13:01 17/08/2022

Tăng giá trị xuất khẩu từ doanh nghiệp trong nước

Vũ Khuê

Xuất khẩu liên tục duy trì tăng trưởng kim ngạch ở mức 2 con số nhưng chưa bền vững, khả năng cạnh tranh chưa cao, hàm lượng khoa học công nghệ hạn chế...

Xoài Yên Châu (Sơn La) đã vào được thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu.
Xoài Yên Châu (Sơn La) đã vào được thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu.

6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Tại buổi đối thoại “Phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA)” ngày 16/8, chuyên gia kinh tế, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), cho rằng lượng xuất khẩu tăng nhưng về chất còn yếu; kim ngạch xuất khẩu tuy cao nhưng giá trị gia tăng rất thấp, chưa bền vững.

Xuất khẩu chưa khai thác hết lợi thế cạnh tranh dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý… để tạo ra các nhóm hàng có khả năng cạnh tranh cao, có hàm lượng khoa học công nghệ cao.

Nếu so với các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore, Indonesia thì giá trị gia tăng xuất khẩu của chúng ta thấp hơn nhiều… Bên cạnh đó, cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch chuyển biến mạnh mẽ song chủ yếu là hàng công nghiệp chế biến chế tạo, gia công lắp ráp, nguyên liệu thô.

“Điều này cho thấy, chúng ta vẫn phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhập siêu rất lớn”, ông Phương phân tích.

Từ nay đến cuối năm, những bất ổn chính trị Nga -Ukraina, chính sách Zero Covid-19 tại Trung Quốc… khiến giá cả thế giới, đặc biệt giá nhiên liệu, xăng dầu, lương thực, lạm phát tăng cao… ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu. Hơn nữa, việc tăng lãi suất khiến tỉ giá tăng càng gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Để xuất khẩu bền vững, ông Phương cho rằng điều quan trọng, nhà nước cần có chính sách khuyến khích, đảm bảo thực thi để xuất khẩu tăng về chất lượng, giá trị gia tăng, tăng được tỉ lệ nội địa hoá, công nghệ cao hơn.

Trong đó, phải phát triển được công nghiệp hỗ trợ để tận dụng được các ưu đãi từ các FTA. Mặt khác, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp để doanh nghiệp vươn lên ngang bằng với các doanh nghiệp FDI trong nhiều lĩnh vực.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tập trung vào sản xuất kinh doanh. Và đặc biệt, cần phải đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khuyến cáo, các doanh nghiệp cần nâng cao tính chủ động trong tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác.

Các bộ ngành tổ chức rất nhiều chương trình xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm, kết nối thị trường nhưng doanh nghiệp dường như vẫn chưa quan tâm nhiều. Song trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần thay đổi để tham gia triển khai kế hoạch xúc tiến thương mại nhằm đón đầu cơ hội từ thị trường, đặc biệt các thị trường có FTA.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần đầu tư phát triển sản phẩm, chú trọng công tác nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu, vượt qua các hàng rào phi thuế quan.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị kế hoạch xuất khẩu cho từng mặt hàng, từng thị trường mục tiêu, chủ động liên kết giữa doanh nghiệp – doanh nghiệp nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong việc đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Vấn đề nhân lực cũng vô cùng quan trọng, ông Tài nhấn mạnh, không chỉ nhân lực trong lĩnh vực sản xuất mà còn nhân lực trong lĩnh vực thương mại. Nhân lực cần có kỹ năng về ngoại ngữ, kỹ năng đàm phán, kỹ năng xúc tiến thương mại, đặc biệt có khả năng nắm bắt xu hướng tiêu dùng hiện đại, xúc tiến xuất khẩu sang thị trường quốc tế một cách chuyên nghiệp và bài bản hơn.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, trong thời gian tới, các thách thức trên sẽ đặt ra đối với các quốc gia tham gia chuỗi cung ứng, trong đó có Việt Nam. Vì thế, các doanh nghiệp phải nắm bắt được thông tin để có sự chuẩn bị và có chiến lược hoạt động sẵn sàng, phù hợp.

Cụ thể hơn, bà Xuân cho rằng các doanh nghiệp không nên tập trung một số thị trường mà cần đa dạng hoá thị trường từ nguồn cung cho đến các thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt, để xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, phải tiến tới sản xuất được sản phẩm chất lượng cao hơn nữa, nhờ đó giá trị thu về sẽ tốt hơn. Và như vậy, rất cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề.

Đồng thời tập trung phát triển dòng nguyên phụ liệu hướng tới phát triển bền vững, như môi trường xanh, sạch để bắt kịp với xu hướng của thế giới, vừa đảm bảo ổn định cho ngành sản xuất, vừa gia tăng cơ hội tiếp cận chuỗi cung ứng một cách bền vững.