Kinh doanh dịch vụ lữ hành được giảm 80% tiền ký quỹ đến hết năm 2023
Theo quy định mới, mức ký quỹ với dịch vụ lữ hành đưa khách quốc tế đến Việt Nam là 50 triệu đồng (mức cũ là 250 triệu đồng) và với dịch vụ lữ hành đưa khách du lịch ra nước ngoài là 100 triệu đồng (mức cũ là 500 triệu đồng)...
Ngày 28/10, Chính phủ ban hành Nghị định 94/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Theo đó, tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành sẽ được giảm 80% đến hết ngày 31/12/2023.
Nghị định quy định rõ các mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành mới theo Nghị định 94/2021/NĐ-CP.
Cụ thể, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 20 triệu đồng, giảm từ mức cũ 100 triệu đồng.
Với dịch vụ lữ hành quốc tế, mức ký quỹ là 50 triệu đồng với dịch vụ lữ hành đưa khách quốc tế đến Việt Nam (mức cũ là 250 triệu đồng) và 100 triệu đồng với dịch vụ lữ hành đưa khách du lịch ra nước ngoài (mức cũ là 500 triệu đồng). Với cả hai hình thức này, mức ký quỹ là 100 triệu đồng (mức cũ là 500 triệu đồng).
Chính phủ giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, tổ chức thi hành Nghị định này.
Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực (28/10/2021), các ngân hàng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành có trách nhiệm thu hồi Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đã cấp cho doanh nghiệp và cấp mới Giấy chứng nhận tiền ký quỹ theo mức ký quỹ nêu trên. Đồng thời, ngân hàng có trách nhiệm hoàn trả số tiền chênh lệch giữa mức ký quỹ cũ và mới.
Mức ký quỹ theo Nghị định này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2023. Từ ngày 1/1/2024, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành phải đổi Giấy chứng nhận tiền ký theo mức ký quỹ quy định tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP và gửi đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đổi.