14:43 15/11/2022

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trưởng 34%

Chương Phượng

Tính đến hết tháng 10/2022, xuất khẩu thủy sản cả nước đã mang về 9,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái và đang bỏ xa mốc 9 tỷ USD của cả năm 2018. Dự kiến cả năm 2022, xuất khẩu thủy sản sẽ thiết lập mốc kỷ lục 11 tỷ USD…

Dự kiến cả năm 2022, xuất khẩu thủy sản sẽ thiết lập mốc kỷ lục 11 tỷ USD.
Dự kiến cả năm 2022, xuất khẩu thủy sản sẽ thiết lập mốc kỷ lục 11 tỷ USD.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết hầu hết các nhóm sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực đều tăng mạnh về giá trị xuất khẩu, trong đó: xuất khẩu hải sản tăng 34%; xuất khẩu cá tra tăng 80%; xuất khẩu tôm tăng 19%...

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trưởng 34% - Ảnh 1

XUẤT KHẨU HẢI SẢN TĂNG TRƯỞNG CAO

Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu và chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao. Xung đột Nga-Ukraine làm xáo trộn thương mại toàn cầu, giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí cho các chuyến đi biển của bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn, nhiều tàu không thể ra khơi.

Đặc biệt, thẻ vàng IUU chưa được gỡ bỏ vẫn là thách thức. Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao, giá cả hàng hóa và chi phí sinh hoạt tăng vọt ở các thị trường nhập khẩu chính cũng tác động tiêu cực tới xuất khẩu hải sản của Việt Nam.

Mặc dù vậy, trong 10 tháng năm 2022, xuất khẩu các sản phẩm hải sản của Việt Nam vẫn đạt 3,76 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021.

Đối với các sản phẩm mực – bạch tuộc, tính đến hết tháng 10/2022, xuất khẩu đã đạt doanh số 625 triệu USD, tăng 32%. Ước tính cả năm 2022, xuất khẩu sản phẩm này sẽ đạt 734 triệu USD, tăng 22% so với năm 2021.

“Trên thế giới, dịch Covid-19 chưa kết thúc nên vẫn có tác động tới nhu cầu tiêu thụ mực, bạch tuộc. Theo đó, nhu cầu vẫn nghiêng về các sản phẩm mực, bạch tuộc có giá vừa phải, dễ chế biến, có thời hạn bảo quản lâu, phù hợp với chế biến và tiêu thụ tại nhà như: mực khô, bạch tuộc khô, bạch tuộc đông lạnh…”, bà Lê Hằng nhận định, đồng thời cho biết năm 2022, các sản phẩm mực, bạch tuộc của Việt Nam được xuất khẩu sang 61 thị trường, tăng 2 thị trường so năm ngoái.

Trong cơ cấu các thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc chính của Việt Nam năm nay, tỷ trọng thị trường các nước thuộc Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ  xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Trung Quốc và EU tăng, trong khi tỷ trọng thị trường Hàn Quốc và Thái Lan giảm. Nhật Bản và Trung Quốc vẫn là những thị trường nhập khẩu mực hàng đầu trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 thị trường nhập khẩu bạch tuộc lớn nhất từ Việt Nam.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 46 phát hành ngày 14-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trưởng 34% - Ảnh 2