Kiểm tra sau thông quan hơn 200 doanh nghiệp rủi ro cao theo 7 chuyên đề
6 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Hải quan giao các cục hải quan địa phương thực hiện kiểm tra sau thông quan đối với 202 doanh nghiệp theo 7 chuyên đề...
Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan này giao các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra sau thông quan đối với 202 doanh nghiệp theo 7 chuyên đề trong 6 tháng đầu năm 2022.
Bao gồm: chuyên đề các mặt hàng nhập khẩu có 2 mức thuế suất; chuyên đề thuốc và nguyên liệu sản xuất thuốc nhập khẩu; chuyên đề mặt hàng lốp dùng cho ô tô chở hàng, ô tô đầu kéo, sơ mi rơ moóc; chuyên đề phế liệu nhập khẩu; chuyên đề máy móc thiết bị qua sử dụng nhập khẩu; chuyên đề xuất xứ hàng xuất khẩu đi Mỹ và chuyên đề xuất xứ hàng xuất khẩu đi Ấn Độ, dựa trên nghiên cứu, đánh giá dấu hiệu rủi ro trong một số lĩnh vực quản lý về hải quan.
Cũng trong quý 2, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án sửa đổi quy trình kiểm tra sau thông quan theo Quyết định số 575/QĐ-KTSTQ ngày 21/3/2019 về việc ban hành Quy trình kiểm tra sau thông quan, phù hợp với thực tế triển khai, đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và trả lời vướng mắc các Cục Hải quan tỉnh, thành phố về việc thực hiện kiểm tra sau thông quan 202 doanh nghiệp theo 7 chuyên đề.
Trước đó, năm 2021, do đại dịch diễn biến phức tạp, Tổng cục Hải quan tạm dừng, hoãn các cuộc kiểm tra sau thông quan trong kế hoạch, bao gồm kiểm tra sau thông quan đánh giá tuân thủ và kiểm tra sau thông quan theo dấu hiệu rủi ro vào thời điểm cuối năm, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bước sang năm 2022, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song để đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan và thực hiện chỉ các nhiệm vụ cấp bách phát sinh trong công tác quản lý, Tổng cục Hải quan quyết liệt triển khai hiệu quả các chuyên đề, các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong công tác kiểm tra sau thông quan ngay từ những tháng đầu năm.
Cụ thể, triển khai thực hiện Chỉ thị 439/CT-TCHQ ngày 11/02/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022 với 11 giải pháp cụ thể về xây dựng kế hoạch định hướng; xây dựng thể chế pháp luật; quản lý thuế; chỉ đạo hoạt động kiểm tra sau thông quan tại các Cục Hải quan tỉnh thành phố và đào tạo, tập huấn.
Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Quyết định sửa đổi Quyết định 575, trong đó, lồng ghép quy trình quản lý doanh nghiệp ưu tiên theo định hướng xử lý được các vướng mắc hiện đang tồn tại, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật, quản lý được cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ kiểm tra sau thông quan, tránh được những tiêu cực phát sinh.
Tính đến nay, có 73 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên, giúp doanh nghiệp không những nhận được nhiều chế độ ưu đãi liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, mà còn nâng cao vị thế của doanh nghiệp với các đối tác.
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 3, toàn ngành hải quan thực hiện kiểm tra sau thông quan 147 cuộc, trong đó có 42 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 105 cuộc tại trụ sở cơ quan hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 85,36 tỷ đồng, thực thu vào ngân sách nhà nước 44,74 tỷ đồng.
Riêng Cục kiểm tra sau thông quan thực hiện kiểm tra sau thông quan 24 cuộc. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 19,70 tỷ đồng, thực thu vào ngân sách nhà nước 20,29 tỷ đồng.