Khu công nghiệp Bá Thiện II: "Ngôi nhà thứ hai" của nhiều nhà đầu tư
Nếu quan sát kỹ hành trình của dự án Khu công nghiệp Bá Thiện II ngay từ đầu thì sẽ thấy dự án này dù hơi chút truân chuyên ban đầu nhưng lại có một cái kết rất hậu...
Từ mười năm nay, Khu công nghiệp Bá Thiện II tại Vĩnh Phúc đã trở thành "ngôi nhà thứ hai" của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam làm ăn. Ngôi nhà đó đã được ông Trịnh Văn Quang cùng các cộng sự của mình tại Công ty TNHH Vina CPK (Singapore) chăm chút từng ngày.
Chúng tôi gặp lại ông Trịnh Văn Quang, Giám đốc Phát triển dự án của Vina CPK, sau đúng một năm Vĩnh Phúc trở thành tỉnh đầu tiên trên cả nước phải thực hiện cách ly xã hội vì đại dịch Covid-19. Vẫn dáng vẻ nhanh nhẹn và quyết đoán, ông Quang khoe "Đợt này các đoàn doanh nghiệp tới khảo sát khu công nghiệp đã nhộn nhịp trở lại và chúng tôi rất vui".
TỪ "XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TRÊN GIẤY"
Được trao giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2009 nhưng phải đến năm 2011, Vina CPK mới đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng Khu công nghiệp Bá Thiện II nhằm đón đầu làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chảy mạnh vào Việt Nam. Song, khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra nên Vina CPK đã không thể triển khai kế hoạch như dự tính.
"Ngay lập tức, chúng tôi buộc phải lùi tiến độ triển khai dự án, giống như rất nhiều nhà đầu tư khu công nghiệp khác. Vì vậy, Bá Thiện II bị chậm vài năm mới ổn định được cơ sở hạ tầng ban đầu để mời gọi đầu tư", ông Quang nói.
Kể từ đó tới nay, khu công nghiệp Bá Thiện II ngày một nhộn nhịp và đã thu hút hơn 50 doanh nghiệp với tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD. Trong đó, có gần 40 doanh nghiệp đi vào hoạt động (chủ yếu là doanh nghiệp Hàn Quốc), 7 doanh nghiệp đang trong quá trình xây dựng nhà xưởng và 4 doanh nghiệp chưa có các hoạt động đầu tư. Tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp đạt khoảng 70%, một mức khá cao trong bối cảnh khó khăn vì Covid-19.
Tuy nhiên, không phải "chặng đường nào cũng bước trên hoa hồng". Gắn bó với Bá Thiện II từ khi còn là nhân viên "chạy việc", ông Quang thấu hiểu nỗi nhọc nhằn và khó khăn của cái thời khu công nghiệp còn chưa thành hình và phải làm "xúc tiến đầu tư trên giấy".
"Những ngày đầu, khi Nhà điều hành, quản lý khu công nghiệp vẫn còn là một quả đồi, hành trang cho hàng trăm cuộc xúc tiến đầu tư nước ngoài của Bá Thiện II chỉ có vỏn vẹn một tập bản vẽ thiết kế hạ tầng khu công nghiệp. Việc thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài nhiều lúc đi vào "ngõ cụt" khi Bá Thiện II vẫn là một đại công trường dở dang", ông Quang nhớ lại. "Nhưng rồi, nhiều doanh nghiệp sau đó đã quay trở lại, sẵn sàng gắn bó và chờ đợi chúng tôi cho đến khi được giao mặt bằng sạch để xây dựng nhà xưởng".
Theo ông Quang, kết quả này có được là vì ban lãnh đạo công ty đã "liều" đưa các điều khoản phạt vào hợp đồng cam kết tiến độ giao mặt bằng cho nhà đầu tư cho dù công ty mẹ đang rót vốn vào Vina CPK (Quỹ đầu tư VinaCapital) gặp những khó khăn nhất định do tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
"Sự quyết tâm và nỗ lực của chúng tôi trong thực hiện tiến độ dự án đã chinh phục được nhiều nhà đầu tư khó tính. Vì thế, đầu năm 2012, Nippon Paint chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Bá Thiện II và trở thành nhà đầu tư Nhật Bản đầu tiên "mở hàng" cho khu công nghiệp khi đặt niềm tin vào những cam kết "trên giấy" của Vina CPK", ông Quang chia sẻ.
... TỚI "CÁI GỐC" CỦA SỨC HẤP DẪN
Trong trí nhớ của ông Quang, sau Nippon Paint, một loạt nhà đầu tư Nhật Bản khác đã tìm tới Khu công nghiệp Bá Thiện II. "Lúc đấy, Nippon Paint thấy chúng tôi nhiệt tình quá nên họ đã giới thiệu cho rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản khác đang có nhu cầu đầu tư tại Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng".
Vì vậy, thời kỳ đầu, đã có làn sóng FDI từ Nhật Bản tới khu công nghiệp khảo sát khi "tiếng lành" của Bá Thiện II đã "đồn xa" trong cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho dù hạ tầng lúc đó vẫn chưa hoàn thiện.
Ông Trịnh Văn Quang, Giám đốc phát triển dự án Vina CPK
Khu công nghiệp Bá Thiện II đã đẩy mạnh việc triển khai bộ phận một cửa "one stop service" hỗ trợ những nhà đầu tư còn "lạ nước, lạ cái", để họ coi Bá Thiện II là "ngôi nhà" thứ hai của họ tại Việt Nam. Nhân viên của Bá Thiện II phối hợp với nhà đầu tư để làm việc với các sở, ban ngành... để hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan như giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường...
Tuy vậy, với việc xác định "cái gốc" của sức hấp dẫn của khu công nghiệp chính là hạ tầng hiện đại và đồng bộ nên Vina CPK chú trọng xây dựng hệ thống giao thông nội bộ theo tiêu chuẩn đường bê tông nhằm hạn chế tối đa việc các nhà máy phải phân bố lại kế hoạch sản xuất do việc nâng cấp sửa chữa mặt đường gây ra.
Toàn bộ hệ thống cấp thoát nước của khu công nghiệp cũng được đi ngầm bên dưới hành lang hai bên đường tạo ra sự an toàn và vệ sinh chung cho các phương tiện và công nhân lưu thông trong khu công nghiệp. Các điểm đấu nối điện được bố trí tới chân hàng rào lô đất của khách hàng.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp bền vững, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý nước thải từ các nhà máy trong quá trình hoạt động sản xuất, nhà máy xử lý nước thải của Bá Thiện II đã được đầu tư đồng bộ và được xây dựng bởi Tập đoàn KOASTAL (Singapore), đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho các khu công nghiệp.
Nhờ đó, sau này, Bá Thiện II đã thành công trong việc đón sóng đầu tư từ Hàn Quốc. Tính tới thời điểm này, có gần 30 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư vào khu công nghiệp của Vina CPK.
...VÀ NHỮNG ỨNG XỬ VỚI COVID-19
Sau "cú sốc" khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2011, năm 2020, Vina CPK phải đối mặt với "cú sốc" mới đến từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, lần này Vina CPK chia sẻ với nhà đầu tư bằng những hành động cụ thể và kịp thời, chứ không chỉ là những cam kết "trên giấy" như cách đây 10 năm.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, Vĩnh Phúc phải thực hiện cách ly xã hội, hàng chục doanh nghiệp ở khu công nghiệp phải hoạt động cầm chừng do thiếu hụt nguồn lao động, nhiều chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp; thủ tục cấp phép lao động bị gián đoạn... Vì vậy, Vina CPK đã chủ động tìm hiểu thực tế tại mỗi doanh nghiệp để nắm bắt, báo cáo và đề xuất phương án giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc lên UBND tỉnh Vĩnh Phúc vào tháng 3/2020. Tình hình đã được cải thiện song lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong năm 2020 đã giảm 15-20%.
Vì vậy, Khu công nghiệp Bá Thiện II đã chủ động xem xét hỗ trợ bằng cách giảm giá, gia hạn thời gian tăng mức giá chi phí quản lý, dịch vụ nhằm chia sẻ gánh nặng kinh tế đối với các doanh nghiệp. Hiện nay, Khu công nghiệp Bá Thiện II đang thực hiện mức giá cho thuê đất từ 55 – 60USD/m2/đời dự án; phí quản lý khu công nghiệp là 0,35 USD/m2/năm.
Không chỉ vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 ở trong và ngoài nước đang từng bước được đẩy lùi và khống chế. Các tuyến vận tải giao thương quốc tế đã hoạt động trở lại. Làn sóng đầu tư FDI tiếp tục "nóng" trở lại. Cùng với sự vào cuộc của tỉnh, thời điểm này, Vina CPK đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng diện tích đất công nghiệp 100 ha tại Khu công nghiệp Bá Thiện II để mở rộng cơ hội đón vốn đầu tư, nhất là sau giai đoạn đình trệ do dịch bệnh.
"Rất nhiều nhà đầu tư ngoại tiếp xúc với Vina CPK để tìm hiểu về nhu cầu thuê mặt bằng đặt nhà máy, ngay cả trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ. Đáng tiếc, có trường hợp chúng tôi buộc phải từ chối nhà đầu tư nước ngoài vì không có đủ mặt bằng để giao ngay cho họ", ông Quang chia sẻ.