10:19 13/08/2012

Không nên cho phép viên chức hành nghề luật sư

Nguyễn Lê

Cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư sẽ tạo ra khả năng làm phát sinh xung đột lợi ích

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện báo cáo Một số vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư - Ảnh: N.H
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện báo cáo Một số vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư - Ảnh: N.H
Khác với quan điểm của Chính phủ, nhiều ý kiến tại phiên họp sáng nay (13/8) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba vừa qua. Tại đây, nhiều ý kiến tán thành với quy định cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư của dự thảo luật.

Tuy nhiên, số ý kiến không tán thành quy định này nhiều hơn. Vì, theo quy định của Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987 và Pháp lệnh Luật sư năm 2001 thì công chức, viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật vẫn được phép hành nghề luật sư. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn áp dụng, đánh giá những ưu, nhược điểm của quy định này, khi thông qua Luật Luật sư (tháng 6/2006), Quốc hội khóa 11 đã quyết định không quy định vấn đề này. Như vậy, nếu sửa đổi lại quy định như đã nêu trên, sẽ không phù hợp với mục tiêu nâng cao chất lượng và định hướng chuyên nghiệp hóa đội ngũ luật sư Việt Nam.

Tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ cho rằng, trong hơn 1.500 viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật hiện nay, nhiều người được đào tạo ở nước ngoài, thông thạo ngoại ngữ, am hiểu về pháp luật và tập quán quốc tế. Việc cho phép đội ngũ này làm luật sư sẽ bổ sung một số lượng đáng kể luật sư trong tình hình hiện nay.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, đa số ý kiến Thường trực cơ quan này nhất trí với các ý kiến không tán thành.

Bởi, việc cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư sẽ làm phân tán nguồn lực và tạo ra khả năng làm phát sinh xung đột lợi ích khi luật sư là các giảng viên tham gia tố tụng. Hơn nữa, hành nghề luật sư thường gắn liền với hoạt động tố tụng (tức là chủ yếu được tiến hành trong giờ hành chính), do đó nếu giảng viên được hành nghề luật sư sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn giảng dạy, khó bảo đảm chất lượng hành nghề.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị cân nhắc, có thể cho giảng viên hành nghề luật sư, làm tư vấn nhưng không tham gia tố tụng, vì đây là đội ngũ được đào tạo cơ bản. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của nhiều ý kiến phát biểu sau đó.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, không phải ngẫu nhiên khi cả nước mới có khoảng 1.000 luật sư mà Quốc hội khóa 11 lại không quy định viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư. Nay đội ngũ luật sư đã có gần 8.000 người rồi thì cũng nên duy trì quy định này.