10:09 22/05/2010

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao nhất từ đầu năm

Anh Quân

Chốt số liệu sơ bộ từ chiều 21/5, Bộ Công Thương công bố trong tháng 5, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều đạt kết quả khá tốt

Dệt may là một trong những mặt hàng tăng khá cao về kim ngạch so với cùng kỳ.
Dệt may là một trong những mặt hàng tăng khá cao về kim ngạch so với cùng kỳ.
Chốt số liệu sơ bộ từ chiều 21/5, Bộ Công Thương công bố trong tháng 5, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều đạt kết quả khá tốt.

Theo ước tính của bộ này, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 đạt khoảng 6,1 tỷ USD, tăng 14,4% so với tháng 4; nhập khẩu đạt khoảng 6,85 tỷ USD, tăng khoảng 5,5% so với tháng trước. Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, tháng 5 đạt kỷ lục cả về kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu.

So với số liệu thống kê xuất nhập khẩu 15 ngày đầu tháng 5 cũng vừa được Tổng cục Hải quan công bố, lần lượt là 2,9 tỷ USD và 3,4 tỷ USD, “chặng” nửa cuối tháng 5, hoạt động xuất nhập khẩu dường như có kết quả tốt hơn.

Trở lại với con số của Bộ Công Thương, chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu đã thu hẹp theo hướng tích cực hơn trong tháng 5. Với nhập siêu tháng này ước vào khoảng 750 triệu USD, đây cũng là mức thấp nhất kể từ đầu năm.

Xuất khẩu được lợi về giá

Với diễn biến mới này, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm ước đạt 25,83 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2009 và bằng 42,7% kế hoạch cả năm, trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu (đã bao gồm dầu thô), tăng 25,9% so với cùng kỳ. 

Đóng góp vào kết quả trên, kim ngạch xuất khẩu của nhóm nông, lâm, thuỷ sản tăng 7% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh về kim ngạch như: cao su tăng 85,3%, hạt tiêu (54,9%), nhân điều (24,7%), chè (19,7%), thuỷ sản (18%), rau quả (17,3%) ...

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng bình quân tới 11,6%. Đặc biệt, thép và hoá chất cùng tăng hơn 3,4 lần; dây điện và cáp điện tăng gấp 2 lần, sản phẩm từ cao su tăng 91,6%, giấy và sản phẩm từ giấy, máy vi tính và linh kiện tăng hơn 30 %, dệt may tăng 17%...

Trong các nguyên nhân làm tăng kim ngạch xuất khẩu, đáng lưu ý là giá cả một số mặt hàng đã hồi phục khá tốt. Hầu hết các mặt hàng nông sản đều tăng về giá, trừ cà phê. Ngoài ra còn phải kể đến giá dầu thô và than đá cũng tăng so với cùng kỳ năm 2009.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, giá hàng hóa xuất khẩu 5 tháng tăng bình quân trên 8% so với cùng kỳ năm 2009, làm cho kim ngạch xuất khẩu chung tăng thêm 1,77 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, do một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh về lượng như cà phê giảm 15,2%, gạo giảm 10,5%, sắn các loại giảm 51,3%, dầu thô giảm 49,8%, than đá giảm 12,3%.... đã làm giảm kim ngạch khoảng gần 1,5 tỷ USD.

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao nhất từ đầu năm - Ảnh 1
Biểu đồ xuất nhập khẩu, nhập siêu trong 5 tháng đầu năm 2010 (Đơn vị: tỷ USD). Tháng 5 là ước tính của Bộ Công Thương.

Nhập khẩu kiểm soát chưa hiệu quả

Với nhập khẩu, tổng kim ngạch 5 tháng đầu năm ước đạt 31,2 tỷ USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2009, gấp hơn 2 lần tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu. Đáng lưu ý, kim ngạch nhập khẩu khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 13 tỷ USD, tăng tới trên 50%.

Kim ngạch nhập khẩu cũng tăng rất cao ở nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu (tăng 64,8%), trong đó nhóm mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng gấp 5,8 lần, linh kiện phụ tùng ôtô, xe máy tăng trên 70% so với cùng kỳ...

Trong khi đó, nhóm hàng khuyến khích nhập khẩu lại chỉ tăng 27,5%, trong đó lúa mỳ, bông, phôi thép, kim loại thường tăng gấp 2 lần...

Theo Bộ Công Thương, nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên nhiên vật liệu tăng mạnh về lượng trong thời gian gần đây là biểu hiện sản xuất, xuất khẩu đang trên đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, giá nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu đầu vào đang tăng rất mạnh, trong khi đó giá hàng hóa xuất khẩu lại tăng không tương ứng, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.

Cụ thể, giá sản phẩm công nghiệp xuất khẩu lại tăng chậm hơn so với giá nguyên liệu đầu vào. Tiêu biểu như: giá bông tăng 25%, sợi tăng 34% nhưng giá mặt hàng dệt may xuất khẩu chỉ tăng 5-10%; giá gỗ nguyên liệu tăng 25-30% nhưng giá sản phẩm gỗ chỉ tăng 10%; chất dẻo nguyên liệu tăng 43,7% về giá nhưng sản phẩm nhựa chỉ tăng tương ứng 20%...

Với kết quả này, cán cân thương mại dù được cải thiện trong tháng 5, nhưng tính chung từ đầu năm đến nay, nhập siêu đã đạt 5,342 tỷ USD, bằng 20,72% kim ngạch xuất khẩu và vẫn vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là khống chế ở mức dưới 20%.