Chưa luật hoá việc khoán xe công
Khoán kinh phí sử dụng xe công mới được triển khai thực hiện ở một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cần có sự tổng kết, đánh giá thận trọng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội không quyết định việc khoán kinh phí xe ôtô đối với các đại biểu chuyên trách mà thống nhất để Chính phủ quyết định, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển gói lại phiên thảo luận về dự Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, sáng 10/1.
Báo cáo phương án tiếp thu chỉnh lý những vấn đề lớn của dự thảo luật, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho biết qua thảo luận lần đầu tại Quốc hội, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật cơ chế áp dụng khoán xe công, đối tượng áp dụng, cách tính mức khoán và thời điểm áp dụng.
Một số ý kiến đề nghị thẩm quyền quy định mức khoán kinh phí không nên giao cho Bộ Tài chính và bổ sung thẩm quyền quy định khoán kinh phí xe ôtô của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Thường trực Uỷ ban và cơ quan soạn thảo cho rằng, thực tế hiện nay, việc khoán kinh phí sử dụng xe công mới được triển khai thực hiện ở một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cần có sự tổng kết, đánh giá thận trọng.
Việc quy định cách tính mức khoán, các chức danh cụ thể... cần được quy định ở văn bản dưới luật để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với sự biến động của nền kinh tế và nhu cầu của công tác quản lý của Nhà nước trong từng thời kỳ.
Riêng về thẩm quyền quy định mức khoán kinh phí, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Thường trực Uỷ ban và cơ quan soạn thảo xin bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc khoán kinh phí xe ôtô đối với các đại biểu Quốc hội chuyên trách. Cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo cũng dự kiến thay thẩm quyền của Bộ Tài chính bằng thẩm quyền của Chính phủ trong quy định việc xác định mức khoán kinh phí, thanh toán kinh phí khoán sử dụng tài sản công của các đối tượng khác.
Cụ thể, điều 33 dự thảo luật quy định: việc khoán kinh phí sử dụng tài sản được áp dụng đối với nhà công vụ, xe ôtô phục vụ chức danh và xe ôtô phục vụ công tác chung của cơ quan nhà nước và các tài sản khác theo chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản công do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Việc khoán kinh phí được áp dụng đối với các đối tượng có tiêu chuẩn sử dụng tài sản.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc xác định mức khoán, thanh toán kinh phí khoán sử dụng tài sản công của đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Chính phủ quy định việc xác định mức khoán, thanh toán kinh phí khoán sử dụng tài sản công của các đối tượng khác.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc khoán xe công của đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng nên giao cho Chính phủ để đảm bảo sự thống nhất.
Phải có mặt bằng chung chứ không nên cơ quan này khoán thế này cơ quan kia khoán thế kia, nên giao cho bộ trưởng chịu trách nhiệm trên cơ sở mức trần của Chính phủ quy định thì hợp lý hơn chứ giao cho Thường vụ Quốc hội thì không nên, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đồng tình.
Bên cạnh nhiều nội dung thống nhất tiếp thu, thường trực Uỷ ban thẩm tra và cơ quan soạn thảo còn có ý kiến khác nhau về quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc xử lý tài sản thanh lý, điều chuyển tài sản, bồi thường xử lý đất đai... tại cơ quan nhà nước.
Cụ thể, đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban đề nghị quy định theo hướng: toàn bộ số tiền thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước, nguồn chi phí trang trải cho việc xử lý tài sản do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của cơ quan theo quy định của pháp luật về ngân sách. Việc quy định như trên sẽ đảm bảo các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
Còn cơ quan soạn thảo đề nghị quy định theo hướng số tiền thu được từ việc xử lý tài sản công, sau khi trừ đi các chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản, được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.
Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển gợi ý, nên quy định tất cả các khoản thu đều phải nộp vào kho bạc tạm giữ, sau đó trừ đi chi phí còn lại nộp vào ngân sách. Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với phương án này.