Khủng bố lớn tại Paris, ít nhất 128 người chết
Ít nhất 128 người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công đẫm máu tại trung tâm thủ đô Paris, Pháp tối 13/11
Ít nhất 128 người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công liên hoàn đẫm máu tại trung tâm thủ đô Paris, Pháp tối thứ Sáu (13/11) theo giờ Pháp, theo tin mới nhất từ AP và CNN.
Các vụ tấn công diễn ra gần như đồng thời tại 6 địa điểm khác nhau tại Paris: một nhà hát, bên ngoài một sân vận động, nhà hàng, quán pizza, và trên một đại lộ đông đúc.
Khoảng 1.500 người đang có mặt trong một buổi biểu diễn tại nhà hát Bataclan thì các tay súng ập vào. Một số nhân chứng cho biết, khoảng 2-3 kẻ không che mặt với súng AK trong tay đã bắn xối xả vào đám đông. Khán giả hoảng loạn, nhiều người la hét và tìm cách tháo chạy.
Vụ xả súng diễn ra trong vòng 10 phút. “Các tay súng bắn không ngớt nhưng bằng thái độ rất bình tĩnh, chúng không nói một câu nào. Hết băng đạn này chúng lập tức thay băng đạn khác. Tất cả bọn chúng đều mặc quần áo màu đen”, một nhân chứng mô tả. Khoảng 100 người thiệt mạng tại nhà hát này.
Một nhà hàng Nhật trên phố Charone cũng bị tấn công, khiến ít nhất 18 người thiệt mạng.
Một vụ xả súng khác diễn ra tại nhà hàng có tên “Le Petit Cambodge”, khi nơi này đang rất đông khách. Những kẻ tấn công được cho là đã dùng súng AK47 và hô khẩu hiệu: “Chiến đấu vì Syria”. Ít nhất 2 người thiệt mạng và 7 người khác bị thương.
Một quán pizza đông khách gần nhà hát Batalan cũng bị xả súng, ít nhất 5 người thiệt mạng.
Liên tiếp ba vụ nổ diễn ra ngay gần sân vận động “Stade de France”, nơi đang diễn ra trận bóng giữa Pháp và Đức. Tổng thống Pháp François Hollande khi đó cũng đang có mặt tại sân vận động, ông đã được đưa đi sơ tán ngay sau đó.
Theo những người có mặt tại sân vận động, tiếng nổ bên ngoài sân lớn đến mức át cả tiếng reo hò của những cổ động viên. Nhiều người bị thương nặng vì các vụ nổ.
Sau các vụ tấn công, tổng cộng 8 tên khủng bố đã bị giết hoặc tự sát bằng cách tự kích nổ bom đeo trên người.
Đây có thể xem là vụ khủng bố kinh hoàng nhất tại Pháp tính từ sau thế chiến thứ hai.
Tổng thống Pháp đã tuyên bố tình trạng giới nghiêm toàn quốc và đóng cửa biên giới. Chính phủ Pháp đã có cuộc họp khẩn cấp. Quân đội đã được điều vào Paris.
Cảnh sát Paris khuyến cáo người dân ở trong nhà, tránh ra ngoài đường trừ trường hợp khẩn cấp.
Cảnh sát cũng tuyên bố về khả năng có tổ chức khủng bố đứng sau vụ việc. Cho đến nay chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm, tuy nhiên, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lên tiếng khen ngợi những kẻ tấn công trên tài khoản Twitter của chúng.
Trong tuyên bố mới nhất từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng chia buồn với những nạn nhân của vụ khủng bố. Ông nói: “Những kẻ xấu đã không chỉ tấn công vào Paris, vào người Pháp mà chúng đã chống lại tất cả tinh thần nhân đạo và những giá trị mà chúng ta đang chia sẻ”.
Obama khẳng định, Mỹ sẽ hỗ trợ Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố.
Thủ tướng Anh David Cameron nói ông bị sốc bởi các vụ tấn công diễn ra tại Pháp, cầu nguyện cho các nạn nhân, và sẽ làm "tất cả những gì có thể" để trợ giúp nước Pháp.
Trong năm nay, đã có ít nhất ba vụ khủng bố quy mô lớn tại Pháp. Vào tháng 1, 17 người đã thiệt mạng trong hai vụ tấn công vào tạp chí Charlie Hebdo và một cửa hàng rau tại Paris. Đến tháng 8, hai binh sỹ Mỹ đã bị thương sau khi họ đối đầu với một tay súng trên chuyến tàu tốc hành chạy tuyến Amsterdam và Paris, khi tên này được cho là chuẩn bị xả súng vào hành khách.
“Sẽ có những hệ quả vô cùng lớn”
Bình luận của TS. Hoàng Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao
“Nếu đúng vụ khủng bố tại Paris do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm Hồi giáo cực đoan tấn công, sẽ có những hệ quả vô cùng lớn với nước Pháp, châu Âu và thế giới.
- Trong lịch sử cận đại từ sau năm 1945, nước Pháp và châu Âu chưa từng chứng kiến cuộc tấn công khủng bố tương tự: lớn về quy mô, nhiều về thương vong, tinh vi về cách thức tổ chức, táo bạo và manh động về cách thức thực hiện. Tuy nhiên, đối với các nhóm khủng bố thì đây là sự "khích lệ" báo trước nguy cơ các vụ khủng bố có thể còn tồi tệ hơn trong tương lai.
- Các biện pháp mạnh tay chống khủng bố của Pháp, EU sau vụ Charlie Hebdo đã không phát huy tác dụng.
- Một lỗ hổng lớn của tình báo Pháp, còn các lực lượng khủng bố đã “chui sâu, leo cao" hoạt động quá tinh vi phức tạp. Bom đã nổ trong “pháo đài” được canh phòng cẩn mật tại Paris thì không có lý gì mà nó lại không thể diễn ra tại các nơi khác ở châu Âu.
- Các lực lượng chính trị, đảng phái mang tính dân tộc chủ nghĩa, tinh thần bài ngoại ở Pháp và châu Âu sẽ lên ngôi.
- Một thời kỳ trước mắt vô cùng khó khăn đối với người nhập cư đến từ Trung Đông. Các biện pháp thắt chặt và quản lý người nhập cư sẽ tăng lên. Châu Âu tiếp tục đứng trước hai lựa chọn: sẽ tiếp tục chính sách nhân đạo để rồi đón các hậu quả khó lường, hay sẽ siết chặt người nhập cư ngay từ lúc này.
- Các căng thẳng, kỳ thị thậm chí xung đột sắc tộc có nguy cơ bùng phát ở châu Âu.
- Nước Pháp và châu Âu nhiều khả năng sẽ lún sâu vào khủng hoảng kinh tế: tháng 11 và 12 là mùa mua sắm và đi lại lớn nhất trong năm, và sẽ rất nhiều người châu Âu ngại đến các tụ điểm mua sắm, giải trí đông người.
- Ở bên ngoài, các hoạt động ngoại giao và quân sự nhằm chấm dứt nội chiến ở Syria, quyết tâm tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo sẽ gia tăng trong thời gian tới”.