Khu công nghiệp Đông Nam, TP.HCM: Người dân kiến nghị được tái định cư
Khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi, TP.HCM, đã đi vào hoạt động đến nay hơn 16 năm, nhưng các hộ dân bị giải tỏa vẫn chưa được giải quyết tái định cư…
Nhiều dự án “treo” tại các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đã được cử tri kiến nghị xử lý sớm khi tiếp xúc với Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM và đại biểu HĐND TP.HCM khóa X.
Cụ thể, trên địa bàn TP.HCM, trong buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Củ Chi, Tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM khóa XV đơn vị 10, cùng tổ đại biểu HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đơn vị 27, 28 đã ghi nhận nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề tái định cư, giải quyết các dự án quy hoạch “treo”, đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn…
16 NĂM CHƯA ĐƯỢC TÁI ĐỊNH CƯ
Theo phản ánh của cử tri Dương Thanh Đa (xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP.HCM), dự án mở rộng đường Tỉnh lộ 8 (từ câu kênh N31A đến ngã tư Tân Quy – Tỉnh lộ 15) tại xã Phước Vĩnh An có 498 trường hợp và 05 trụ sở bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ bồi thường và thi công vẫn còn chậm.
Trong khi đó, khu vực này thường xuyên xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông do đường chật hẹp có nhiều ổ gà, ổ voi, ngập nước… dẫn đến việc đi lại rất khó khăn. Kiến nghị cơ quan chức năng sớm thực hiện hỗ trợ, bồi thường cho người dân để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Cử tri tại xã Hòa Phú phản ánh khu công nghiệp Đông Nam nằm trên địa bàn 02 xã Hoà Phú và Bình Mỹ đi vào hoạt động đến nay đã hơn 16 năm, nhưng các hộ dân bị giải tỏa vẫn chưa được giải quyết tái định cư. Kiến nghị UBND TP.HCM quan tâm tạo điều kiện cho người dân sớm được giải quyết tái định cư để ổn định cuộc sống…
Trả lời cử tri về tái định cư dự án khu công nghiệp Đông Nam, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho biết hiện nay Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường đang làm việc với chủ đầu tư dự án để đưa ra đầy đủ các phương án, giải pháp thực hiện. Ngoài ra, Tổ đại biểu Quốc hội và Tổ đại biểu HĐND TP.HCM tiếp tục giám sát trực tiếp tại dự án này.
Bà Lệ cũng đề nghị Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND TP.HCM tham mưu chuyển kiến nghị của cử tri đến Chủ tịch UBND TP.HCM để quan tâm chỉ đạo, nhất là tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhanh chóng thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất để triển khai xây dựng khu tái định cư.
Về các dự án treo, UBND TP.HCM đã lập ban chỉ đạo để rà soát các dự án còn vướng mắc, khó khăn để tập trung lãnh đạo giải quyết. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành nghị quyết đặc thù để tháo gỡ những vướng mắc với các dự án, công trình tại TP.HCM và một số địa phương khác…
Để xử lý các ý kiến của cử tri huyện Củ Chi, bà Lệ đề nghị các sở, ngành liên quan của TP.HCM và UBND huyện Củ Chi rà soát giải quyết dứt điểm các nội dung theo thẩm quyền.
“Với những nội dung không thuộc thẩm quyền hoặc chưa có quy định nhưng hợp tình, hợp lý, cần tổng hợp các đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu xem xét giải quyết”, bà Lệ nói.
Đối với nội dung về quy hoạch, bà Lệ cho biết hiện Đồ án quy hoạch chung TP.HCM đang trình Trung ương thẩm định và phê duyệt. Đề nghị UBND huyện Củ Chi sớm xem xét việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu vực trên để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân…
BẤT CẬP TRONG QUY HOẠCH
Tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị số 8 cùng tổ đại biểu HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 cũng đã tiếp xúc cử tri tại huyện Bình Chánh.
Theo phản ánh của cử tri Phạm Văn Bao (xã Lê Minh Xuân), người dân đang chịu thiệt hại lớn tại dự án Sing Việt, khi dự án này bị “treo” gần 30 năm nay. Đất đai bỏ hoang nhưng người dân không thể mua bán, cầm cố. Đề nghị chính quyền TP.HCM giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến quy hoạch “treo” của dự án này.
Bên cạnh đó, người dân tại xã Phạm Văn Hai đang gặp khó gần 10 năm qua tại dự án khu dân cư An Hạ, do vướng mắc về phương án đóng tiền sử dụng đất.
Ngoài ra, các cử tri cũng kiến nghị chính quyền huyện sớm giải quyết tình trạng chậm cấp sổ hồng, sổ đỏ, vốn đã được TP.HCM chỉ đạo tháo gỡ quyết liệt…
Trả lời cử tri huyện Bình Chánh, bà Tô Thị Bích Châu, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng dự án Sing Việt đang liên quan đến một vụ án xét xử. Do đó, kiến nghị sẽ được chuyển đến cơ quan chức năng để xử lý. UBND TP.HCM cũng đã giao một phó chủ tịch trực tiếp chỉ đạo giải quyết những liên quan đến dự án này.
Tại buổi tiếp xúc cử tri tại TP. Thủ Đức của HĐND TP.HCM, các vấn đề mà cử tri và người dân tại đây quan tâm là việc không được chủ đầu tư tạo điều kiện thuận lợi khi xin giấy phép xây dựng trong khu dự án đất nền của Công ty Tân Thuận Phú (phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức).
Giá bồi thường dự án Vành đai 2 còn thấp so với giá thị trường, vị trí bố trí tái định cư còn ở xa nơi ở cũ và chưa được đầu tư hệ thống hạ tầng kèm theo như chợ, trường, đường giao thông.
Một số dự án giải tỏa đền bù chưa hợp lý ảnh hưởng các quyền lợi của người dân trong khu Thủ Thiêm, khu An Khánh, khu An Phú.
Bên cạnh đó, việc để lãng phí nguồn lực đất đai do quy hoạch đô thị kéo dài, như: dự án nhà ở tái định cư đã xây nhưng không đưa vào sử dụng; dự án giảm ngập nước trên địa bàn TP. Thủ Đức kéo dài; dự án tuyến đường sắt metro trễ tiến độ nhiều năm; cụm dân cư Xuân Hiệp, khu phố 10, phường Linh Xuân, được quy hoạch công viên, cây xanh nhưng kéo dài hơn 22 năm chưa triển khai, ảnh hưởng đời sống cư dân…
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức, TP.HCM, cho biết với trách nhiệm của TP. Thủ Đức sẽ giải quyết ngay theo thẩm quyền cho cử tri, nội dung nào thuộc thẩm quyền TP.HCM thì địa phương sẽ chuyển lên để giải quyết. Còn nhóm nội dung liên quan đến Thủ Thiêm, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo cuối cùng thì sẽ tiến hành rà soát, giải quyết theo từng hồ sơ cụ thể.
GHI NHẬN NỖ LỰC CỦA CHÍNH QUYỀN TP.HCM
Qua các cuộc tiếp xúc với cử tri các quận, huyện, nhân dân TP.HCM ghi nhận, đánh giá cao chính quyền thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Thành ủy và chủ đề năm “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”, theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM.
Thành phố đã tập trung cao cho công tác xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố, như: cơ chế phân cấp phân quyền trong 05 lĩnh vực quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính - ngân sách, đô thị - tài nguyên - môi trường, tổ chức bộ máy của chính quyền và quản lý khoa học - công nghệ - đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, thành lập các tổ kiểm tra, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế.
Tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, các dự án bị trì trệ nhiều năm cũng được tái khởi động…