16:03 27/04/2016

“Không quy được trách nhiệm thì dân vẫn phải ăn bẩn”

Song Hà

Tới đây, người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn mình

Thủ tướng đồng ý cho các địa phương được giữ lại toàn bộ số tiền phạt để chống thực phẩm bẩn.<br>
Thủ tướng đồng ý cho các địa phương được giữ lại toàn bộ số tiền phạt để chống thực phẩm bẩn.<br>
“Không xác định được trách nhiệm nên cả làng đều vui, ăn bẩn vẫn vui vì có chết ngay đâu. Nếu không quy được trách nhiệm rõ ràng thì tình trạng này chưa giải quyết được”.

Đó là phát biểu của Bí thư Thành ủy Tp.HCM Đinh La Thăng tại cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ với 63 tỉnh thành về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, diễn ra sáng 27/4.

Theo Bí thư Thăng, tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm hiện đang “rất đáng báo động và phức tạp”. Trên thực tế, chỉ bằng một khảo sát nhỏ cũng cho ra kết quả khác xa con số 5% hay 10% thực phẩm nhiễm bẩn như các bộ ngành báo cáo.

Ông Thăng cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất là do cơ chế của mình không xác định được trách nhiệm của cá nhân hay tập thể nào, chẳng kỷ luật được ai ở tất cả mọi cấp.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân cán bộ thoái hoá, biến chất, hám lợi dẫn đến tình trạng bao che, thông đồng. “Hàng loạt lò mổ không phép sờ sờ tại các phường, xã chả nhẽ cán bộ không biết”, ông Thăng đặt câu hỏi.

Ông Thăng nhìn nhận, muốn xử lý dứt điểm tình trạng này trước hết phải quy trách nhiệm từ lãnh đạo cao nhất ở cấp phường, xã. Vi phạm ở xã, phường thì bí thư, chủ tịch phường phải chịu trách nhiệm.

Thậm chí, Bí thư Đinh La Thăng kiến nghị nên giao cho lực lượng cựu chiến binh tại địa phương giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị ban hành nhiều biện pháp cứng rắn, trong đó có việc cấm kinh doanh nếu tái phạm.

Một số ý kiến cho rằng, chính vì cơ chế quản lý lỏng lẻo cho nên ngay cả “một mâm cơm cả 3 bộ quản lý”, nhưng rốt cuộc người dân phải phải dùng thực phẩm bẩn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát sau đó đã lý giải rằng, cần hiểu một cách rành rẽ theo cách tiếp cận mới là quản lý theo chuỗi sản phẩm, theo Luật An toàn thực phẩm.

“Ví dụ, mặt hàng rau thì Bộ Nông nghiệp quản lý tất cả các khâu, từ sản xuất, phân phối, đóng gói, hay mặt hàng bia thì do Bộ Công Thương quản lý, chứ không phải như trước kia, việc trồng rau do Bộ Nông nghiệp quản lý còn đưa rau ra thị trường thì do Bộ Công Thương quản lý và chế biến trong nhà hàng thì do Bộ Y tế quản lý”.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, an toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến giống nòi mà còn cả uy tín quốc tế của đất nước.

Do đó, Thủ tướng khẳng định “chúng ta cần biện pháp mạnh, kiên quyết, toàn diện, để có kết quả rõ ràng”, đồng thời yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Thủ tướng cũng chia sẻ quan điểm với Bí thư Đinh La Thăng, bởi “nếu không quy trách nhiệm cụ thể thì sẽ khó thành công. Người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn của mình”, Thủ tướng nói.

Kiến nghị về việc sử dụng tiền phạt để làm kinh phí hoạt động của các địa phương cũng được Thủ tướng chấp thuận cho phép.

“Phải xử lý hành chính ở mức cao nhất, kể cả xử lý hình sự các vi phạm về an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra; tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất thay đổi tư duy, nhận thức rõ vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cơ quan thông tin truyền thông phải vào cuộc tích cực, thông tin đầy đủ, toàn diện về công tác này”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu, trước mắt, lựa chọn loại thực phẩm tươi sống - gắn bó thường nhật với đời sống người dân để tập trung giám sát... nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về quản lý an toàn thực phẩm.