Kiên trì giảm gánh nặng thuế
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu Tổng cục Thuế phải bảo đảm tính trung lập của thuế, tránh ưu đãi, miễn trừ thuế tràn lan
"Thu ngân sách Nhà nước trong vòng 10 năm tăng gấp 3 lần nhưng tăng thu đều từ sự phát triển của nền kinh tế chứ không phải là tận thu. Kiên trì thực hiện chính sách giảm thuế là bước đi đúng và trúng của Nhà nước", Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Làm việc với Tổng cục Thuế, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận một trong những kết quả nổi bật là trong năm 2017, riêng lĩnh vực ngành thuế quản lý, tổng thu đạt trên 1 triệu tỷ đồng, vượt 5,5% so với kế hoạch. Đây là thành tích lớn của ngành thuế trong thu ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, theo ông Hiển, dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng đến nay ngành thuế chưa có sự thay đổi một cách rõ nét.
Thực tế cho thấy, các chính sách thuế vẫn phức tạp, còn chính sách ưu đãi chưa thực sự phù hợp. Do đó, việc điều chỉnh là cần thiết với yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm tính trung lập của thuế, tránh ưu đãi, miễn trừ thuế tràn lan.
Hiện chính sách thuế vẫn còn nặng tư duy cũ. Thuế đang gánh trên mình quá nhiều các chính sách xã hội.
Như vậy, tính trung lập và tính công bằng của thuế liệu có được bảo đảm? Nếu không sớm có những hành động kịp thời và mau lẹ về chính sách thuế, sẽ khó đạt được Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm đã đề ra.
Ông Hiển yêu cầu: "Tổng cục Thuế là cơ quan hiểu và nắm chắc nhất về các chính sách thuế, cần tham mưu với Bộ Tài chính trình Quốc hội, Chính phủ sửa các luật theo hướng dùng một luật sửa nhiều luật. Không thể để thuế gánh quá nhiều chính sách chưa phù hợp như hiện nay. Đồng thời, cần rà soát đối tượng nộp thuế, cách tính thuế, chấm dứt tình trạng tràn lan các chính sách miễn giảm".
Cũng cho rằng cần tiếp tục hoàn chỉnh chính sách thuế, phù hợp với tình hình thực tiễn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải thấy là, việc điều chỉnh các chính sách thuế cần theo hướng bao quát nguồn thu, mở rộng cơ sở nguồn thu, thống nhất quản lý thu.
Đặc biệt, cần bảo đảm để hệ số thu bớt phức tạp và dần dần theo thông lệ quốc tế. Để các chính sách thuế phát huy hiệu quả tích cực, cần xây dựng chính sách thuế thực sự đơn giản. Có như vậy, mới giảm bớt được các chi phí quản lý thuế không cần thiết.
Trong quá trình xây dựng các chính sách thuế cần nghiên cứu bảo đảm tính trung lập của thuế, tránh ưu đãi, miễn trừ tràn lan cũng như cẩn trọng trong việc đưa ra chính sách ưu đãi đặc thù bởi khi đưa ra cơ chế đặc thù thì động chạm đến nhiều loại thuế, như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt... dẫn đến tình trạng nếu không thận trọng, ưu đãi thuế sẽ dẫn đến mất công bằng.
Ủng hộ Bộ Tài chính trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý thuế và các luật về thuế, nhưng Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Quang Chiểu lưu ý chỉ nên trình sửa luật về thuế nếu đã bao quát được nguồn thu.
Cùng với đó, một yêu cầu rất quan trọng là phải bảo đảm được tính trung lập của thuế bởi chính sách thuế hiện đang phải gánh quá nặng các chính sách xã hội. Ngoài ra, chính sách thuế còn phải bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, không nên phân biệt giữa doanh nghiệp to và doanh nghiệp nhỏ.
Trình bày về tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, về quy mô thu ngân sách Nhà nước trong 2 năm 2016 - 2017, tổng thu cơ quan thuế quản lý đạt 1,91 triệu tỷ đồng, vượt 7,9% dự toán; tăng trưởng thu bình quân 11,8%.
Về cơ cấu thu ngân sách tiếp tục có chuyển biến theo hướng bền vững hơn giai đoạn 2011 - 2015, thể hiện tỷ trọng thu nội địa 2 năm 2016 - 2017 chiếm khoảng 76,9% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Mặc dù thấp hơn mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 2016 - 2020, nhưng đã cao hơn nhiều so với bình quân giai đoạn 2011 - 2015; thu ngân sách giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu...
Tổng thu do cơ quan thuế quản lý năm 2017 đạt 1.021.704 tỷ đồng bằng 105,5% dự toán (vượt 53.124 tỷ đồng), bằng 111,8% so với cùng kỳ, vượt 27.204 tỷ đồng so với số đã báo cáo tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIV.
Trong đó, riêng thu tiền sử dụng đất đạt 125.202 tỷ đồng, bằng 126,8% dự toán (vượt 61.502 tỷ đồng), tăng 26,8% so với cùng kỳ. Còn số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức, lợi nhuận còn lại và xổ số đạt 742.889 tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán (hụt 39.691 tỷ đồng).