Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công an phối hợp phòng, chống tội phạm
Việc phối hợp giữa các bên sẽ giúp tăng cường xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm; nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…
Chiều 20/01, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết Thông tư liên tịch quy định phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc trao đổi thông tin và kiến nghị khởi tố vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán, đồng thời, ký Quy chế phối hợp công tác trong hoạt động kiểm toán giữa Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công an.
Phát biểu tại lễ ký kết, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định Thông tư liên tịch vừa được ký kết, công tác phối hợp trong phòng, chống tội phạm, chống lãng phí, tiêu cực giữa 4 cơ quan sẽ tiến hành hiệu quả hơn. Đây là hành lang pháp lý để các bên phối hợp chặt chẽ, đáp ứng điều kiện, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đưa công tác phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm lên tầm cao mới.
Nói về Quy chế phối hợp với Bộ Công an, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cam kết đơn vị này sẽ thực hiện đầy đủ 9 nội dung cụ thể đã quy định trong Quy chế, đặc biệt là việc phòng, chống tội phạm tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm an ninh mạng, an ninh nội bộ, trật tự an toàn xã hội.
Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đề nghị lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước trong xây dựng kế hoạch kiểm toán theo phương châm “an toàn, hiệu quả, gọn nhưng chất lượng”; phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán ngay từ khâu chuẩn bị tài liệu rồi bố trí đầu mối tổ chức, làm việc với đoàn kiểm toán... Qua đó, giúp Bộ Công an đánh giá được hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công, đặc biệt là trong các lĩnh vực “nóng”, dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, được dư luận xã hội quan tâm.
“Đề nghị Bộ Công an phối hợp giám sát chặt chẽ Đoàn kiểm toán và các kiểm toán viên trực tiếp tham gia kiểm toán để phòng, chống tiêu cực. Đồng thời, phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả, đúng thời hạn, theo quy định của pháp luật đối với các kết luận, kiến nghị kiểm toán; phối hợp, hỗ trợ Kiểm toán Nhà nước trong đào tạo nghiệp vụ về an ninh mạng, bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước cũng như nghiệp vụ điều tra… Kiểm toán Nhà nước cũng sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc đào tạo các kiến thức về quản lý tài chính công, tài sản công”, ông Tuấn bày tỏ.
Về phía Bộ Công an, Bộ trưởng Lương Tam Quang nhận định việc ký kết Quy chế phối hợp và Thông tư liên tịch sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ hơn trong các hoạt động có liên quan như: trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác bảo đảm an ninh trật tự và thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm được giao; bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh mạng và bảo vệ bí mật nhà nước trong cơ quan Kiểm toán Nhà nước; phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; phối hợp trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; phối hợp thực hiện Đề án 06, Đề án 175; phối hợp trong việc chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm và kiến nghị xem xét, khởi tố vụ án có dấu hiệu tội phạm và các vấn đề liên quan đến hồ sơ đầu mối phối hợp…
“Để Quy chế phối hợp và Thông tư liên tịch sớm triển khai hiệu quả, lãnh đạo Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm các cam kết trong Quy chế, các quy định trong Thông tư liên tịch; tiếp tục gương mẫu đi đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Bộ Công an cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành để tham mưu, đôn đốc, kiểm tra sơ kết đánh giá việc thực hiện Quy chế phối hợp và Thông tư liên tịch; cùng nhau tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ để công tác phối hợp ngày càng chặt chẽ, đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực”, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết thêm.