Khủng hoảng Brexit khiến kinh tế Anh tăng yếu nhất một thập kỷ
Số liệu kinh tế ảm đạm được công bố vào thời điểm chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Anh tiến hành bầu cử
Nền kinh tế Anh tăng trưởng yếu nhất gần 1 thập kỷ trong quý 3 vừa qua, khi những bấp bênh xung quanh vụ "ly dị" chưa có hồi kết giữa nước này với Liên minh châu Âu (EU) - tức Brexit - tiếp tục đè nặng lên các hoạt động kinh tế.
Trang CNN Business dẫn báo cáo từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết nền kinh tế tăng trưởng 1% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng thấp nhất của kinh tế Anh kể từ đầu năm 2010.
Một điều may mắn là kinh tế Anh không rơi vào suy thoái, vì nền kinh tế tăng trưởng 0,3% so với quý 2, sau khi tăng trưởng âm trong quý 2 so với quý 1. Nhưng tốc độ tăng trưởng ảm đạm này không phải là tin tốt đối với một chính phủ đang phải chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra chỉ sau một tháng nữa. Ngoài ra, các số liệu khác cũng cho thấy nền kinh tế Anh đang gặp khó.
Cuộc khủng hoảng Brexit, bắt đầu từ cuộc trưng cầu dân ý vào mùa hè 2016, đã gây suy giảm hoạt động đầu tư và năng suất trong nền kinh tế Anh, khiến nhiều chuyên gia kinh tế kêu gọi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) phải triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng.
"Trừ phi tình trạng bấp bênh vì Brexit được giải quyết và các biện pháp kích thích tài khóa mới được triển khai, BoE có thể sớm phải cắt giảm thêm lãi suất", chuyên gia kinh tế cấp cao Ruth Gregory thuộc Capital Economics phát biểu.
Ngành sản xuất Anh gần như đi ngang trong quý 3, trong khi thâm hụt thương mại thu hẹp nhờ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng, theo ONS. Tuy nhiên, ông Gregory nói rằng nguồn sức mạnh thực sự trong nền kinh tế Anh hiện tại chỉ là chi tiêu của các hộ gia đình tăng.
"Chỉ còn 5 tuần nữa là đến bầu cử. Rõ ràng đây không phải là tin tốt mà Chính phủ Anh mong muốn", ông Gregory nói.
Cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 12 sẽ là cuộc tổng tuyển cử thứ ba ở Anh trong vòng 4 năm trở lại đây. Cuộc bỏ phiếu này là một nỗ lực quan trọng nhằm phá vỡ thế bế tắc Brexit trong Quốc hội Anh, tình trạng đang gây áp lực lớn lên hoạt động kinh doanh và đầu tư.
Tuy nhiên, kết quả của cuộc bầu cử này là điều không ai có thể đoán trước. Không ít chuyên gia lo ngại bầu cử sẽ chỉ đẩy hệ thống chính trị Anh lún sâu hơn vào rối ren và càng khiến tiến trình Brexit trở nên phức tạp, bấp bênh.
Hôm thứ Sáu, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s nói rằng trừ phi Brexit được giải quyết xong, "sức mạnh kinh tế và tài khóa của Anh nhiều khả năng sẽ càng yếu đi trong thời gian tới và sẽ trở nên dễ tổn thương hơn trước các cú sốc".
Moody’s cũng cảnh báo có thể sớm cắt giảm định hạng tín nhiệm quốc gia của Anh. Theo báo cáo của Moody’s, "quy trình hoạt định chính sách trong kỷ nguyên Brexit" thể hiện "sự trì trệ và đôi khi tê liệt", và do đó gây tổn hại lâu dài cho các thể chế của nước Anh.
Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Kallum Pickering của Berenberg, một chiến thắng thuộc về Đảng Bảo thủ của đương kim thủ tướng Boris Johnson trong cuộc bầu cử tới sẽ mang lại cơ hội lớn nhất cho một đợt phục hồi tăng trưởng bền vững của kinh tế Anh.
Ông Pickering cho rằng nếu Đảng Bảo thủ thắng, Anh sẽ tiến tới một cuộc Brexit có trật tự vào ngày 31/1/2020, và thủ lĩnh Công Đảng Jeremy Corbyn sẽ không thể tiến hành một cuộc cải tổ mạnh tay đối với nền kinh tế Anh.
Theo ông Pickering, tiêu dùng của các hộ gia đình đang là một điểm sáng của nền kinh tế Anh, và "nếu rủi ro chính trị giảm xuống, tiêu dùng có thể tạo đà cho sự phục hồi lành mạnh của nhu cầu trong nước".