14:33 02/04/2022

Hụt thu trên 20.000 tỷ, ngành thuế tính kế hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách

Ánh Tuyết

Ngân sách giảm thu trên 20.000 tỷ từ ngày 1/4 do giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngành thuế sẽ khẩn trương thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp còn tồn đọng và đẩy mạnh công nghệ trong thu, nộp thuế...

Ngành thuế khẩn trương hoàn thành các cuộc thanh kiểm tra còn tồn từ năm 2021 chuyển sang và triển khai thực hiện thanh kiểm tra theo kế hoạch năm 2022.
Ngành thuế khẩn trương hoàn thành các cuộc thanh kiểm tra còn tồn từ năm 2021 chuyển sang và triển khai thực hiện thanh kiểm tra theo kế hoạch năm 2022.

Ngày 1/4, thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác thuế quý 1, Tổng cục Thuế cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý ước đạt 389.320 tỷ đồng, bằng 33,1% so với dự toán pháp lệnh, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, thu nội địa ước đạt 374.581 tỷ đồng, hoàn thành 32,7% so với dự toán, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021. Cá biệt, thu từ dầu thô ước đạt 14.739 tỷ đồng, hoàn thành nửa chặng đường, đạt 52,3% so với dự toán với mức tăng ấn tượng 67,6% so với cùng kỳ.

DỊCH VỤ KHỞI SẮC, DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI, THU NGÂN SÁCH ĐẠT GẦN 400.000 TỶ

Điểm danh một số khoản thu đạt trên 25% so với dự toán, Tổng cục Thuế chỉ rõ, có tới 16/19 khoản thu, sắc thuế đạt khá.

Trong đó một số khoản thu lớn như: khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 27,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 30%; khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 34%; thuế thu nhập cá nhân ước đạt 43,3%; thuế bảo vệ môi trường ước đạt 25,9%; thu lệ phí trước bạ ước đạt 30,3%; thu phí, lệ phí ước đạt 27,3%; thu tiền sử dụng đất ước đạt 38%...

Nguồn: Tổng cục Thuế.
Nguồn: Tổng cục Thuế.

So với cùng kỳ có 11/19 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng nổi bật so với cùng kỳ, đó là thuế thu nhập cá nhân ước tăng 20,6%; thuế bảo vệ môi trường ước tăng 7,1%; lệ phí trước bạ ước tăng 5,1%; phí - lệ phí ước tăng 4,2%; thu tiền cho thuê đất ước tăng 26,9%; thu tiền sử dụng đất ước tăng 21%.

 

"Thu ngân sách quý 1 đạt khá về tiến độ thực hiện dự toán và tăng so cùng kỳ là do tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và đang phát huy tác dụng tốt, các doanh nghiệp có sự tăng tốc hoạt động sản xuất kinh doanh", Tổng cục Thuế đánh giá.

Tổng cục Thuế cho biết, khu vực dịch vụ trong quý 1 tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại.

Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý 1 năm nay như hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,75% so với cùng kỳ năm trước.

ngành vận tải, kho bãi tăng 7,06%. Ngành bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%.

Đáng chú ý, một tín hiệu rất tích cực đến từ số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý 1 tăng ấn tượng 36,7% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân 1 tháng có 20.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó, vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng 34,5%.

Bên cạnh việc các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và đóng góp lớn cho ngân sách, có được kết quả trên là do ngành thuế triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý.

Tính đến ngày 14/03, toàn ngành thuế thực hiện được 4.890 cuộc thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế và kiểm tra được 90.503 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, tăng 13,32% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 4.255 tỷ đồng, trong đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 1.050,2 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 237,8 tỷ đồng; giảm lỗ là 2.967,1 tỷ đồng.

Cũng trong 3 tháng đầu năm, toàn ngành thuế thu được 7.250 tỷ đồng tiền nợ thuế. Cơ quan thuế các cấp thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo Nghị quyết 94/2019/QH14 ước đạt 150 tỷ đồng.

KHẨN TRƯƠNG HOÀN THÀNH THANH KIỂM TRA TỒN ĐỌNG, GẤP RÚT ÁP DỤNG HOÁ ĐƠN ĐIỆN TỬ TẠI 57 ĐỊA PHƯƠNG

Phát biểu kết luận tại hội nghị giao ban quý 1, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn lưu ý, thu ngân sách quý 1 đạt kết quả tương đối khả quan, tuy nhiên, các đơn vị cần tiếp tục rà soát kỹ nắm bắt từng nguồn thu, sắc thuế chi tiết đến từng tháng, từng khu vực, sắc thuế để đánh giá dự báo sát diễn biến, tình hình thu, từ đó tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Thuế phương án điều hành ngân sách cho phù hợp.

Đặc biệt trong bối cảnh từ ngày 1/4, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 50% và giảm 70% đối với mặt hàng dầu hỏa sẽ làm nguồn thu ngân sách giảm trên 20.000 tỷ đồng.

"Đối với công tác quản lý nợ, cơ quan thuế các cấp cần chủ động phân tích nguyên nhân từng khoản nợ thuế, tính chất nợ tại các địa phương để Tổng cục có giải pháp xử lý, thu hồi nợ thuế hiệu quả", ông Tuấn nhấn mạnh,

Bên cạnh đó, Vụ Quản lý nợ cần tận dụng tối đa các ứng dụng công nghệ thông tin sẵn có, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ chủ động đề xuất phương án tháo gỡ kịp thời. Ngoài ra, cần sớm tổ chức sơ kết đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện xử lý khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội.

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cũng yêu cầu, các cục thuế khẩn trương hoàn thành các cuộc thanh kiểm tra còn tồn từ năm 2021 chuyển sang và triển khai thực hiện thanh kiểm tra theo kế hoạch năm 2022 được phê duyệt, đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện thanh, kiểm tra theo chuyên đề hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp rủi ro cao về thuế.

Về triển khai đề án hoá đơn điện tử giai đoạn 2 trên phạm vi cả nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành trong quý 2.

 

Để chuẩn bị triển khai chính thức lễ công bố triển khai áp dụng hoá đơn điện tử trên cả nước dự kiến vào giữa tháng 4, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn đề nghị các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện tại Tổng cục Thuế và 57 cục thuế còn lại thuộc giai đoạn 2 theo đúng tiến độ, thời gian quy định.

Đồng thời gấp rút triển khai các công việc cụ thể như triển khai hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin phục vụ triển khai mở rộng trên toàn quốc; kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo, Tổ thường trực triển khai hoá đơn điện tử tại Tổng cục Thuế và chỉ đạo 57 Cục Thuế địa phương thành lập Ban chỉ đạo, Tổ triển khai, Trung tâm điều hành hoá đơn điện tử tại địa phương.

Ngoài ra, hoàn thiện thể chế chính sách, quy trình nghiệp vụ hoá đơn điện tử; tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho người nộp thuế và cơ quan thuế; giám sát thực hiện và đẩy nhanh các công tác chuẩn bị để có thể triển khai trên toàn quốc từ tháng 4.

Trước đó, Tổng cục Thuế triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại 06 tỉnh, thành phố giai đoạn 1 gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ.

Hệ thống 7 Trung tâm điều hành triển khai hoá đơn điện tử tại Tổng cục Thuế và 6 Cục Thuế và đang vận hành, hoạt động thông suốt, được bố trí đường dây nóng và cán bộ trực hỗ trợ trong và ngoài giờ hành chính để đảm bảo trao đổi thường xuyên, kịp thời giải đáp, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đến hết ngày 20/03, có 437.453 doanh nghiệp đăng ký và sử dụng hoá đơn điện tử theo quy định.

Ngoài ra, trong thời gian tới, cơ quan thuế sẽ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án máy tính tiền và đề án phát hành xổ số kiến thiết theo mã hóa đơn để khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua bán hàng hóa. Qua đó, góp phần giúp ngành thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.