10:31 04/04/2008

Khuyến nghị chống lạm phát của UNDP

Xuân Thái

Chuyên gia của UNDP cho rằng, nguyên nhân sâu xa của lạm phát tại Việt Nam là đầu tư công lớn nhưng hiệu quả thấp

Một đề nghị khá nhạy cảm được ông Picus đưa ra là Việt Nam nên khai thác khả năng đánh thuế xuất khẩu đối với gạo.
Một đề nghị khá nhạy cảm được ông Picus đưa ra là Việt Nam nên khai thác khả năng đánh thuế xuất khẩu đối với gạo.
Việt Nam nên phân tích chi phí/lợi nhuận của các dự án đầu tư công một cách cẩn thận hơn, và nên “xếp danh sách thứ tự” các dự án nên tạm ngừng hoặc hủy bỏ nếu các điều kiện trở nên xấu hơn.

Đó là khuyến nghị của ông Jonathan Picus, chuyên gia kinh tế cấp cao của UNDP tại Việt Nam, trong buổi tọa đàm “Lạm phát tại Việt Nam” được tổ chức ở Tp.HCM chiều ngày 3/4/2008.

Tỷ lệ đầu tư công quá lớn

Ông Jonathan Picus nhận định: “Nguyên nhân sâu xa của lạm phát tại Việt Nam là tỷ lệ đầu tư công chiếm quá phân nửa (năm 1999 chiếm hơn 40 nghìn tỷ đồng, năm 2003 chiếm gần 60 nghìn tỷ, năm 2006 xấp xỉ 75 nghìn tỷ) so với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và FDI, trong khi suất sinh lời của khu vực này rất thấp (ước khoảng 3%) và vì thế chu kỳ đốt nóng nền kinh tế trở nên tồi tệ hơn”.

Cũng theo ông, nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến những bất ổn định kinh tế vĩ mô là do sự bùng nổ luồng vốn vào Việt Nam, giá lương thực và lạm phát tăng, cùng với thâm hụt thương mại tăng dẫn đến nền kinh tế phát triển quá nóng. Sự bùng nổ của luồng vốn đầu tư vào cũng tạo nên hiện tượng bong bóng tại thị trường bất động sản.

Tất cả những yếu tố trên tạo nên tác động dây chuyền và làm nổ tung quả bóng đã căng phồng nợ xấu, luồng vốn chảy ra ngoài, cầu giảm và nợ công tăng. Hệ quả của vấn đề này là lạm phát tăng, thâm hụt thương mại tăng, thâm hụt tài khóa tăng; giá tài sản (bất động sản) cao; tăng trưởng tín dụng nhanh...

Về giá trị gia tăng theo từng khu vực kinh tế, lấy mốc 2000 - 2005, khu vực tư nhân và khu vực có vốn FDI là những khu vực có giá trị gia tăng cao nhất (164% và 56%) so với khu vực nhà nước (10%). Từ đó, chuyên gia Picus nêu ra những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt.

Thách thức trước tiên là Việt Nam vẫn phải tăng xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu của thị trường Mỹ giảm và đồng USD yếu hơn nhiều ngoại tệ khác, kể cả VND.

Kế đến, Việt Nam cần quản lý được tỷ giá để duy trì khả năng cạnh tranh nhưng không nhập khẩu lạm phát; đồng thời cần phải giảm phụ thuộc vào các luồng vốn ngắn hạn bởi tính rủi ro cao một khi các nhà đầu tư ngắn hạn, khi cảm nhận được tính bất ổn của nền kinh tế sẽ rút vốn đồng loạt.

”Việt Nam cần phải chuyển cơ cấu hoạt động nền tài chính, tức phải dựa vào hệ thống hưởng lợi từ lãi suất bởi hiện tại Việt Nam quá chú trọng vào định lượng lãi suất”, ông Picus khẳng định.

Theo chuyên gia này, có một nghịch lý tồn tại từ năm 2005 đến nay, là gần như Việt Nam cho vay chủ yếu theo diện chính sách chứ không cho vay vì lãi suất, vì thương mại. Việc Ngân hàng Nhà nước vừa qua buộc các ngân hàng thương mại mua trái phiếu, tín phiếu với lãi suất thấp, là ép họ nâng dự trữ bắt buộc - đồng nghĩa với đánh thuế vào các ngân hàng thương mại.

Điều này sẽ làm suy giảm tính hoạt động của các ngân hàng thương mại. Bởi đến một lúc nào đó, khi một ngân hàng thương mại không thanh khoản được và sẽ “sập tiệm”, khi đó sẽ tác động mạnh đến toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Nên đánh thuế xuất khẩu gạo?

Chuyên gia UNDP này đã đưa ra một số khuyến nghị về những chính sách ưu tiên về tiền tệ, tài khóa và tỷ giá. Về chính sách tiền tệ, nên ít phụ thuộc hơn vào yêu cầu dự trữ bắt buộc và phát hành trái phiếu, mà phụ thuộc nhiều hơn vào điều chỉnh lãi suất. Cấu trúc lãi suất hướng tới khuyến khích tiết kiệm và không nên khuyến khích hoạt động đầu cơ.

Theo đó, lãi suất thấp cho người gửi tiết kiệm sẽ khuyến khích đầu tư bất động sản; lãi suất thấp cho người đi vay sẽ khuyến khích đầu cơ vào những dự án rủi ro cao và hiệu quả thấp.

Ngoài ra, cần tăng cường quyền lực và năng lực của Ngân hàng Nhà nước trong giám sát các hoạt động ngân hàng cũng như thay đổi cơ cấu để củng cố quyền hạn và năng lực lập chính sách của Ngân hàng Nhà nước.Về chính sách tài khóa, UNDP khuyến nghị nên tăng tính đầu tư hơn tính chính trị đối với các dự án vĩ mô mà tính sinh lời hiện rất thấp.

Theo đó, ngoài việc phân tích chi phí/lợi nhuận của các dự án đầu tư công một cách cẩn thận như đã nói, việc đầu tư công cần minh bạch và có tính hiệu quả hơn. Đồng thời, các doanh nghiệp Nhà nước chủ yếu đầu tư vào các hoạt động kinh tế thương mại. Một đề nghị khá nhạy cảm được ông Picus đưa ra là Việt Nam nên khai thác khả năng đánh thuế xuất khẩu đối với gạo.

Về tỷ giá, chuyên gia UNDP khuyến cáo tỷ giá cần được linh hoạt hơn gắn với giỏ các đồng ngoại tệ, ít gắn vào đồng USD, nhằm tránh phụ thuộc vào tỷ giá với USD và gắn vào tỷ giá với các đồng tiền của các đối thủ cạnh tranh. UNDP cũng khuyến cáo giảm vay bằng ngoại tệ do Nhà nước bảo lãnh và phòng ngừa rủi ro tỷ giá đối với các khoản vay bằng ngoại tệ.

Chuyên gia này cho rằng, UNDP đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, và Việt Nam sẽ sớm vượt qua thách thức cùng khó khăn hiện tại, bởi tất cả những tồn tại trên không làm nản lòng các nhà đầu tư vốn đang rất tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp, một môi trường thân thiện đối với các nhà đầu tư.