06:00 27/05/2021

Covid-19 bùng phát lần 4, doanh nghiệp lữ hành một lần nữa gặp khó

Tường Bách

Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đang thực sự ở trong một cuộc chiến cam go khi tình hình đại dịch kéo dài và nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay...

Du lịch hè vốn được kỳ vọng là cú huých cho ngành du lịch nội địa sau gần 2 năm ròng rã chiến đấu với Covid-19. Thế nhưng, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này đang tước đi cơ hội đó. Các doanh nghiệp vừa phải căng mình giải quyết các trường hợp hủy, hoãn tour cho khách vừa phải thay đổi sản phẩm, vạch ra chiến lược mới cho nửa sau của năm 2021.

DOANH NGHIỆP LỮ HÀNH LAO ĐAO

Theo Sở Du lịch Tp.HCM, chỉ có khoảng hơn một nửa số doanh nghiệp lữ hành là còn đang hoạt động cầm chừng tại Tp.HCM sau 5 tháng đầu năm 2021.

Cụ thể, toàn thành phố có 1.049 doanh nghiệp lữ hành, trong đó 567 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm 52%), 105 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (chiếm 9,6%), 392 doanh nghiệp không hoạt động (chiếm 35,9%), 27 doanh nghiệp thay đổi trụ sở đi nơi khác (chiếm 2,5%).

Còn tại Hà Nội, tính đến hết tháng 2/2021, số lượng doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động trên địa bàn Hà Nội ước khoảng 95%. Đã có 267/1.191 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép và dừng hoạt động; 11/103 doanh nghiệp lữ hành nội địa rút giấy phép kinh doanh. Số lao động nghỉ việc chiếm khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp đại lý lữ hành, tương đương 12.168 người chấm dứt hợp đồng lao động.

Ngay cả "chiếc phao" du lịch nội địa giờ cũng bị đợt bùng phát dịch thứ 4 đẩy ra ngoài tầm với.
Ngay cả "chiếc phao" du lịch nội địa giờ cũng bị đợt bùng phát dịch thứ 4 đẩy ra ngoài tầm với.

Một khảo sát mới đây của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cũng cho thấy hiện trên cả nước có 18% doanh nghiệp đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho 50 - 80% nhân viên nghỉ việc và 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số lao động mất việc.

Hiện tại, dịch bệnh bùng phát trở lại lần thứ 4 khiến hoạt động du lịch, lữ hành trên cả nước một lần nữa đã bị ngưng trệ. Do tâm lý lo ngại, lượng khách hoãn/hủy tour du lịch lên đến 80 - 90% trong tháng 5 và tháng 6/2021, đúng dịp cao điểm du lịch hè.

 
Đây là thời điểm các doanh nghiệp cần sự định hướng của cơ quan quản lý để xây dựng một chiến lược phát triển du lịch bền vững, tạo thói quen đi du lịch cho người dân như một nhu cầu thiết yếu.

Doanh nghiệp lữ hành là lực lượng nòng cốt của ngành du lịch nhưng cũng là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do thực trạng hủy tour hàng loạt và yêu cầu hoàn tiền của khách du lịch. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã, đang gây ra tình trạng nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, lưu trú, dịch vụ ăn uống…; kèm theo đó là nguy cơ gây ra nợ xấu, nợ quá hạn vốn tín dụng ngân hàng, sụt giảm doanh số thanh toán qua ngân hàng, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, người lao động bị mất việc làm kéo dài. Nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành không có nguồn tiền để trả lương nhân viên.

MỘT VÀI KỊCH BẢN CHO TƯƠNG LAI

Nhiều doanh nghiệp lữ hành ở Tp.HCM cho biết do đã có sự chuẩn bị về tâm lý, phần đông du khách đã hiểu và "bình tĩnh" hơn trong việc đòi hoàn tiền, hủy tour trong đợt dịch này. Các doanh nghiệp cũng đưa ra chính sách bảo lưu, gia hạn đặt chỗ tương đối linh hoạt cho khách hàng. Cả doanh nghiệp và du khách đã biết ứng xử theo chiều hướng thông cảm, chia sẻ hơn so với những đợt dịch trước.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần nguồn lực để phục hồi, duy trì hoạt động. Nhiều doanh nghiệp cho biết dù chịu tổn thương trực tiếp bởi các đợt dịch, nhưng các doanh nghiệp du lịch, lữ hành vẫn chưa chạm được vào các gói cứu trợ của Chính phủ, dù đã nhiều lần kiến nghị. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng cần phải có các giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, sớm hồi phục ngành du lịch.

Ông Nguyễn Minh Mẫn - đại diện Công ty TST Tourist - cho biết những đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua đã giúp các doanh nghiệp lữ hành nhìn thấy tiềm năng của một thị trường nội địa 100 triệu dân, với nhu cầu rất lớn về du lịch cao cấp, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng... Đây là thời điểm các doanh nghiệp cần sự định hướng của cơ quan quản lý để xây dựng một chiến lược phát triển du lịch bền vững, tạo thói quen đi du lịch cho người dân như một nhu cầu thiết yếu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel Holdings - cho rằng: "Dù du lịch đang tạm đóng băng nhưng cơ quan quản lý ngành cần có chương trình hành động quảng bá du lịch Việt Nam. Không chỉ định vị lại chính sách thị trường nội địa trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam mà lúc này, du lịch Việt Nam cần sớm hoàn thiện bộ công cụ đón khách quốc tế, sẵn sàng cho những ngày có thể mở cửa bầu trời," - ông Kỳ đề xuất.

Phố cổ Hội An vắng bóng khách du lịch, yên ắng hơn bao giờ hết.
Phố cổ Hội An vắng bóng khách du lịch, yên ắng hơn bao giờ hết.

Hiện tại, bên cạnh việc suy nghĩ, thiết kế sản phẩm mới phù hợp với tình hình dịch bệnh, các doanh nghiệp du lịch cũng phải xoay sở để cắt giảm chi phí vận hành, giảm thiểu thiệt hại, hoặc tìm kiếm một công việc thời vụ khác để cầm chân nhân viên.

Vietravel đang lên phương án tái cấu trúc, tách hãng hàng không Vietravel Airlines chỉ mới đi vào hoạt động hơn 4 tháng nay ra khỏi công ty lữ hành để thoát lỗ. Công ty du lịch Việt cũng mở thêm mảng sản xuất khẩu trang để tạo việc làm và duy trì đời sống kinh tế cho đội ngũ nhân viên. Nhiều công ty lữ hành phải đóng cửa bớt các văn phòng giao dịch. Một số chủ tàu, chủ khách sạn ở các vùng ven biển mở thêm nghề nuôi trồng hải sản để tạo việc làm khác cho nhân viên, nhằm giữ chân họ...

Với tình hình đại dịch nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, cuộc chiến này của ngành du lịch thực sự không hề dễ dàng.