11:13 08/02/2010

Không làm pháo, Bình Đà lại giàu hơn

Phương - Vũ

Không còn nghề làm pháo, người dân Bình Đà đã có trăm nghề khác với thu nhập cao hơn

Bỏ nghề pháo, người Bình Đà nay đã có nhiều nghề mới.
Bỏ nghề pháo, người Bình Đà nay đã có nhiều nghề mới.
Trước năm 1994, người Bình Đà rất tự hào vì nghề làm pháo đã giúp nơi đây trở thành làng giàu nhất nhì huyện Thanh Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội).

Những tưởng rằng mất đi nghề truyền thống, người dân xã Bình Minh đặc biệt là làng Bình Đà sẽ mất đi  “cây gậy” kiếm cơm và lâm vào cảnh nghèo túng. Nhưng...

Trăm nghề mới

Ngày ấy, đặt chân tới đất Bình Đà vào bất kỳ lúc nào cũng có thể cảm nhận được sự náo nhiệt của nghề làm pháo. Trẻ con thì tiêm pháo, cuộn pháo, những người trung niên có nhiều kinh nghiệm hơn thì đổ thuốc... Cả xã Bình Minh đều làm pháo và có cuộc sống khá ổn định.

Tuy nhiên, nghề làm pháo vẫn được ví như “cưỡi trên lưng hổ”. Dù đã có bao vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra, bao cái chết thương tâm từ nghề làm pháo nhưng người dân Bình Đà khi đó vẫn cho rằng rất khó từ bỏ cái nghề cha truyền con nối đã gắn bó hàng ngàn năm.

Ông Nguyễn Kiêm Đông, Phó chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo (1994), người dân nơi đây đã rất hoang mang, tâm lý hẫng hụt bao trùm.

Hai năm sau đó, đời sống của người dân rất khó khăn vì họ chưa biết chuyển  đổi làm nghề gì. Nhưng từ năm 1997 trở đi, người dân bắt đầu tự tìm ra hướng đi mới cho riêng mình, chuyển sang làm dịch vụ. Nhiều gia đình đã giàu lên nhanh chóng.

Nhà nước có chủ trương tạo cơ chế điều kiện cho người dân xã  Bình Minh vay vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế. Hướng chuyển đổi của xã lúc đó là chăn nuôi bò sữa, xây dựng mô hình vườn có hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, xã cũng mở nhiều lớp hướng nghiệp dạy nghề, kêu gọi các gia đình có vốn liếng thành lập công ty riêng, chuyên một số nghề như may, sản xuất giầy, gỗ xuất khẩu. Đồng thời, khuyến khích người có điều kiện làm thầu xây dựng, vận tải...

Từ một nghề  truyền thống bị mất đi, với sự năng động vốn có, người dân xã Bình Minh đã tạo ra cho mình hàng trăm nghề khác nhau: dịch vụ, buôn bán, thủ  công mỹ nghệ, may mặc, thêu ren... Nhờ đó, không những khắc phục được tâm lý hụt hẫng ban đầu khi mới bị mất nghề truyền thống mà còn tạo công ăn việc làm mới có thu nhập cao, lại không nguy hiểm như sản xuất pháo.

Một trong những nghề  mà khiến người dân xã Bình Minh giàu lên nhanh chóng đó là dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm. Ông Đông cho biết, mỗi ngày xã Bình Minh giết mổ khoảng 30 tấn gà cung cấp cho thị trường nội thành Hà Nội. Nhiều gia đình trong xã đã tự đi liên hệ với các trại gà, thương lái... tự mở rộng giao dịch, xây dựng mối làm ăn lâu dài.

Anh Nguyễn Doãn Cao Thắng, Phó bí thư chi đoàn thôn Chằm cho biết, ngoài giết mổ gà, gia đình tôi còn nuôi khoảng 1.000 con gà. Thu nhập của gia đình từ giết mổ gà cũng vào khoảng hơn 100 triệu đồng/năm.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ việc giết mổ gia súc, gia cầm hiện nay tại các hộ gia đình, ông Đông cho biết, xã đang có hướng xây dựng khu giết mổ tập trung rộng khoảng 5ha cách khu dân cư 1km.

Ngoài dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm, nơi đây cũng hình thành nhiều trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao như trang trại nuôi cá sấu, ếch giống của ông Bùi Đăng Núi. Ông Núi nhớ lại: “Sau khi thôi không làm pháo, thấy không có công ăn việc làm, tôi lặn lội vào trong miền Trung học hơn 1 năm về cách nuôi cá sấu, ếch giống, ba ba rồi về nhà lập trang trại. Mỗi năm gia đình tôi trừ các chi phí thu lại được gần 200 triệu đồng/năm”.

Từ người làm pháo đến ông chủ doanh nghiệp

Không chỉ mở trang trại, nhiều người đã mạnh dạn  đứng lên thành lập công ty riêng, ông Nguyễn Hữu Minh, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Mỹ Bảo là một ví dụ.

Ông Minh chia sẻ, sau khi rời quân ngũ trở về, gia đình tôi cũng như bao gia đình khác lại dồn tâm sức vào nghề làm pháo. Nhưng khi bị cấm làm pháo, tôi quyết định thành lập hợp tác xã sản xuất xà phòng kem, nước rửa bát. Một thời gian sau, tôi thành lập Công ty TNHH Mỹ Bảo kinh doanh xăng dầu. Một phần, giải quyết việc làm cho gia đình, phần khác là giúp con em cựu chiến binh, người nghèo có công việc ổn định.

Vận tải cũng là  ngành nghề đang phát đạt tại xã Bình Minh. Ông Nguyễn Tiến Chức, Chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải Loan Chức cho biết, từ khi chuyển đổi sang kinh doanh vận tải kinh tế khấm khá hơn thời làm pháo rất nhiều. Hiện tại, Hợp tác xã của ông sở hữu 12 xe ô tô, 3 máy ủi, giải quyết công ăn việc làm cho 26 lái xe với mức thu nhập trung bình từ 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng.

Với những nỗ lực vượt khó, thích nghi với cuộc sống hiện tại, người dân xã Bình Minh lại đã quen rồi với cuộc sống không tiếng pháo, bình yên. Ông Đông vui vẻ, hiện nay, mức thu nhập của người dân nơi đây được cải thiện đáng kể, trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức thu nhập cao hơn cả thời làm nghề pháo gia truyền trước đây (thu nhập bình quân khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng).

Bên cạnh những cải thiện về mặt kinh tế, về văn hóa đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Trẻ con trong xã có  nhiều điều kiện để học hành hơn. Nếu trước đây, trẻ con ngoài giờ học thì về nhà  còn phụ giúp gia đình làm pháo thì nay đã có nhiều thời gian hơn để tập trung vào học tập. Đó cũng là lý do khiến số học sinh tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng tăng, ông Minh chia sẻ.

Và khi cuộc sống thanh bình, yên ả đang hiện hữu chắc chẳng còn ai muốn quay lại cái nghề “cưỡi trên lưng hổ” nữa. Bây giờ, pháo Bình Đà chỉ còn trong hoài niệm...