11:57 19/05/2008

Kìm giá thép, phôi thép “chảy ngược”

Xuân Hương - Mạnh Chung

Trước đây vài tháng, các doanh nghiệp thép luôn trong tình trạng đói phôi. Nay, Việt Nam lại đang có phôi thép... xuất khẩu

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước vẫn giữ giá tới hết tháng 6.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước vẫn giữ giá tới hết tháng 6.
Trước đây vài tháng, các doanh nghiệp thép luôn trong tình trạng đói phôi. Nay, Việt Nam lại đang có phôi thép... xuất khẩu.

Trao đổi với người viết chiều ngày 17/5, đại diện tập đoàn thép Vạn Lợi cho biết họ đã xuất khẩu khoảng hơn 10.000 tấn phôi sang Philippines và hiện “phôi của Vạn Lợi xuất khẩu đang bán rất tốt ở các thị trường ngoài Việt Nam”.

Công ty Thép Đình Vũ cũng đã ký hợp đồng xuất khẩu 30.000 tấn phôi sang khu vực Đông Nam Á trong đó khoảng 10.000 tấn đã được xuất đi.

Theo tác động dây chuyền thì không chỉ riêng phôi thép, thép phế cũng nằm trong tình cảnh tương tự. Khi phôi thép không tiêu thụ được thì thép phế không có ai mua và giá đang giảm mạnh. Trong khi giá thép phế trên thị trường thế giới là 600-660 USD/tấn thì tại Việt Nam chỉ có giá 480-500 USD/ tấn.

Một số doanh nghiệp nhập khẩu thép phế cho biết, nhiều lô hàng thép phế đang trên đường về Việt Nam đã chuyển hướng bán sang các nước trong khu vực. 

Trao đổi với VnEconomy về nguyên nhân hiện tượng này, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép nói:

- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước vẫn giữ giá tới hết tháng 6. Hiện, giá bán thép trong nước chỉ tương ứng với giá phôi thép nhập khẩu ở mức 850-860 USD/tấn CFR. Vì thế, doanh nghiệp cán thép trong nước cũng chỉ mua phôi với giá tương ứng giá thép thành phẩm. Bên cạnh đó, do ngân hàng thắt chặt cho vay tín dụng nên nhiều công trình xây dựng đã tạm ngừng thi công, cầu của thị trường thép, nhất là trong tháng 4 và đầu tháng 5 giảm mạnh.

Trong khi đó, giá phôi Trung Quốc chào bán ở Việt Nam đều ở mức trên 930 USD/ tấn. Mặt khác giá phôi xuất ra nước ngoài đều trên 900 USD/tấn. Như vậy, rõ ràng các công ty sản xuất phôi thép xuất khẩu phôi ra nước ngoài thì sẽ có lời cao hơn. Hơn nữa, các doanh nghiệp sản xuất phôi nói nếu sản xuất ra mà trữ tới hết tháng 6 mới bán thì không có tiền trả cho ngân hàng nên họ buộc phải xuất.

Hiện có bao nhiêu doanh nghiệp đang xuất khẩu phôi, thưa ông?

Trong cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước mới đây, cũng có yêu cầu tôi đưa ra danh sách các doanh nghiệp này nhưng tôi đã từ chối. Vì thực tế hiện tại cũng mới chỉ có vài doanh nghiệp xuất khẩu phôi, số lượng phôi xuất khẩu cũng không nhiều.

Cụ thể lượng phôi xuất khẩu hiện ở mức bao nhiêu, thưa ông?

Chỉ khoảng 10.000 tấn.

Các công ty xuất khẩu phôi này cung cấp bao nhiêu % lượng phôi cho sản xuất thép trong nước?

Năm 2008, nhu cầu phôi thép của Việt Nam là khoảng 4,5 triệu tấn. Để đáp ứng nhu cầu đó, theo Hiệp hội Thép, sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được gần nửa, còn lại thì Việt Nam phải nhập khẩu trên 50%. Tuy nhiên, trong gần 50% lượng phôi mà sản xuất trong nước đáp ứng thì các công ty sản xuất phôi có phôi xuất khẩu cũng chỉ cung cấp lượng rất nhỏ.

Từ trước tới nay phôi thép trong nước sản xuất ra hoàn toàn phục vụ cho cán thép của các doanh nghiệp trong nước.

Theo dự báo của Hiệp hội, vì việc kiềm chế giá bán trong nước nên một số công ty sản xuất thép ngừng nhập phôi, sau tháng 6 có thể thiếu thép xây dựng. Vậy việc xuất khẩu phôi có khiến nguy cơ thiếu thép cao hơn?

Tôi cho rằng việc xuất khẩu phôi của các doanh nghiệp chỉ là tình huống tạm thời. Nhưng tôi cũng đã cảnh báo tới Tổ điều hành thị trường trong nước để sớm có biện pháp kịp thời. Vì, với việc kìm giá trong nước như hiện tại đến một lúc nào đó nhu cầu tiêu thụ sẽ làm giá thép, phôi thép “phình” ra, như thế vấn đề cung ứng và giá sẽ phức tạp hơn.

Các cơ quan quản lý đã có ý kiến gì chưa, thưa ông?

Một chuyên viên của Vụ Chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính cũng đã gọi điện sang Hiệp hội Thép xin ý kiến của Hiệp hội là “đã nên đánh thuế xuất khẩu phôi thép hay chưa?” Nhưng tôi trả lời rằng, số lượng xuất chưa nhiều, chưa tới mức phải đánh thuế.