22:14 07/02/2010

Kiểm toán độc lập: Vướng vì thiếu luật

Từ Nguyên

Hoạt động kiểm toán độc lập tại Việt Nam hiện nay đang gặp không ít khó khăn bởi thiếu những quy định mang tính pháp lý cụ thể

Lãnh đạo Bộ Tài chính, VACPA, các doanh nghiệp kiểm toán tại buổi hội thảo ngày 5/2.
Lãnh đạo Bộ Tài chính, VACPA, các doanh nghiệp kiểm toán tại buổi hội thảo ngày 5/2.
Hoạt động kiểm toán độc lập tại Việt Nam hiện nay đang gặp không ít khó khăn bởi thiếu những quy định mang tính pháp lý cụ thể.

Chính vì thế, việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập đang là đòi hỏi cấp thiết nhằm điều chỉnh hoạt động kiểm toán độc lập cũng như việc đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm nghĩa vụ của các bên liên quan.

Tại hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Luật Kiểm toán độc lập do Bộ Tài chính tổ chức ngày 5/2, đa số các đại biểu đều cho rằng, với những quy định chỉ dừng ở cấp độ nghị định như hiện nay, hoạt động kiểm toán độc lập đã gặp không ít những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những chế tài hướng dẫn, xử lý những vấn đề nảy sinh và các hành vi vi phạm trong hoạt động kiểm toán độc lập.

Nghị định “ôm” không xuể

Theo TS Hà Thị Thu Hà, Phó vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán - kiểm toán (Bộ Tài chính), hiện hoạt động kiểm toán độc lập tại Việt Nam tuy đã xuất hiện được gần 20 năm, song do trong suốt quá trình đó, nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, nên các yếu tố của thị trường dịch vụ tài chính, trong đó có dịch vụ kiểm toán vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh.

Mặt khác, thực tế thì các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn chưa chú trọng công tác quản trị công ty, trong đó có việc sử dụng công cụ kiểm toán độc lập để soát xét việc tuân thủ quy định pháp luật cũng như đảm bảo khách quan, trung thực và công khai hóa thông tin.

Tuy nhiên, yếu tố có vai trò quyết định trong những tồn tại và hạn chế của hoạt động kiểm toán độc lập hiện nay là vấn đề pháp luật. Nghị định về kiểm toán độc lập là văn bản pháp lý cao nhất hiện nay của hoạt động này, song nó lại chưa tương xứng với vai trò, vị trí hoạt động kiểm toán độc lập trong nền kinh tế.

Theo TS. Hà, kiểm toán độc lập là dịch vụ đặc biệt vì nó cung cấp sự “chứng thực” thông tin kinh tế, tài chính cho xã hội. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ kiểm toán độc lập lại phụ thuộc vào trình độ, năng lực của đội ngũ kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán.

Chính vì vậy, yêu cầu đòi hỏi phải quy định rõ quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với các đối tượng trên là rất quan trọng để đảm bảo chất lượng kiểm toán.

Thế nhưng, với việc chỉ có nghị định là văn bản pháp lý cao nhất để điều chỉnh các vấn đề liên quan trên, đã không đảm bảo được hiệu lực pháp lý đầy đủ để những tổ chức, cá nhân liên quan thực thi quyền và trách nhiệm của mình.

Bên cạnh đó, hiện nghị định về kiểm toán độc lập lại không quy định đầy đủ các nội dung cần thiết để tăng cường chất lượng dịch vụ kiểm toán và đáp ứng yêu cầu hội nhâp. Chẳng hạn, nghị định quy định chưa quy định rõ về việc nghiêm cấm, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp và khách hàng kiểm toán.

“Điều này đã dẫn đến thực tế là khó quy trách nhiệm để xử lý những vi phạm nảy sinh trong quá trình kiểm toán độc lâp”, TS. Hà cho biết.

Còn theo bà Hà Thị Thu Thanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, nghị định về kiểm toán độc lập hiện nay chưa quy định cơ quan đầu mối quản lý đối với hoạt động kiểm toán độc lập từ khi cấp phép cũng như quản lý trong quá trình hoạt động, hay việc bổ sung, thay đổi hồ sơ, điều chỉnh, thu hồi giấy phép, xử lý vi phạm... nên chưa thể đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn, điều kiện thành lập doanh nghiệp.

Ngay cả việc không quy định về vốn tối thiểu đối với công ty kiểm toán TNHH cũng gây nên những bất cập trong việc thực hiện bồi thường thiệt hại khi có rủi ro trong quá trình kiểm toán cho khách hàng, đồng thời chưa tạo được động lực buộc doanh nghiệp kiểm toán phải rất cẩn trọng khi cung cấp dịch vụ kiểm toán cho xã hội.

Bà Thanh cho hay, trong nghị định hiện nay cũng chưa quy định đầy đủ về quyền và nghĩa vụ, ngăn cấm hành vi của những doanh nghiệp kiểm toán. Do vậy đã dẫn đến việc có nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn đầu mới thành lập đã nặng về doanh thu và thị trường hơn là yếu tố chất lượng.

“Điều này đã ảnh hưởng đến nhiều trường hợp thông tin sai lệch, trong khi chúng ta lại chưa có cơ chế xử lý”, bà Thanh nói.

Bên cạnh đó, họ không đáp ứng đủ được những yêu cầu tối thiểu, chẳng hạn như số lượng kiểm toán viên hành nghề, thuê mượn chứng chỉ, sử dụng kết quả báo cáo kiểm toán...

Ngoài ra, theo bà Thanh, nhiều vấn đề về kỹ thuật kiểm toán như: quy trình kiểm toán, hồ sơ kiểm toán, báo cáo kiểm toán, kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán... cũng chưa được quy định trong nghị định.

“Hiện nghị định cũng chưa quy định đầy đủ, chặt chẽ về hoạt động kiểm toán độc lập có yếu tố nước ngoài như: điều kiện hoạt động của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam, về vấn đề liên doanh liên kết, cung cấp dịch vụ kiểm toán và các dịch vụ có liên quan qua biên giới, về công nhận bằng cấp, chứng chỉ kiểm toán viên nước ngoài”, bà Thanh cho hay.

Cần nâng lên thành luật hóa

Theo bà Thanh, chính những bất cập trên đã dẫn tới điều đáng tiếc là, đúng vào lúc cộng đồng đang cần và tin tưởng vào hoạt động kiểm toán độc lập thì cũng là lúc nảy sinh những nghi ngờ về chất lượng, tính trung thực của các báo cáo kiểm toán.

“Những thiếu sót trên không chỉ dừng lại ở cấp độ bổ sung mà cần phải được nâng lên thành luật hóa”, bà Thanh đưa ra quan điểm.

Trong khi đó, theo ông Bùi Văn Mai, Phó chủ tịch thường trực Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), kiểm toán độc lập xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1991, trong khi thế giới có từ trên 100 năm, nên việc xây dựng luật cũng cần phải có một quá trình. Chúng ta không thể mang nguyên luật của thế giới áp dụng cho thực tiễn Việt Nam.

Trong 19 năm qua, chúng ta mới chỉ dừng lại ở cấp độ nghị định về kiểm toán độc lập. Hiện hoạt động kiểm toán độc lập đã được xã hội thừa nhận và khi thị trường chứng khoán phát triển thì nó đã có tác dụng rõ rệt.

Ông Mai cho biết, thực tế, Bộ Tài chính đã đề cập đến việc xây dựng luật kiểm toán độc lập từ 6 – 7 năm trước, nhưng khi đó chúng ta phải tập trung cho việc xây dựng Luật Kiểm toán Nhà nước, nên Quốc hội đã chỉ đạo phải căn cứ trên sự triển khai Luật Kiểm toán Nhà nước để tránh những chồng chéo và rút ra được những vướng mắc trong thực tế để xây dựng luật hoàn chỉnh.

Hơn nữa, theo ông Mai, kiểm toán độc lập trước hết vì lợi ích chung của toàn xã hội, nên mục tiêu của nó là phải xác minh tính trung thực trong các báo cáo tài chính của doanh nghiệp trước khi công khai, giúp cho các tổ chức, cá nhân có quyền lợi liên quan đến doanh nghiệp đó.

“Chính vì vậy, nếu tự mình phát triển thì rất khó để đạt được trình độ phát triển cao. Việc mở cửa hội nhập của nền kinh tế sẽ mang lại nhiều lợi ích thông qua việc tiếp cận các cơ hội học hỏi, tiếp cận những kinh nghiệm của thế giới, giúp chúng ta hoàn thiện dần các vấn đề mang tính pháp lý của hoạt động kiểm toán độc lập", ông Mai cho biết.
 
Tuy nhiên, theo ông Mai, nếu việc ban hành luật kiểm toán độc lập bị chậm trễ theo kế hoạch sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp kiểm toán và các bên liên quan.