14:49 23/05/2023

Kiểm toán Nhà nước "rung chuông" đối với cấp tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro

Phan Linh

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực chứng khoán năm 2021 đạt 23,85%, cao gần gấp đôi tăng tưởng tín dụng chung của nền kinh tế...

Kiểm toán Nhà nước lưu ý việc kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.
Kiểm toán Nhà nước lưu ý việc kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kết quả tới Quốc hội. Theo đó, năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước và 5 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. 

Cụ thể, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ, giúp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Các ngân hàng được kiểm toán đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%. Song, vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục.

CÓ NGÂN HÀNG TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG GẤP 6 LẦN MỨC CHO PHÉP

Kiểm toán Nhà nước lưu ý việc kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro. Năm 2021, tăng tưởng tín dụng chung của nền kinh tế là 13,61% nhưng tăng trưởng tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đều cao hơn mức tăng trưởng chung. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng của lĩnh vực bất động sản 15,37%, lĩnh vực chứng khoán 23,85%, lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp 17,65%.

Tỷ lệ dư nợ tín dụng nền kinh tế so với GDP ở mức cao (năm 2020 là 114,3%; năm 2021 là 113,2%). Theo đánh giá của WB, tỷ lệ này của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc kiểm soát dòng tiền tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro. 

 

Năm 2021, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực chứng khoán lên tới 23,85%, cao gần gấp đôi mức tăng tưởng tín dụng chung của nền kinh tế là 13,61%. Tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro khác như bất động sản, trái phiếu cũng tăng trưởng mạnh hơn mặt bằng chung.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể việc điều hành, kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng. Một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nứơc.

Kiểm toán Nhà nước nêu một ngân hàng được giao tăng trưởng tín dụng 13,48% nhưng thực hiện 15,67%.

Cá biệt, có ngân hàng được cấp room tín dụng 5,5% nhưng thực hiện 31,82%, gấp 6 lần mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước. 

Ngoài ra, một ngân hàng khác vượt mức tăng trưởng tín dụng tối đa tại các thời điểm  31/7/2021, 31/8/2021, 30/9/2021, 31/10/2021. 

 

Năm 2021, một ngân hàng được cấp room tín dụng 5,5% nhưng thực hiện 31,82%, gấp 6 lần mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước. 

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một số đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp như một công ty chứng khoán của một ngân hàng lớn trong nhóm "big 4" đầu tư trên 40 tỷ vào 2 công ty ngoài ngành nhưng từ 2014 nhưng đến nay vẫn chưa được chia cổ tức và cũng chưa thoái vốn thành công. Hay như một ngân hàng cổ phần lớn khác đầu tư có  số dư đầu tư trái phiếu vào Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy đến 31/12/2021 là 50 tỷ đồng, trích lập dự phòng 100%; đầu tư 33,96 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA từ năm 2005 (chiếm 3,52% vốn góp). AAA hoạt động không hiệu quả từ năm 2009 và lỗ lũy kế đến 31/12/2021 là 776 tỷ đồng.

Một số đơn vị được kiểm toán còn nợ tồn đọng chưa được xử lý dứt điểm.

Một số ngân hàng hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa đúng quy định; chưa kê khai nộp thuế đối với thu nhập từ hoạt động cung ứng dịch vụ thư tín dụng theo quy định.

THẨM ĐỊNH SƠ SÀI TRƯỚC KHI GIẢI NGÂN

Một số ngân hàng phân loại nợ chưa phù hợp. Ngoại trừ các trường hợp năm 2022 các ngân hàng đã phân loại vào nhóm nợ cao hơn hoặc đã tất toán nợ vay nên Kiểm toán Nhà nước không điều chỉnh nhóm nợ.

Tại một ngân hàng lớn Nhà nước chi phối vốn, đã không điều chỉnh giảm dư nợ nhóm 1 là 43,45 tỷ đồng, dư nợ nhóm 2 là 49,70 tỷ đồng, dư nợ nhóm 4 là 73,41 tỷ đồng; tăng dư nợ nhóm 3 là 60,34 tỷ đồng, nhóm 5 là 106,22 tỷ đồng.

Một ngân hàng khác cũng do Nhà nước chi phối vốn, không điều chỉnh giảm dư nợ nhóm 1 là 291,16 tỷ đồng, nhóm 2 là 371,52 tỷ đồng; tăng dư nợ nhóm 3 là 166,35 tỷ đồng, nhóm 4 là 26,9 tỷ đồng, nhóm 5 là 469,43 tỷ đồng).

Ngoài ra, một số đơn vị được kiểm toán  trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác. Ngoại trừ các trường hợp năm 2022 các ngân hàng đã trích lập đầy đủ dự phòng hoặc đã tất toán nợ vay nên Kiểm toán Nhà nước không điều chỉnh tăng trích dự phòng rủi ro tín dụng. 

Song song, còn nhiều sai sót về trình tự, thủ tục cho vay, thẩm định sơ sài; định kỳ chưa đánh giá lại tài sản bảo đảm; thiếu chứng từ giải ngân/tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn; kiểm tra, giám sát sau cho vay còn sơ sài; gia hạn nợ vượt quá thời gian... Qua kiểm toán kiến nghị rà soát để thu hồi nợ trước hạn tại một ngân hàng là 159,57 tỷ đồng từ 3 khách hàng và một ngân hàng khác là 113,42 tỷ đồng của 16 khách hàng...