07:56 24/08/2010

Không có dự án nào “ăn theo” trục Hồ Tây - Ba Vì

Từ Nguyên

“Với tư cách nhà quản lý, nhà quy hoạch, tôi khẳng định hoàn toàn không một đơn vị nào có dự án bám theo trục Hồ Tây - Ba Vì”

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn - Ảnh: T. Nguyên.
Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn - Ảnh: T. Nguyên.
“Với tư cách nhà quản lý, nhà quy hoạch, tôi khẳng định hoàn toàn không một đơn vị nào có dự án bám theo trục Hồ Tây - Ba Vì”.

Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, tại buổi họp báo cập nhật những thông tin mới nhất của đồ án Quy hoạch Thủ đô vừa được Bộ Xây dựng tổ chức chiều 23/8.

Trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo trên, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn nói:

- Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là sau khi quy hoạch Thủ đô được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân và trình Quốc hội, đã có nhiếu ý kiến trái chiều về nội dung và cách thức thực hiện đồ án.  

Đặc biệt, dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực tuyên truyền, công khai nhưng vẫn không tránh khỏi những quan niệm, những cách nhìn nhận thiếu chính xác về những vấn đề liên quan đến đồ án. Chính vì vậy, việc Bộ Xây dựng tổ chức họp báo công khai để cập nhật tình hình và tiến độ của đồ án cũng không ngoài mục đích khắc phục hạn chế trên.

Bên cạnh đó, sau khi Hà Nội có văn bản kiến nghị Thủ tướng không nên dời trung tâm hành chính lên Ba Vì đã khiến không ít ý kiến cho rằng, đã có sự thiếu đồng nhất giữa Bộ Xây dựng và Hà Nội trong việc xây dựng những nội dung quan trọng của đồ án.

Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng, đến thời điểm này, Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội vẫn kết hợp chặt chẽ và tiến độ, nội dung liên quan đến đồ án vẫn đảm bảo đúng kế hoạch.

Nếu không bất đồng thì Thứ trưởng lý giải thế nào với việc Hà Nội kiến nghị không dời trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì, trong khi trước đây Bộ vẫn cho rằng “Ba Vì vẫn là nơi lý tưởng nhất”?


Tôi có thể khẳng định rằng, khái niệm trung tâm hành chính quốc gia đã không còn tồn tại sau ngày 15/6/2010. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, báo cáo của Chính phủ đã không nhắc đến trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì nữa.

Lúc đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng có mặt ở đó và không có phản hồi gì với báo cáo trên.

Hơn nữa, ai cũng hiểu rằng, vấn đề dời trung tâm hành chính lên Ba Vì đã hủy bỏ từ đó. Chính phủ chỉ coi Ba Vì là khu vực dự trữ đất mà thôi.

Việc Hà Nội đề nghị không dời trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì có thể là sự nhầm lẫn, quan liêu. Tôi không phải là đại diện cho Hà Nội, nên tôi không biết vì sao lại có văn bản này.

Bộ Xây dựng bình luận gì về hai địa điểm mới xây trung tâm hành chính quốc gia do Hà Nội đề xuất?

Trong công văn mà chúng tôi nhận được ngày 19/8 vừa qua, đúng là Hà Nội có đề xuất địa điểm xây dựng mới tại Tây Hồ Tây và Mỹ Đình. Tuy nhiên, ngay sau khi trình Quốc hội tại kỳ họp vừa qua thì Chính phủ đã khẳng định, trung tâm hành chính - chính trị quốc gia là ở Ba Đình.

Và một khi đã xác định địa điểm là Ba Đình rồi thì tại sao lại phải đặt vấn đề xây ở một địa điểm khác. Cá nhân tôi cho rằng, tại thời điểm này không cần thiết phải đặt ra vấn đề này nữa.

Vậy, nếu trung tâm hành chính không dời lên Ba Vì nữa thì tại sao Bộ Xây dựng vẫn theo đuổi ý tưởng xây trục Hồ Tây - Ba Vì. Liệu điều này có bị tác động bởi nhóm lợi ích không?

Mọi người cần phải nhớ rằng, không phải đến thời điểm lập quy hoạch chung Hà Nội thì trục Hồ Tây - Ba Vì mới được đặt ra. Trên thực tế, trục đường này đã được đề cập từ quy hoạch 108 được Thủ tướng phê duyệt năm 1998 để phát triển phía Tây của tỉnh Hà Tây.

Nhưng quan trọng hơn, sau này, khi Hà Nội mở rộng với các đô thị vệ tinh thì dân số tại khu vực trên sẽ lên đến 1 triệu dân, cộng với đô thị lõi 4,6 triệu dân, thì nhất thiết phải có trục đường kết nối từ Đông sang Tây.

Nếu thiếu trục này chắc chắn áp lực giao thông sẽ dồn nén sang Đại lộ Thăng Long (đường Láng - Hòa Lạc cũ) và quốc lộ 32. Nhìn trên bản đồ Google thì mật độ giao thông của Hà Nội vẫn rất rời rạc, trong khi nếu nhìn vào bản đồ của Tokyo, Thượng Hải, Seoul... thì mật độ dày đặc.

Nếu thêm một tuyến đường này tôi e rằng vẫn chưa đủ. Còn khi làm quy hoạch Hà Nội có tiền hay không thì lại là chuyện khác nhưng nhất thiết phải có đường để giữ đất.

Với tư cách là nhà quản lý, vừa là nhà làm quy hoạch, tôi có thể khẳng định là hoàn toàn không có một đơn vị nào có dự án bám theo trục Hồ Tây – Ba Vì. Ngược lại, hầu hết các dự án đều bám theo Đại lộ Thăng Long. Bộ Xây dựng đã có hẳn cơ quan thanh tra và đích thân tôi cũng đã ký quyết định thanh tra việc này. Kết quả là không có dự án nào nằm trọng dạng “ăn theo” trục đường này.

Thậm chí, trục đường này đã ảnh hưởng bất lợi đến một số dự án trước đó, trong đó có những dự án của một số doanh nghiệp thuộc Bộ như dự án Vân Canh, Kim Chung - Di Trạch...

Trong trường hợp trục Hồ Tây - Ba Vì không được chấp thuận và đồ án không được phê duyệt như dự kiến thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tiến độ triển khai, thưa ông?

Chuyện có hay không có trục Hồ Tây - Ba Vì thì còn phải bàn tiếp trước hội đồng thẩm định cấp Nhà nước với sự tham gia của nhiều nhà khoa học của các bộ, ngành và cả hai nhà tư vấn nước ngoài.

Nếu đồ án chậm lại thì đương nhiên sẽ có ảnh hưởng đến tiến độ lập quy hoạch chi tiết, phân khu sau này. Do đó, với trách nhiệm được Chính phủ giao là đơn vị tổ chức thực hiện thì chúng tôi  luôn cố gắng hết sức để hoàn thành đúng tiến độ.

Vì sao đồ án quy hoạch Thủ đô dù chưa được thông qua, nhưng Bộ Xây dựng đã xây dựng mô hình với chi phí lên đến hàng triệu USD, thưa Thứ trưởng?

Quy hoạch đô thị, không gian là quy hoạch vật thể, nếu chỉ có trên bản vẽ không thôi thì sẽ rất khó cho nhiều người hình dung. Trên thế giới vẫn thường phải áp dụng cả bản vẽ và mô hình.

Mô hình mà tư vấn Possco tài trợ sắp tới trưng bày chỉ là mô hình để nghiên cứu và giới thiệu. Còn hồ sơ chính thức sau này bàn giao giữa Bộ Xây dựng và Hà Nội sẽ là hồ sơ kỹ thuật mới có giá trị pháp lý, có giá trị thực tế.

Lưu ý rằng, xây dựng trụ sở của một đơn vị bình thường cũng phải làm mô hình. Tuy nhiên, khi xây dựng không ai làm theo mô hình đó mà phải theo bản vẽ kỹ thuật.