Khủng hoảng niềm tin đe doạ ngành ngân hàng Mỹ
Theo các nhà phân tích, những gì xảy ra với First Republic cho thấy ngành ngân hàng Mỹ đặc biệt dễ tổn thương trước việc mất niềm tin của nhà đầu tư...
Việc ngân hàng Mỹ First Republic sụp đổ và được bán cho JPMorgan Chase gần đây được xem là thời khắc giải tỏa cảm xúc mạnh mẽ đối với các ngân hàng tại Mỹ nhưng cũng là một dấu hiệu của cuộc khủng hoảng niềm tin trong hệ thống tài chính Mỹ.
DỄ TỔN THƯƠNG TRƯỚC CUỘC KHỦNG HOẢNG NIỀM TIN
Theo tờ báo Wall Street Journal, sự giải tỏa đó chỉ kéo dài chưa đầy một ngày. Ngày thứ Ba tuần trước (2/5), giá cổ phiếu các ngân hàng khu vực tại Mỹ giảm mạnh, trong đó nhiều mã giảm ở mức 2 con số. Tới ngày thứ Năm, Chỉ số KBW Regional Banking Index đo giá cổ phiếu các ngân hàng khu vực Mỹ giảm tới 15% so với tuần trước đó, dù phiên sau đó phục hồi và kết thúc tuần với mức giảm 8%.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao điều này lại quan trọng? Sau cùng thì, nhà đầu tư không phải là người gửi tiền. Hiện tượng giá cổ phiếu giảm không có tác động tức thì tới khả năng đáp ứng các nghĩa vụ đến hạn của một ngân hàng. Cổ phiếu của PacWest và Western Alliance, hai ngân hàng khu vực tại Mỹ, đã kết thúc tuần qua với mức giảm giá lần lượt là 43% và 27%, nhưng không ghi nhận sự bất thường nào trong hoạt động gửi tiền sau vụ việc của First Republic.
Nhà kinh tế học nổi tiếng Benjamin Graham từng nói rằng thị trường có thể là một cỗ máy cân bằng trong dài hạn và phản ánh thực tế. Nhưng trong ngắn hạn, thị trường có thể là một cỗ máy biểu quyết, phản ánh những gì nhà đầu tư nghĩ rằng sẽ xảy ra. Và ở thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư đang bỏ phiếu chống lại các ngân hàng khu vực ở Mỹ.
Theo các nhà phân tích, những gì xảy ra với First Republic cho thấy ngành ngân hàng Mỹ đặc biệt dễ tổn thương trước việc mất niềm tin của nhà đầu tư. Các nhà chức trách bang California cho biết việc giá cổ phiếu của First Republic rơi tự do là một phần lý do bang này quyết định đóng cửa ngân hàng.
“First Republic đã không thể khôi phục niềm tin của thị trường vào mô hình kinh doanh của mình”, nhà chức trách California nói.
Điều này không nên xảy ra. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các cơ quan quản lý và các nhà lập pháp Mỹ đã tìm nhiều cách để khiến cho các nhà băng nước này trở nên an toàn và ít tổn thương hơn trước những biến động của thị trường. Nhìn chung, các ngân hàng Mỹ giờ đây có ít rủi ro hơn trên thị trường và trong các hoạt động cho vay so với trước đây. Các ngân hàng cũng thường sở hữu nhiều vốn hơn mức quy định. Theo Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed), tính tới giữa năm 2022, hơn 99% ngân hàng cộng đồng và tất cả ngân hàng khu vực tại Mỹ có tài sản tới 100 tỷ USD báo cáo tỷ lệ vốn trên tài sản ở trên mức quy định.
VÒNG XOÁY LUẨN QUẨN, KHÓ TRỊ DỨT ĐIỂM
Cho tới trước ngày 8/3, khi ngân hàng Silion Valley Bank (SVB) - nhà băng sụp đổ trước First Republic - công bố khoản thua lỗ gây chú ý tới tình hình tài chính bất ổn của nhà băng, ít người đặt câu hỏi về tính lành mạnh của hệ thống ngân hàng Mỹ.
Trên thực tế, vấn đề trong danh mục đầu tư của SVB - gây ra bởi lãi suất tăng và là một phần trung tâm của cuộc khủng hoảng hiện tại- không phải là vấn đề vĩnh viễn. Trái phiếu và các khoản vay với lãi suất thấp hơn so với lãi suất thị trường hiện tại, rồi cũng sẽ đáo hạn hoặc được thanh toán hết. Điều này sẽ mang lại cho ngân hàng nguồn tiền mới để đầu tư hoặc cho vay với lãi suất cao hơn nhiều.
Các nhà phân tích của Jefferies cho biết các ngân hàng kỳ vọng sẽ có sự cải thiện khoảng 20-50% tổn thất trên sổ sách trong danh mục đầu tư chứng khoán của họ vào cuối năm 2024.
Kỳ vọng này được đưa ra với giả định rằng Fed sẽ không thay đổi hướng đi trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Việc Fed dừng tăng lãi suất trong một thời gian dài hoặc thậm chí hạ lãi suất có thể giúp giá trị danh mục đầu tư của các ngân hàng tăng mạnh. Và theo đó, không hành động gì thực tế lại là hành động hợp lý.
Tuy nhiên, quan điểm lạc quan này không tính tới tính mong manh vốn có của tiền gửi. Nếu một ngân hàng lâu đời như SVB hoặc First Republic có thể phải đối mặt với một làn sóng rút tiền "chết người" từ các tài khoản tiền gửi không được bảo hiểm, thì rõ ràng một ngân hàng bình thường có thể nhanh chóng rơi vào tình cảnh tồi tệ. Trên thực tế, việc bán chứng khoán hay khoản vay với giá thấp hơn giá đã mua sẽ biến các khoản lỗ trên giấy trở thành lỗ thực. Việc này có thể khiến ngân hàng cạn vốn nhanh chóng và buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc.
Đó là lý do loại khủng hoảng ngân hàng này, như một vòng xoáy luẩn quẩn, rất khó trị dứt điểm. Đến nay đã có 3 ngân hàng là nạn nhân của cuộc khủng hoảng này.
Về phía nhà đầu tư, họ có lý do để lo lắng về các ngân hàng. Trong đó, các công cụ như quỹ thị trường tiền tệ - vốn cạnh tranh với các ngân hàng trong việc thu hút vốn - đang rất muốn chuyển phần lãi suất cao sang cho khách hàng. Do đó, các nhà băng sẽ phải đưa ra mức lãi suất cạnh tranh nếU không muốn mất đi khách hàng gửi tiền - những người vốn nhạy cảm với lãi suất.
Cùng với đó, các ngân hàng nhỏ hơn cũng đang cạnh tranh. Ngoài ra, khả năng sẽ có sự điều chỉnh quy định về vốn với các ngân hàng khu vực ở Mỹ cũng là nguyên nhân dẫn tới những biến động trên thị trường tài chính.
Wall Street Journal trước cho biết các ngân hàng có tài sản dưới 100 tỷ USD có thể sẽ phải phản ánh các khoản lỗ sổ sách đối với một số khoản đầu tư trong mức vốn của mình - điều mà các ngân hàng lớn đã phải làm. Dù quy định này có thể mất nhiều năm mới có hiệu lực, các nhà phân tích đã bắt đầu nhận định mức vốn của các nhà băng sẽ giảm và dự báo hoạt động huy động vốn tăng lên, làm giảm lợi nhuận trong tương lai.
Ngay cả khi không huy động thêm vốn, hầu hết các ngân hàng Mỹ vẫn có thể vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại với lợi nhuận và sự linh hoạt tài chính giảm xuống. Nhưng tình hình “ngàn cân treo sợi tóc”, có thể khiến họ dễ bị tổn thương trước những thay đổi nhanh chóng của thị trường hặc tâm lý của khách hàng. Động thái mở rộng cung cấp bảo hiểm cho các khoản tiền gửi trên mức giới hạn 250.000 USD có thể xoa dịu nỗi lo của các nhà đầu tư, nhưng điều này có thể cần Quốc hội đang trong tình trạng chia rẽ của Mỹ phải hành động.
Tất cả những điều này làm cho cuộc khủng hoảng hiện tại khó giải quyết hơn. Trên thị trường, một số bên cho rằng các ngân hàng nhỏ hơn cần nhiều vốn hơn, nhưng giá cổ phiếu của họ đã giảm xuống mức khó có thể hành động được gì. Nếu các nhà đầu tư chỉ muốn đầu tư vào các ngân hàng không thể phá sản, thì cuộc khủng hoảng niềm tin của ngành ngân hàng Mỹ sẽ tiếp tục “cháy âm ỉ”.