Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 281.809 tỷ đồng
Giai đoạn 2020-2024, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 281.809 tỷ đồng và kiến nghị rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 1.048 văn bản, nhằm bịt “lỗ hổng”, tránh thất thoát, lãng phí…

Trong tháng 6 tới, Kiểm toán nhà nước sẽ tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ Kiểm toán nhà nước lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2025-2030. Trước bối cảnh này, nhìn lại kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2020 – 2025 đối với việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương nhận định: Đảng ủy Kiểm toán nhà nước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ trực thuộc và toàn Ngành hoàn thành suất sắc, toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025...
TẠO CHUYỂN BIẾN SÂU SẮC, TOÀN DIỆN
Cụ thể, về công tác lãnh đạo xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm, Đảng ủy Kiểm toán nhà nước đã ban hành Nghị quyết yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng quyết tâm thực hiện hiệu quả, tạo chuyển biến sâu sắc, toàn diện. Theo đó, giai đoạn 2020-2025, kế hoạch kiểm toán hàng năm đã bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước và các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc các vấn đề có rủi ro cao trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Đồng thời, đã tăng cường thực hiện nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng. Song song với đó, Kiểm toán nhà nước còn xây dựng và ban hành kế hoạch kiểm toán trung hạn 03 năm, góp phần định hướng cụ thể hơn cho các Kiểm toán nhà nước chuyên ngành, khu vực khi xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm.

Đặc biệt, để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra và giữa các đơn vị trong Ngành, ngay từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, Kiểm toán nhà nước đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức các buổi làm việc trực tiếp để rà soát kế hoạch giữa 02 cơ quan. Ngoài ra, còn ban hành tiêu chí, nguyên tắc phân giao nhiệm vụ kiểm toán cho các đơn vị trực thuộc; ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc không kiểm toán những đầu mối, đơn vị đã được Thanh tra Chính phủ, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thanh tra, kiểm tra.
Kiểm toán nhà nước cũng đã thực hiện lồng ghép hợp lý các nhiệm vụ kiểm toán trong từng cuộc kiểm toán, góp phần giảm đáng kể số lượng đoàn kiểm toán theo từng năm, hạn chế tần suất kiểm toán, giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của đơn vị.
Về công tác lãnh đạo tổ chức thực hiện kiểm toán, để định hướng hoạt động kiểm toán được tập trung, thống nhất trong toàn Ngành, hàng năm, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn như văn bản hướng dẫn về mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu; chỉ thị về tổ chức hoạt động kiểm toán. Đối với từng cuộc kiểm toán chuyên đề, Tổng Kiểm toán nhà nước đều ban hành đề cương hướng dẫn kiểm toán.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán phục vụ Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực thi nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến việc quản lý tài chính công, tài sản công, Kiểm toán nhà nước đã có văn bản đề nghị Chủ tịch Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố phối hợp trong việc yêu cầu, giao nhiệm vụ kiểm toán hàng năm cho các Kiểm toán nhà nước khu vực thực hiện; phối hợp trong việc trao đổi thông tin về thời điểm hoàn thành, thông qua báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, gửi báo cáo đến Kiểm toán nhà nước và sử dụng kết quả kiểm toán khi xem xét, phê chuẩn quyết toán theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước...
Qua đó, chất lượng hoạt động kiểm toán ngày càng được nâng cao, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công…
NÂNG CAO HIỆU QUẢ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Ban cán sự đảng, Đảng ủy Kiểm toán nhà nước, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đặc biệt quan tâm thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban cán sự đảng đã phối hợp với Đảng ủy Kiểm toán nhà nước cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định liên quan đến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành chương trình, kế hoạch, chỉ thị, nghị quyết và ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện đồng bộ, tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn Ngành; lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tập trung kiểm toán các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao như quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, các dự án BOT, BT… nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời sai phạm.
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn như: quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nhằm tăng cường phát hiện, xác minh, làm rõ các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong quá trình kiểm toán để xử lý theo quy định; ban hành hướng dẫn một số nội dung về kiểm toán thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ban hành thông tư liên tịch quy định về phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong việc trao đổi, chuyển thông tin và kiến nghị xem xét, khởi tố vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
Kết quả, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Kiểm toán nhà nước đã chuyển 17 vụ việc sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp 1.851 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, lần đầu tiên, năm 2023 Kiểm toán nhà nước đã thực hiện kiểm toán 02 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng tại Đồng Nai theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Trong nhiệm kỳ này, Kiểm toán nhà nước đã công khai danh sách đơn vị chưa thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, số hóa toàn bộ các báo cáo kiểm toán để cung cấp cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; công khai trên website Kiểm toán nhà nước kết quả kiểm toán các cuộc kiểm toán có phát hiện lãng phí, cuộc kiểm toán đạt chất lượng vàng, được khen thưởng đột xuất, báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm, cũng như tổ chức các cuộc họp báo hàng năm để công khai kết quả kiểm toán.
Đây cũng là nhiệm kỳ đầu tiên Kiểm toán nhà nước tham dự Phiên giải trình về việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, qua đó Đảng ủy, cấp ủy các đơn vị đã chỉ đạo tổ chức rà soát và đã chỉ rõ nguyên nhân chưa thực hiện kiến nghị và đề ra giải pháp. Vì vậy, tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán trong nhiệm kỳ đạt 70% - 87% (tỷ lệ bình quân trong cả nhiệm kỳ là 81%), cao hơn so với tỷ lệ bình quân nhiệm kỳ trước (74,7%); nhiều kiến nghị kiểm toán tồn đọng các năm trước được Đảng ủy, cấp ủy các đơn vị lãnh đạo tổ chức kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu đơn vị được kiểm toán và cấp có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện dứt điểm…
Với những kết quả đã đạt được, Kiểm toán nhà nước tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của Kiểm toán nhà nước trong hệ thống chính trị là công cụ đắc lực của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm giải trình trong quản lý tài chính công, tài sản công; phát hiện, ngăn chặn và kiến nghị kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Trong nhiệm kỳ 2020-2024, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 281.809 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán đã cung cấp cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng và đơn vị được kiểm toán nhiều kiến nghị có giá trị thực tiễn; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về thông tin phục vụ hoạt động giám sát, hoàn thiện pháp luật và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Qua kiểm toán, nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán đã được phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời. Đồng thời, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 1.048 văn bản nhằm bịt “lỗ hổng”, tránh thất thoát, lãng phí.