15:52 30/08/2022

Bắt nhóm đối tượng trang bị cả phà gỗ để buôn lậu hàng trăm tấn đường cát

Song Hoàng

Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Long An vừa thi hành lệnh bắt 3 đối tượng về tội buôn lậu và mở rộng khám xét một cơ sở kinh doanh đường cát trên địa bàn huyện Tân Hưng, thu giữ tổng cộng gần 200 tấn đường cát nhập lậu.

Lực lượng chức năng tỉnh Long An kiểm tra tang vật vụ buôn lậu 209 tấn đường cát
Lực lượng chức năng tỉnh Long An kiểm tra tang vật vụ buôn lậu 209 tấn đường cát

Trước đó vào ngày 30/6/2022, tại ấp Bưng Ràm, xã Hưng Điền B và ấp 4, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng, lực lượng chống buôn lậu Phòng Cảnh sát Kinh tế phối hợp Công an huyện Tân Hưng, Đồn biên phòng Sông Trăng – Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Long An triệt xóa đường dây buôn lậu đường cát với số lượng lớn, bắt giữ 11 đối tượng có liên quan; thu giữ 91,55 tấn đường cát nhãn hiệu Thái Lan (trị giá ước tính khoảng 1,8 tỷ đồng), 08 xe ô tô tải, 1 xe ô tô 16 chỗ, 14 xe mô tô và 1 phà gỗ.

Qua công tác truy xét, điều tra mở rộng đường dây nhập lậu đường cát từ Campuchia về Việt Nam, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh thi hành Lệnh bắt 04 đối tượng về tội buôn lậu gồm: La Văn Trận, Võ Văn Công, Lê Minh Dững, Phạm Văn Định.

Tiến hành mở rộng khám xét cơ sở sang chiết, đóng gói đường cát Ngọc Duyên, địa chỉ: Ấp 4, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, lực lượng Công an đã thu giữ thêm 105 tấn đường cát nhập lậu, 4 xe ô tô tải, 2 hệ thống băng chuyền, 01 bồn sang chiết, pha trộn và nhiều thiết bị đóng gói đường cát. Tổng cộng đã thu giữ gần 200 tấn đường cát nhập lậu.

Trước thực trạng đường nhập lậu diễn biến phức tạp, mới đây Hiệp hội Mía đường Việt Nam kêu cứu khẩn cấp khi đường nhập lậu đang huỷ diệt ngành mía đường Việt Nam, khiến các doanh nghiệp thua lỗ, phá sản hàng loạt. Qua đó, lộ diện các đối tượng buôn lậu đường có thâm niên.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2020-2021, sản lượng đường mía của Việt Nam chỉ đạt 700.000 tấn,  mức thấp nhất trong vòng 19 năm qua. Đến vụ sản xuất năm nay, chỉ còn 25 nhà máy còn hoạt động, 16 nhà máy đã buộc phải đóng cửa. Trong 25 nhà máy còn hoạt động, 17 nhà máy bị thua lỗ. 

Tình trạng buôn lậu mía đường đã gây hệ lụy lớn, tính đến nay khoảng 3.300 người lao động đã bị mất việc làm và khoảng trên 100.000 hộ nông dân trồng mía buộc phải chuyển sang cây trồng khác. Diện tích trồng mía bị thu hẹp đáng kể do thu nhập từ cây mía không đảm bảo cuộc sống của người nông dân. 

Hiệp hội này cho biết, dịch bệnh Covid-19 năm 2020-2021 diễn biến phức tạp và kiểm soát chặt chẽ biên giới, đường nhập lậu vào Việt Nam có giảm, giá thu mua mía do đó cũng bảo đảm hơn. 

Tuy nhiên, ngay khi dịch bệnh được khống chế, kiểm soát biên giới được nới lỏng, đường nhập lậu tăng trở lại. 6 tháng đầu năm 2022, đường nhập lậu hoành hành, bịt đầu ra của đường sản xuất trong nước.