Kiên trì quan điểm chưa luật hoá khoán xe công
Xin ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo mới nhất Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)
Việc khoán kinh phí sử dụng xe công mới được triển khai thực hiện ở một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cần có sự tổng kết, đánh giá thận trọng.
Đây là quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) vừa được gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Đó cũng là ý kiến được thống nhất khi thảo luận về dự án luật trong phiên họp tháng 1/2017 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Dự án luật liên quan đến vấn đề cử tri rất quan tâm - quản lý tài sản công, đã được thảo luận tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá 14 (cuối năm 2016).
Tại đây có ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật cơ chế áp dụng khoán xe công, đối tượng áp dụng, cách tính mức khoán và thời điểm áp dụng. Một số ý kiến đề nghị thẩm quyền quy định mức khoán kinh phí không nên giao cho Bộ Tài chính và bổ sung thẩm quyền quy định khoán kinh phí xe ô tô của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay việc khoán kinh phí sử dụng xe công mới được triển khai thực hiện ở một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cần có sự tổng kết, đánh giá thận trọng.
Quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là việc quy định cách tính mức khoán, các chức danh cụ thể... cần được quy định ở văn bản dưới luật để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với sự biến động của nền kinh tế và nhu cầu của công tác quản lý của Nhà nước trong từng thời kỳ.
Riêng về thẩm quyền quy định mức khoán kinh phí, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo điều chỉnh theo hướng thay thẩm quyền của Bộ Tài chính bằng thẩm quyền của Chính phủ trong việc quy định đối tượng, phương pháp xác định mức khoán.
Dự thảo luật mới nhất cũng không bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ trong việc khoán kinh phí xe ôtô đối với các đại biểu Quốc hội chuyên trách để đảm bảo sự thống nhất giữa các cơ quan nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.
Dự thảo luật mới nhất cũng không bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ trong việc khoán kinh phí xe ôtô đối với các đại biểu Quốc hội chuyên trách để đảm bảo sự thống nhất giữa các cơ quan nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.
Bên cạnh nội dung trên, thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ ha, một số vị đại biểu đề nghị bổ sung số điện thoại đẹp, biển số xe đẹp, quyền sở hữu trí tuệ, tài sản vô hình, thương hiệu, cơ sở dữ liệu,... vào nội dung phân loại tài sản công tai dự thảo luật.
Tiếp thu góp ý này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo bổ sung vào khoản 6 điều 4 của dự thảo luật tài sản công là “kho số khác phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật”.
Một số loại tài sản công cụ thể như cơ sở dữ liệu, thương hiệu, tài sản vô hình... xin cho thể hiện tại các điều khoản cụ thể khi quy định về chế độ quản lý, sử dụng của từng loại tài sản, báo cáo giải trình nêu.
Đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước cũng là vấn đề còn ý kiến khác nhau.
Một số ý kiến đề nghị áp dụng mô hình quản lý trụ sở tập trung. Có ý kiến đề nghị việc hợp tác công tư liên quan đến trụ sở chỉ nên áp dụng vào việc xây dựng các bộ tại Trung ương, đề nghị quy định "mô hình liên cơ quan" vào dự thảo luật.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu phương thức đầu tư theo đối tác công tư như các hình thức đầu tư công, quản trị tư nhằm thu được hiệu quả cao nhất, tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu phương thức đầu tư theo đối tác công tư như các hình thức đầu tư công, quản trị tư nhằm thu được hiệu quả cao nhất, tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình, hiện nay nước ta đang duy trì thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở làm việc theo mô hình phân tán, nguồn kinh phí được Nhà nước giao cho cơ quan trực tiếp sử dụng trụ sở thực hiện việc đầu tư xây dựng.
Mặc dù phương thức này cho phép các cơ quan đơn vị xây dựng phù hợp với nhu cầu, chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, từng địa phương căn cứ theo tiêu chuẩn, định mức về trụ sở làm việc do Chính phủ quy định. Tuy nhiên, thực tế tồn tại tình trạng đầu tư vượt công năng, không theo đúng tiêu chuẩn, định mức, kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí.
Việc áp dụng mô hình quản lý trụ sở tập trung sẽ tăng cường hiệu quả trong đầu tư, khả năng điều hòa tài sản nhà nước và hạn chế việc đầu tư dàn trải, manh mún, gây lãng phí nguồn lực nhà nước như hiện nay. Mô hình này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng hiệu quả.
Tuy nhiên, việc thay đổi mô hình xây dựng cần phải có lộ trình cụ thể, phụ thuộc vào nguồn lực tài chính của Nhà nước, đồng thời tránh lãng phí khi chuyển ngay sang mô hình quản lý trụ sở tập trung.
Vì vậy, trước mắt đề nghị chưa quy định bắt buộc phải thực hiện quản lý vận hành trụ sở làm việc theo mô hình tập trung (bao gồm cả mô hình trụ sở liên cơ quan) mà tùy điều kiện cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương để thực hiện.
Việc cho phép áp dụng hình thức đầu tư đối tác công - tư tại điều 30 dự thảo luật, theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là để huy động các nguồn lực của xã hội cùng Nhà nước đầu tư sẽ đáp ứng được nhu cầu về trụ sở làm việc, phục vụ công tác quản lý nhà nước, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính độc lập, nghiêm minh trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng, trong trường hợp thực hiện dự án đầu tư theo hình thức cùng khai thác phải đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan nhà nước.
Tại kỳ họp thứ ba vào tháng 5 tới, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận và xem xét thông qua dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).