Không lao động nào muốn "bán" sổ bảo hiểm nếu đời sống được đảm bảo
Từ đầu năm 2021 đến nay, có khoảng 870.000 lao động đã rút bảo hiểm xã hội một lần, so với năm 2020 con số này tăng lên rất nhiều, phần lớn rơi vào nhóm công nhân lao động, những người có hoàn cảnh khó khăn….
Chiều 10/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Tại phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM bày tỏ lo ngại về tình trạng người lao động “bán” số bảo hiểm xã hội và những hệ lụy về sau.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung làm rõ, thực chất của trình trạng này là người lao động rút bảo hiểm để hưởng bảo hiểm xã hội một lần, hoặc do ngại đi làm thủ tục hoặc vì một lý do nào đó mà phải nhượng lại sổ bảo hiểm xã hội cho người khác.
“Theo thống kê từ đầu năm 2021 đến nay, đã có khoảng 870.000 lao động đã rút bảo hiểm xã hội một lần, nếu so với 2020 con số này tăng lên rất nhiều”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.
Để giải quyết vấn đề này, theo Bộ trưởng có ba vấn đề căn cơ, trước hết nhất thiết phải chăm lo cho đời sống người lao động, bởi lẽ số lao động rút bảo hiểm xã hội một lần và bán sổ bảo hiểm rơi hầu hết vào công nhân lao động, những người có hoàn cảnh khó khăn.
Do đó, giải quyết tận gốc vấn đề này chính là nâng cao đời sống cho người lao động. “Nếu cuộc sống được đảm bảo, chắc chắn không bao giờ người lao động muốn bán sổ bảo hiểm xã hội”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Giải pháp thứ hai theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người lao động thấy được sự cần thiết và lợi ích lâu dài của việc tham gia bảo hiểm xã hội, để có một khoản lương lương hưu khi về già.
Cuối cùng là phải tổng kết Nghị quyết 93 để thực hiện Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Song giải pháp căn cơ hơn cả là phải sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã hoàn thiện hồ sơ, phấn đấu đến năm 2022 trình dự thảo quy định để điều chỉnh việc này.
Trong đó, bên cạnh hưởng chính sách bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo luật sửa đổi sẽ tăng cường các lợi ích khác đối với người lao động, ví dụ như nếu không rút bảo hiểm xã hội một lần thì ngoài tiền ra người lao động còn được hưởng các chính sách khác như tham quan, du lịch...
Cũng tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi của Đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang về chính sách cho người về hưu, đặc biệt là nhóm về hưu trước năm 1995 có mức lương hưu thấp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa trước, Quốc hội đã bàn vấn đề này và có nghị quyết cụ thể.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn rốt ráo chuẩn bị và trong tháng 12 này, dự kiến Chính phủ sẽ quyết định việc điều chỉnh lương hưu với các nhóm đối tượng này.
“Chúng tôi đã đề nghị cho điều chỉnh sớm hơn, ngay từ 1/1/2022 với mức điều chỉnh 7,4%. Tổng kinh phí để điều chỉnh lương hưu sẽ khoảng trên 12.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách bổ sung cho những người nghỉ hưu trước năm 1995 và những người có lương hưu chưa đạt 2,5 triệu đồng/tháng.
Hiện chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện hồ sơ để cuối năm 2021 nhóm này sẽ được hưởng luôn chính sách trên”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.