10:26 17/10/2018

Kiến nghị xử lý tài chính 4 dự án đầu tư hạ tầng tại Phú Quốc

Phan Dương

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 48 tỷ đồng và giảm chi phí giải phóng mặt bằng 187 tỷ tại 4 dự án đầu tư hạ tầng giao thông tại Phú Quốc

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Qua kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công tác thẩm định dự án đầu tư tại 4 dự án hạ tầng giao thông do UBND huyện Phú Quốc làm chủ đầu tư, Kiểm toán Nhà nước khu vực V cho biết, có sự chênh lệch rõ về chi phí đầu tư, giá trị hợp đồng... giữa số báo cáo và số kiểm toán. Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính số tiền hơn 48,407 tỷ đồng và giảm chi phí giải phóng mặt bằng gần 187,161 tỷ đồng.

4 dự án được Kiểm toán Nhà nước khu vực V tiến hành kiểm toán từ 8/6 – 17/7/2018 (có báo cáo kết quả trong tháng 9/2018) gồm: dự án đường cơ động phía Bắc đảo Phú Quốc với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, khởi công 2016, hoàn thành trong 2020; Dự án đầu tư xây dựng công trình đường trung tâm đoạn 2- khu vực Bãi Trường có tổng vốn đầu tư 183,466 tỷ đồng, theo kế hoạch, khởi công từ 2010, hoàn thành trong 2017 nhưng đến 2016 mới khởi công do thiếu vốn; đường trung tâm đoạn 3 - khu vực Bãi Trường và các đường nhánh có tổng vốn đầu tư 1.499,738 tỷ đồng, khởi công 2016 hoàn thành 2020; Đường nhánh số 4 - khu Bãi Trường tổng vốn đầu tư 216,538 tỷ đồng đã hoàn thành trong 2017.

Sai số hàng chục tỷ đồng

Báo cáo kiểm toán chỉ rõ, dự án đường động cơ phía Bắc sai 38,7 tỷ đồng chi phí khảo sát bước lập dự án, giảm trừ 4,821 tỷ đồng chi phí xây lắp do sai khối lượng; giảm chi phí tư vấn và chi phí khác 0,849 tỷ đồng do xác định lại tỷ lệ định mức và giảm trừ theo giá trị xây lắp giảm; Dự án đường trung tâm đoạn 2 giảm trừ chi phí xây lắp 7,278 tỷ đồng do sai khối lượng, sai dự phòng phí; 0,95 tỷ đồng do xác định sai định mức tỷ lệ % chi phí tư vấn và chi phí khác; Dự án đường trung tâm đoạn 3 giảm trừ chi phí xây lắp 15,072 tỷ đồng do sai khối lượng đơn giá, chi phí tư vấn và chi phí khác số tiền 2,148 tỷ đồng do xác định lại tỷ lệ định mức và giảm trừ theo giá trị xây lắp; Dự án đường nhánh số 4 giảm trừ chi phí xây lắp 7,7 tỷ đồng do sai khối lượng, sai dự phòng phí; giảm trừ chi phí khảo sát bước lập dự án và khảo sát thiết thiết kế bản vẽ thi công - dự toán 0,147 tỷ đồng do xác định sai định mức tỷ lệ %...

Bên cạnh đó, dự án được duyệt còn sai sót do tính sai khối lượng hình học, trùng lắp khối lượng, sai đơn giá, định mức, tỷ lệ định mức và sai số học, giá trị dự toán thừa 51,428 tỷ đồng. Trong đó, dự án đường cơ động phía Bắc thừa 8,885 tỷ đồng; đường trung tâm đoạn 2 thừa 10,102 tỷ đồng, đường nhánh số 4 thừa 11.245 tỷ đồng; đường trung tâm đoạn 3 thừa 21,196 tỷ đồng...

Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, việc thẩm định các dự án chưa xem xét kỹ khả năng cân đối nguồn vốn dẫn đến khi phê duyệt dự án không có vốn để thực hiện. So với quyết định phê duyệt dự án ban đầu, đường trung tâm đoạn 2 khởi công chậm 6 năm, đường nhánh số 4 khởi công chậm 5 năm.

Cũng do thiếu vốn, dẫn đến nợ đọng xây dựng của 2 công trình này lần lượt là 54,594 tỷ đồng và 79,291 tỷ đồng.

Tính kinh tế chưa đảm bảo

Các dự án trên cũng chưa đảm bảo đầy đủ trình tự thủ tục, thiếu ý kiến tham gia bằng văn bản của cơ quan, tổ chức có liên quan, phê duyệt dự án chưa phù hợp với quy hoạch được duyệt, sai tổng mức đầu tư...

Ví như dự án đường cơ động phía Bắc đảo Phú Quốc ở đoạn 3,3km cuối tuyến, hướng tuyến bị lệch về phía rừng so với hướng tuyến trong quy hoạch 633/QĐ - TTg về việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến 2030. Đến thời điểm kiểm toán, đoạn tuyến này đã có chủ trương của Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc điều chỉnh theo ranh đất đã giao cho nhà đầu tư (khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm 173,53ha).

Tuy nhiên, việc điều chỉnh hướng tuyến đã giao cho nhà đầu tư vẫn tiếp tục sai so với quy hoạch 633/QĐ- TTg. Cụ thể, dự án này được tỉnh phê duyệt vượt 67,32ha so với quy hoạch 633, sau đó BQL Khu kinh tế Phú Quốc lại tiếp tục phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vượt thêm 4,21ha so với UBND tỉnh phê duyệt.

Đối với dự án đường trung tâm đoạn 3 có tổng mức đầu tư được duyệt bao gồm 187,160 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng bằng vốn ngân sách nhà nước, tuy nhiên, tuyến này đi qua khu đất của các nhà đầu tư và chi phí này do nhà đầu tư thực hiện nên tổng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước thừa 187,160 tỷ đồng.

Ngoài ra, các hợp đồng tư vấn thiết kế, tư vấn đấu thầu chưa ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của các đơn vị tư vấn theo quy định, mang lại rủi ro cao cho ngân sách nhà nước khi xảy ra sai sót. Nhìn chung, các công trình đều bị trễ tiến độ so với hợp đồng, trong đó, đường nhánh số 4, đường trung tâm đoạn 2 trễ 12 tháng, đường cơ động phía Bắc thời gian thực hiện 22/24 tháng nhưng khối lượng công việc thực hiện chỉ 25,7% do bố trí vốn chưa kịp thời...

Cùng với đó, việc quản lý tiến độ thi công cũng chưa tốt. Một số hạng mục công việc thi công chưa đạt yêu cầu kỹ thuật. Qua kiểm tra chi tiết 4 dự án cũng cho thấy công tác thiết kế bản vẽ thi công - dự toán được duyệt còn sai sót, chưa có sự so sánh giữa các phương án thiết kế để đảm bảo tiết kiệm... nên tính kinh tế của các dự án chưa đảm bảo.