Vâng, trong cuộc sống ngày nay, những chiếc máy lạnh thực sự đã trở thành những “trợ thủ” đắc lực nhất cho sinh hoạt thường ngày của mỗi gia đình. Và cũng chính vì máy lạnh “đa năng” là thế nên mỗi khi chúng gặp sự cố là thực sự bạn rất dễ… phát điên. Nhưng đừng vội “điên” bạn nhé! Hãy bình tâm lại và thử tự “bắt bệnh” cho máy lạnh của bạn xem sao trước khi gọi thợ kĩ thuật tới kiểm tra máy. Biết đâu bạn lại có thể tự sửa máy lạnh mà không cần gọi thợ gây tốn kém cả về thời gian lẫn tiền bạc.
1.Máy lạnh đột nhiên kém lạnh.
Mỗi khi thấy máy lạnh bị giảm hiệu quả làm lạnh trong điều kiện bạn vẫn đang sử dụng máy bình thường, trước hết bạn cần xem lại yếu tố thời tiết lúc đó. Rất có thể do trời nóng hơn bình thường khiến nhiệt độ phòng của bạn cao hơn nên bạn thấy kém mát. Hoặc do trời nóng quá nên máy lạnh của bạn phải hoạt động với công suất cao hơn có thể gây quá tải, khiến máy phải tự ngừng quá trình làm lạnh nhiều hơn để bảo vệ chống quá tải. Ngoài ra, việc bụi bám quá nhiều trên thân máy, màng lọc bụi… cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng làm lạnh của máy.
Tự chẩn trị bệnh:
- Kiểm tra lại nhiệt độ thời tiết và thử điều chỉnh nhiệt độ cài đặt cho máy. Nếu sau khi hạ thấp nhiệt độ cài đặt bạn thấy phòng lại mát lạnh thì như vậy là máy của bạn vẫn đang vận hành tốt.
- Kiểm tra lại chế độ cài đặt của remote điều khiển máy lạnh. Rất có thể do vô tình bạn đã bấm tăng nhiệt độ lên, thay đổi chế độ thổi gió hay cài đặt hẹn giờ tự bật – tắt của máy lạnh… mà không biết.
- Kiểm tra mức độ… bụi bám vào máy. Việc bụi bám quá dày vào màng lọc bụi, thân máy và thậm chí là cả lớp lưới tản nhiệt của dàn nóng máy treo bên ngoài nhà cũng sẽ khiến hiệu quả hoạt động của máy bị giảm. Lúc này, tốt nhất bạn nên thực hiện bảo trì, vệ sinh cho máy cả dàn nóng lẫn dàn lạnh.
2. Máy chạy liên tục nhưng không lạnh.
Trái với trường hợp ở trên, máy lạnh của bạn lúc này liên tục thổi gió ù ù nhưng không thổi ra hơi lạnh mà chỉ thổi hơi giống như gió quạt thông thường. Lúc này, rất có thể máy lạnh của bạn thực sự đang gặp vấn đề thiếu gas, đường ống gas có thể bị cản trở do lỏng hoặc nghẹt. Nhưng cũng có thể đơn giản chỉ là do lọc gió, dàn lạnh hoặc dàn ngưng tụ bị dơ khiến không khí đi qua dàn lạnh không đủ, không khí giải nhiệt không tuần hoàn nên máy nén hoạt động không hiệu quả.
Tự chẩn trị bệnh:
- Làm vệ sinh toàn bộ dàn lạnh của máy, nếu có thể kết hợp vệ sinh luôn dàn nóng để tránh cho máy không bị quá tải, có thể dẫn tới các chứng bệnh trầm trọng hơn.
- Nếu máy lạnh của bạn mới được lắp đặt trong khoảng 1 – 2 năm trở lại, và có dàn nóng đặt cao hơn dàn lạnh, tốt nhất bạn nên gọi thợ đến kiểm tra lượng gas của máy. Bởi rất có thể cách lắp đặt này đã khiến cho gas lạnh (môi chất lạnh lẫn dầu bôi trơn) không quay trở về máy nén đầy đủ. Khi đó, lượng gas và dầu bôi trơn ở máy nén sẽ bị giảm dần, từ đó làm giảm hiệu suất làm lạnh, đồng thời làm giảm tuổi thọ của máy.
Trên thực tế, về kĩ thuật thì vị trí lắp đặt tốt nhất là dàn nóng thấp hơn dàn lạnh. Tuy nhiên, trong trường hợp không có vị trí thuận lợi, thợ lắp đặt máy lạnh vẫn thường gắn dàn nóng ngang hoặc cao hơn dàn lạnh ít nhiều. Trong trường hợp này, những người thợ lắp đặt “có tâm” chắc chắn sẽ phải lưu ý đến việc tính kích thước đường ống đúng chuẩn và đặt “bẫy dầu” để dầu không bị mất dần làm giảm gas lạnh. Còn nếu không, bạn chắc chắn sẽ phải thường xuyên gọi thợ kiểm tra gas định kì để có thể sạc gas đủ cho máy khi cần thiết.
3. Máy lạnh đột ngột chảy nước phần dàn lạnh.
Nếu dàn lạnh của máy bị chảy nước chỉ một thời gian ngắn sau khi được lắp đặt mới, thường nguyên nhân là do lỗi kĩ thuật trong lúc lắp đặt máy. Nếu sử dụng đường ống nước quá dài hoặc không có độ dốc nhất định khi lắp thì nước thải từ máy sẽ trào ngược trở lại máng hứng và gây tràn máng hứng khiến nước chảy ra ngoài. Hoặc nếu máng hứng không được lắp đặt cân bằng, bị nghiêng thì nước cũng sẽ bị tràn ra ngoài.
Còn nếu máy lạnh của bạn đã dùng ổn định được một thời gian dài rồi nay bỗng nhiên bị chảy nước thì nhìn chung sẽ là do dàn lạnh bị bẩn hoặc ống thoát nước bị tắc, vỡ. Sau một thời gian sử dụng, dàn lạnh bị bám bụi là điều không thể tránh khỏi. Điều đó sẽ khiến hơi lạnh không thể thoát ra ngoài mà ngưng tụ lại quá nhiều bên trong gây tràn máng hứng. Hoặc nếu đường ống thoát nước của máy bị bụi bẩn bám nhiều gây nghẹt thì nước cũng sẽ thoát không kịp và tràn máng hứng. Nếu bạn không kịp thời làm sạch lớp bụi bẩn bám nghẹt ống thì về lâu dài ống thoát nước có thể bị vỡ và nước sẽ từ cục lạnh liên tục chảy long tong cả ngày.
Tự chẩn trị bệnh:
- Trước tiên, bạn có thể thử tháo tấm lưới lọc để vệ sinh lưới lọc và thân dàn lạnh của máy. Nếu rành về máy một chút, bạn có thể thử tháo đầu ống ruột mèo vốn là ống nối dẫn nước thải ra khỏi máy để lau chùi hoặc thổi mạnh cho thông.
- Nếu thấy như vậy vẫn chưa được thì bạn nên gọi thợ kĩ thuật tới để làm sạch sâu cho toàn bộ dàn lạnh (do việc này nên được thực hiện bởi những người am hiểu về kĩ thuật điện lạnh). Như vậy mới có thể đảm bảo hơi lạnh của máy được giải phóng triệt để, không bị ngưng tụ gây chảy tràn ra ngoài. Hoặc trong trường hợp ống dẫn nước thải của máy bị vỡ, chúng cần được thay mới thì máy mới có thể vận hành bình thường trở lại.
4. Máy lạnh quá lạnh.
Tình trạng này thường là do máy vẫn làm lạnh liên tục, không tự ngắt dù nhiệt độ căn phòng đã đạt nhiệt độ lạnh cần thiết. Nguyên nhân thường được nghĩ đến đầu tiên là do mạch điều khiển nhiệt độ của máy lạnh bị hư. Tuy nhiên, cũng có thể nguyên nhân ở đây lại là do bạn… đặt sai chế độ vận hành nhiệt cho máy.
Ví dụ, việc đặt nhiệt độ quá thấp, quá chênh lệch so với nhiệt độ bên ngoài sẽ khiến máy buộc phải vận hành liên tục để giữ mức nhiệt độ mà bạn đặt. Ngoài ra, thay vì để chế độ vận hành “Auto” để máy tự ngắt khi đủ nhiệt độ cần thiết, bạn lại đặt chế độ vận hành “Cool” thì máy cũng sẽ vận hành liên tục để đảm bảo duy trì độ “cool” mà đã bạn chọn (thông thường chế độ này chỉ nên dùng khi phòng có quá đông người).
Tự chẩn trị bệnh:
Tốt nhất bạn nên thử kiểm tra lại việc cài đặt các chế độ vận hành cho máy trước khi “cầu viện” tới sự giúp đỡ của thợ kĩ thuật.
Đức Hiền