08:05 08/12/2021

Kinh doanh bền vững: Không chỉ là lựa chọn mà là xu thế

Minh Nhật

Tiêu dùng bền vững đang trở thành xu thế trên thế giới và lan tỏa đến Việt Nam, các doanh nghiệp Việt đứng trước ngưỡng cửa đổi mới để tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững trong tương lai…

Người tiêu dùng Việt đang dần thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông.
Người tiêu dùng Việt đang dần thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông.

Phát triển kinh tế gắn liền với chống biến đổi khí hậu, giữ gìn môi trường sống là một trong những vấn đề quan trọng của hội nghị COP26 diễn ra vào tháng 11/2021 tại Glasgow. Tại hội nghị này, Việt Nam đã nhấn mạnh ba thông điệp quan trọng, đưa việc ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi chính sách phát triển, khẳng định khoa học công nghệ đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt doanh nghiệp trong kế hoạch hiện thực hóa mục tiêu này.

XU HƯỚNG TIÊU DÙNG VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG

Theo kết quả khảo sát “Who Cares Who Does 2020” của Kantar Việt Nam, 60% người dùng cho rằng cá nhân bị tác động bởi các vấn đề môi trường, 57% người tiêu dùng đã ngừng mua sản phẩm vì ảnh hưởng đến môi trường, xã hội, chứng tỏ phát triển bền vững đang trở thành mối quan tâm lớn của cộng đồng. Trên thực tế, Covid-19 đã khiến người dùng chú trọng hơn đến sức khỏe và môi trường, chủ động tìm đến các thương hiệu có trách nhiệm cộng đồng và hợp tác với các đối tác có giải pháp kinh doanh bền vững.

Tháng 8/2021, 85.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2020, trung bình mỗi tháng có 11.400 doanh nghiệp đóng cửa, đây thực sự là điều đáng báo động. Covid-19 đã gây ra nhiều thiệt hại nhưng đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp nhìn nhận lại hoạt động và thấy áp lực phải chuyển đổi để thích nghi với bối cảnh mới. Phát triển bền vững được xem như liều “vaccine” để doanh nghiệp bảo vệ chính mình, tìm cơ hội vượt qua khó khăn, đảm bảo sự ổn định và duy trì các giá trị cho xã hội, kinh tế.

KINH DOANH BỀN VỮNG TẠO NÊN GIÁ TRỊ TỪ CÔNG NGHỆ

Giảm thiểu tác động đến môi trường luôn là ưu tiên của các tập đoàn công nghệ trong việc thúc đẩy kinh doanh bền vững. Là một tên tuổi công nghệ hàng đầu trên thế giới, từ năm 2015 Epson đã chính thức triển khai tầm nhìn kinh doanh Epson 25 hướng đến việc tạo nên các giá trị bền vững cho xã hội, khách hàng, nhà cung cấp, đối tác và người lao động thông qua việc theo đuổi sự đổi mới công nghệ. Điều này thúc đẩy sự cải tiến sản phẩm trong nhiều lĩnh vực quan trọng từ in ấn, thiết bị nghe nhìn đến robot và tự động hóa, trên nền tảng cốt lõi là những công nghệ có tính hiệu quả, nhỏ gọn, chính xác đặc trưng của Epson.

Quá trình cải tiến và phát triển sản phẩm hướng đến giải quyết những bài toán quan trọng về phát triển bền vững như giảm phát thải nhiệt, hạn chế vật tư thay thế, vận hành chính xác để tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế, cải thiện môi trường làm việc.

Ông Tsumura Tsukasa - Tổng giám đốc Epson Việt Nam.
Ông Tsumura Tsukasa - Tổng giám đốc Epson Việt Nam.

Các cam kết giá trị của Epson không chỉ thể hiện qua các sản phẩm, mà còn ở các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi kinh doanh và nâng cao ý thức cộng đồng, thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực.

Mới đây, Epson Đông Nam Á chính thức ra mắt trụ sở mới tại Singapore cùng Trung tâm Giải pháp cho phép các đối tác, khách hàng khám phá các sản phẩm, giải pháp phù hợp với mục tiêu kinh doanh và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Epson còn tung ra các chương trình cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, vận động bảo vệ lớp băng vĩnh cửu của thế giới qua chiến dịch "Turn Down The Heat" hợp tác với National Geographic, thực hiện Khảo sát mức độ nhận thức về biến đổi khí hậu quy mô toàn cầu nhằm cảnh báo xã hội và cung cấp thông tin thiết thực cho các nhà làm chính sách.

CHỨNG NHẬN BẠCH KIM ECO VADIS - ĐỐI TÁC KINH DOANH BỀN VỮNG

Làm thế nào để lựa chọn đối tác đáng tin cậy đồng hành trong chiến lược chuyển đổi vẫn luôn là bài toán khó cho doanh nghiệp. Chứng nhận bền vững EcoVadis có lẽ là một khái niệm còn khá mới mẻ với đa số doanh nghiệp Việt Nam nhưng là một mốc son đáng tự hào của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trên con đường phát triển bền vững.

Thành lập vào năm 2007, là một trong những dịch vụ xếp hạng kinh doanh bền vững đáng tin cậy được nhiều quốc gia tiên tiến sử dụng, EcoVadis đã đánh giá xếp hạng 75.000 công ty và là bảo chứng đáng tin cậy cho các doanh nghiệp khi lựa chọn một đối tác kinh doanh trách nhiệm.

Để đạt được chứng nhận từ EcoVadis, doanh nghiệp sẽ được đánh giá theo bốn nhóm tiêu chí về môi trường, quyền lao động - quyền con người, đạo đức kinh doanh, chuỗi cung ứng bền vững. Với việc đạt xếp hạng Golden Star EcoVadis CSR trong ba năm liên tiếp 2017-2019 và giành được Chứng nhận Platinum từ EcoVadis trong hai năm sau đó 2020-2021, Epson đã cho thấy chiến lược phát triển bền vững của công ty đã tạo nên dấu ấn trên thị trường, lọt vào top 1% doanh nghiệp phát triển bền vững.

Các chứng nhận EcoVadis đánh giá mức độ phát triển bền vững của hoạt động doanh nghiệp.
Các chứng nhận EcoVadis đánh giá mức độ phát triển bền vững của hoạt động doanh nghiệp.

Chia sẻ về sự kiện này, Chủ tịch toàn cầu của Epson, Ông Yasunori Ogawa, cho biết: “Epson hướng đến một môi trường bền vững, giảm thiểu phát thải carbon, tài nguyên không thể tái tạo như dầu mỏ, kim loại vào năm 2050, chúng tôi tiếp tục thực hiện các biện pháp tối ưu quản trị cũng như trách nhiệm xã hội trên toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm việc đạt chứng chỉ RBA tại một số nhà máy sản xuất của Epson. Chúng tôi tin rằng xếp hạng Bạch kim của EcoVadis giúp khách hàng biết rằng Epson là một công ty kinh doanh có trách nhiệm, đáng tin cậy, quyết tâm đạt được tính bền vững.”

Và đúng như xu thế đang diễn ra, kinh doanh bền vững là những chìa khóa giúp doanh nghiệp tạo ra các giá trị xã hội và sẵn sàng cho tương lai.