay cho toàn bộ học sinh của lớp đó…
Đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu trong lớp học có 1 ca xét nghiệm nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 thì cho toàn bộ trẻ trong lớp đó cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày và xét nghiệm vào ngày thứ 7. Các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7 thì được đi học trực tiếp trở lại, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm tiếp tục theo dõi sức khỏe cho trẻ trong 3 ngày tiếp theo.
Đối với lớp có học sinh F0, sau khi xác định đối tượng là F1 thì cho học sinh không phải là F1 di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ lớp học.
Được biết do tình hình Covid-19 ở một số địa phương đang diễn biến ngày càng phức tạp nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập. Trong đó, Hà Nội cũng vừa cho phép tạm dừng học trực tiếp đối với học sinh các khối từ 1 đến 6 thuộc 12 quận nội thành. Thành phố giao Sở Giáo dục & Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Uỷ ban nhân dân các quận tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thời gian phù hợp cho học sinh quay trở lại trường. Hiện tối 22/2, Hà Nội ghi nhận thêm 6.860 ca Covid-19.
Cũng phức tạp không kém khi tại TP. HCM, sau 2 tuần trở lại học trực tiếp thì số học sinh phát hiện dương tính với Covid-19 có dấu hiệu tăng qua khám sàng lọc, test nhanh. Có trường, học sinh THCS là khối 7, 8, 9 dù đã tiêm vaccine nhưng vẫn ghi nhận gần một nửa sĩ số lớp nhiễm Covid-19. Với các trường hợp này, học sinh nhiễm được nhà trường báo với phụ huynh đón con về theo dõi, hướng dẫn chăm sóc, chữa trị, đến khi có kết quả âm tính thì quay lại trường học tiếp.
Theo thông tin từ Phòng chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM) hầu hết các trường đều có kênh trao đổi với phụ huynh trên mạng xã hội để kịp thời chia sẻ tình hình sức khỏe và thảo luận giải pháp học tập tốt nhất cho các em.
Ngoài ra, hiện nay không quy định cứng tỷ lệ bao nhiêu học sinh nhiễm bệnh thì lớp học đó chuyển qua dạy học trực tuyến mà tùy theo tình hình dịch bệnh thực tế tại địa phương và cơ sở giáo dục. Khi có trường hợp xuất hiện chùm ca nhiễm trong lớp học thì nhà trường báo cáo ngay cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp quận, huyện và TP Thủ Đức để có khuyến nghị về mặt y tế, từ đó hiệu trưởng quyết định hình thức dạy học phù hợp.