Không nên thêm điều kiện đầu tư, kinh doanh trong ngành chăn nuôi
Chính phủ kiến tạo không nên đặt thêm điều kiện đầu tư kinh doanh mới cho ngành chăn nuôi
Chính phủ kiến tạo không nên đặt thêm điều kiện đầu tư kinh doanh mới cho ngành này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm về dự án Luật Chăn nuôi.
Sáng 13/4 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án luật này.
Nêu sự cần thiết ban hành luật, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, ngành chăn nuôi đã thay đổi cơ bản về quy mô, phương thức chăn nuôi, ngày càng trở thành ngành kinh tế quan trọng trong nông nghiệp. Đồng thời, phát sinh nhiều hệ lụy phức tạp, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh pháp luật tương ứng để quản lý hiệu quả hơn.
Dự thảo luật gồm 8 chương, 65 điều, có nhiều nội dung mới so với Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004.
Một trong các nội dung mới là quy định cụ thể các điều kiện sản xuất, kinh doanh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, dự thảo đã cụ thể hoá các yêu cầu, điều kiện của một cơ sở chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi để đảm bảo có thể quản lý trên 4 lĩnh vực: quản lý đăng ký chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và điều kiện cơ bản để đảm bảo chất lượng giống vật nuôi, chất lượng thức ăn chăn nuôi; giám sát đảm bảo về môi trường; thực hiện an toàn sinh học và phát triển theo quy hoạch.
Các điều kiện này tạo cơ sở cho việc nâng cao chất lượng giống vật nuôi, chất lượng thức ăn chăn nuôi, xây dựng, phát triển có quy hoạch, có kiểm soát và phát triển bền vững ngành chăn nuôi, Bộ trưởng trình bày.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định tổ chức, cá nhân phải thực hiện đăng ký, kê khai với cơ quan quản lý khi kinh doanh giống vật nuôi, sản xuất chăn nuôi giúp các cơ quan quản lý thống kê, giám sát, quản lý và là cơ sở để từng bước quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi.
Trong nội dung mới này có khá nhiều điều kiện đặt ra với cơ sở chăn nuôi và người chăn nuôi. Như, vị trí xây dựng trang trại phải được ủy ban nhân dân cấp huyện đồng ý bằng văn bản, Hay, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình hội đồng nhân dân cùng cấp quy định chi tiết các khu vực thuộc nội thành, nội thị của địa phương không được phép chăn nuôi; quy định các khu đông dân cư không được chăn nuôi trang trại. Rồi cá nhân hành nghề chăn nuôi phải có chứng chỉ hành nghề, điều kiện được cấp chứng chỉ với người hành nghề lấy mẫu thức ăn chăn nuôi và hành nghề thụ tinh nhân tạo là phải có trình độ trung cấp trở lên chuyên ngành chăn nuôi, thú y, công nghệ sinh học...
Thẩm tra sơ bộ dự án luật, Uỷ ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng cần xem xét tính khả thi của quy định về điều kiện đối với cá nhân hành nghề chăn nuôi và quy định về chuyên ngành được đào tạo của cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm cho rõ ràng, chặt chẽ và phù hợp hơn, như quy định cấm "chăn nuôi trong nội thành, nội thị, trừ nuôi động vật cảnh và chăn nuôi nhỏ lẻ không vì mục đích thương mại .."; "chăn nuôi trang trại trong khu dân cư" cần có lộ trình để thực hiện.
Kể ra nhiều điều, khoản đặt ra các điều kiện mới, thủ tục mới trong đầu tư, kinh doanh tại dự thảo, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị cần rà soát lại. Muốn có thêm điều kiện thì Chính phủ phải trình Quốc hội sửa Luật Đầu tư, mà luật này thì cũng mới được sửa. Đặt ra quá nhiều điều kiện có thể thuận lợi cho quản lý nhưng hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp, ông Định phân tích.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì dự thảo luật cần quy định rõ hơn về giống vật nuôi thuần chủng của Việt Nam, giống vật nuôi nhập khẩu và giống vật nuôi lai tạp để giữ gìn nguồn gen quý hiểm của các giống vật nuôi truyền thống của đất nước, vừa tiếp cận được nguồn gen giống của nước ngoài để chủ động nguồn giống vật nuôi cho chăn nuôi.
Tán thành với việc dự thảo luật xác định 3 danh mục vật nuôi, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định về quy chế pháp lý của từng vật nuôi, đặc biệt đối với danh mục giống vật nuôi quý hiếm cần phải bảo tồn và chỉ rõ ngoài 3 danh mục này, những giống vật nuôi không nằm trong danh mục thì có được tự do sản xuất kinh doanh hay không.
Đề nghị ban soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật để trình Quốc hội kỳ họp tới, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý dự thảo còn hơn 30 điều, khoản giao Chính phủ và Bộ quy định cụ thể là quá nhiều, cần rà soát để càng cụ thể hoá tại luật thì càng tốt.