"Không thể dùng mệnh lệnh để ép ngân hàng cho vay"
Nhiều băn khoăn về tính khả thi khi luật hoá hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp
Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) được dành hai phút để "phản biện". Nhưng, vì là Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nên đại biểu Thân được ngoại lệ thêm một phút.
Đó là khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, sáng 22/11.
Trước khi ông Thân giơ biển, một số vị đại biểu khác rất băn khoăn về tính khả thi khi luật hoá hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện ngân sách vô cùng hạn hẹp.
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) băn khoăn khi chưa thấy có dự báo đầy đủ về khả năng nguồn để bảo đảm tính khả thi của chính sách.
Chi phí để thực thi chính sách đều cần bảo đảm bằng ngân sách nhà nước nhưng chưa được Ban soạn thảo tính toán đầy đủ. Trong bản dự toán, khoản 12.000 tỷ để thực thi luật, nhưng riêng chính sách cấp bù lãi suất đã là vấn đề khó khả thi trong tình hình ngân sách hiện nay, đại biểu Hiền nhận xét.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng nhìn nhận, dự thảo luật đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng việc cân đối các nguồn lực để thực hiện các hỗ trợ đó không rõ nét, có thể dẫn đến tính khả thi không cao của chính sách, nhất là nguồn lực về mặt tài chính.
Theo đại biểu, việc luật yêu cầu các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có vẻ hợp lý. Tuy vậy, sau đó nhà nước lại phải hỗ trợ ưu đãi cho các ngân hàng, bởi nếu không họ không có nguồn lực đâu mà hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp.
Đại biểu Bình phân tích, Chính phủ phải quy định chi tiết các ưu đãi đó, có thể là các biện pháp như: tỷ lệ dự trữ bắt buộc, chiết khấu, tái cấp vốn, khoanh nợ, xử lý rủi ro, trích lập dự phòng..... Song những ưu đãi như vậy rất có thể mâu thuẫn với các quy định về đảm bảo an toàn trong Luật Các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều loại quỹ hoạt động không hiệu quả lâu nay, dự thảo luật cũng nêu ra việc lập một số quỹ như Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ tương hỗ, Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, Quỹ đầu tư khởi nghiệp cũng cần tính toán, đánh giá tác động, hiệu quả một cách kỹ càng, đại biểu góp ý.
Nêu hàng loạt con số chứng tỏ ngân sách đang rất bí bách, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nói, trong dự toán năm 2017 và kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa thấy cụ thể nguồn ngân sách dành riêng để phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi đó, ở địa phương thì chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhiều nơi còn chưa có nguồn để bố trí, việc bố trí vốn đối ứng cho các chương trình mục tiêu, các dự án ODA tại một số địa phương rất khó khăn về nguồn... nên khó có thể bố trí ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.
Giai đoạn 2016-2020 bố trí ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất khó khăn và chưa có phương án cụ thể. Bản thân dự thảo luật cũng chỉ quy định cầm chừng là hỗ trợ từ ngân sách sẽ tùy thuộc vào điều kiện của ngân sách trong từng giai đoạn nên việc đã khó sẽ càng khó khăn hơn, đại biểu Phú Thọ nhấn mạnh.
Được mời tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân nói: "Tôi có tư duy khác là không phải nhà nước đưa tiền cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để sản xuất kinh doanh mà nhà nước tạo cơ sở và cơ chế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia".
Với ý kiến ngân hàng cho doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn so với lãi suất bình thường thì ngân sách phải bù đắp chỗ đó, ông Thân lập luận, phần hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đó là để nuôi dưỡng nguồn thu.
Chúng ta không đưa tiền vào đó mà các ngân hàng có nghĩa vụ, nhận tiền của dân thì phải có trách nhiệm với những thành phần đang khó khăn, ông Thân nói.
Về ý kiến đại biểu nói doanh nghiệp nhỏ và vừa không cần vốn là, ông Thân khẳng định ý kiến này không đúng, nhất là startup và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất cần vốn.
Ông Thân cho rằng cần tính đến 2020, nếu có 1 triệu doanh nghiệp thì GDP là bao nhiêu, bao nhiêu lao động được tạo việc làm và đóng góp cho ngân sách sẽ là bao nhiêu?
"Tạo sao chúng ta nghĩ bỏ ra 1 đồng là mất 1 đồng, mà có phải bỏ ngay đâu, chúng ta tạo cơ chế họ vay. Thậm chí tôi nghĩ nếu không có ta nên đi vay để hỗ trợ, sau đó chúng ta thu lại thì mới phát triển được". đại biểu Thân nhấn mạnh.
Được ưu tiên thêm một phút, đại biểu Thân cho rằng nếu khẳng định vốn là cần thiết thì đừng ngần ngại xây dựng cơ chế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đại biểu, nếu Quốc hội chủ động làm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt về vốn thì sẽ không bị động.
Ông Thân cho biết, 2008-2009 đã giảm và giãn nợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là 34.000 tỷ đồng, giảm và giãn thuế thu nhập doanh nghiệp 21.630 tỷ đồng. Nghĩa là khi doanh nghiệp nhỏ và vừa vấp phải hoàn cảnh khó khăn, bị lỗ không trả được thuế thì xử lý tình thế để giảm và giãn cho doanh nghiệp.
Nhưng như thế, theo đại biểu là đi theo doanh nghiệp. "Đây tôi sẵn sàng chơi bài ngửa, tôi giảm cho ông trước. Vì là luật nên có trao đổi và nhất quán với nhau, nếu chấp nhận chúng ta giảm trước, ưu tiên trước, nó hay hơn và ta chủ động hơn", đại biểu đề nghị.
Cũng giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) - chủ tịch Vietinbank phản biện ý kiến đại biểu Thân, rằng các ngân hàng thương mại là các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nên không thể nói rằng ngày hôm nay, anh huy động thì phải cho vay, không bao giờ có chuyện đó.
"Chúng ta cũng không thể có mệnh lệnh nào để ép các ngân hàng phải cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay, hỗ trợ. Nếu như căn cứ vào dự thảo này thì nói thật dù có ban hành các chương trình thì các ngân hàng thương mại cũng không thể cho vay được", ông Thắng quả quyết.