08:56 29/11/2010

Kinh tế 24h qua: Hiện tượng “thần kỳ”

Diệp Anh

Kinh tế Việt Nam là một "hiện tượng phát triển thần kỳ ở châu Á" sau nhiều năm khốn khó bởi chiến tranh

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong 20 năm qua.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong 20 năm qua.
Kinh tế Việt Nam là một "hiện tượng phát triển thần kỳ ở châu Á" sau nhiều năm khốn khó bởi chiến tranh, trang tin Eurasia Review dẫn đánh giá của các chuyên gia Pháp cho hay.

Các chuyên gia nhận định, từ đầu thập niên 1990, tỷ lệ đói nghèo của Việt Nam đã được giảm bớt. Số người dân sống dưới mức nghèo đói giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 14,5% trong năm 2008.

Năm 2008, tại các khu vực thành thị, chỉ có 3,5% số dân thuộc diện nghèo đói dù giá sinh hoạt tăng. Tỷ lệ người giàu tăng mạnh nhờ mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của đất nước đạt được trong 20 năm qua.

Sở dĩ có sự thành công này là nhờ Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới năm 1986, khu vực tư nhân năng động, xác định động lực phát triển nương tựa xuất khẩu và tích cực tham gia kinh tế quốc tế.

Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu dẫn đầu thế giới về cà phê, hạt tiêu và đứng thứ hai về xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam còn đóng vai trò tích cực trong các tổ chức quốc tế.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang phấn đấu đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đúng thời hạn, vào năm 2015.

Tuy nhiên, các chuyên gia Pháp cho rằng, Việt Nam vẫn đang đứng trước một số thách thức cần giải quyết, như giảm khu vực kinh tế không chính thức gồm những người bán hàng rong, các cửa hàng tư nhân trên đường phố, các dịch vụ trong nước...

Việt Nam hiện có trên 10 triệu người kinh doanh buôn bán nhỏ. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm mất một số lượng lớn việc làm và đã thúc đẩy khu vực kinh tế không chính thức tại Việt Nam.

Khu vực này giải quyết 50% thị trường lao động và chiếm khoảng 20% GDP. Để thu hẹp, Nhà nước nên tăng cường cấp các khoản vay, đào tạo việc làm cho người nghèo, thành lập hệ thống an sinh xã hội cho người lao động thuộc khu vực này.

Liên quan đến vấn đề toàn cầu quá, Tổng thư ký Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) Supachai Panitchpakdi cảnh báo, các nước chậm phát triển nhất thế giới (LDC) không được hưởng lợi ích công bằng từ quá trình này.

Ông Panitchpakdi nhấn mạnh, mặc dù trong thời kỳ bùng nổ giá hàng hóa từ năm 2002 đến năm 2007, các nước LDC đạt mức tăng trưởng trung bình 7%/năm, nhưng mô hình tăng trưởng này không bền vững và không toàn diện.

Giá hàng hóa tăng cao, chủ yếu là giá dầu và khí đốt, không giải quyết được vấn đề biến động giá cả hàng hóa xuất khẩu với biên độ lớn và sự phụ thuộc của LDC vào xuất khẩu hàng hóa không những không giảm mà còn tăng lên.

Tổng thư ký UNCTAD lưu ý, một trong những thảm họa kinh tế của các nước LDC là mở cửa thị trường quá nhanh, trong khi để được hưởng đầy đủ lợi ích của toàn cầu hóa, chính phủ các nước này phải đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa.

Tuy nhiên, áp dụng một chiến lược phát triển “một mô hình cho tất cả các nước” vừa không hiệu quả vừa làm tăng trung bình 3 triệu người cùng khổ mỗi năm trong thời kỳ bùng nổ giá hàng hóa.

Đề xuất của Thủ tướng Nga về việc thành lập Khu vực Thương mại Tự do (FTA) Nga - châu Âu xem ra khó khả thi. Giới phân tích cho rằng có 3 lý do khiến Thủ tướng Putin đưa ra đề xuất trên.

Một là, do ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Nga cần mở rộng hợp tác với các nền kinh tế châu Âu có khả năng hỗ trợ cho Nga, để Moscow có thêm nguồn tài chính, công nghệ và tích lũy thêm kinh nghiệm quản lý.

Thứ hai, Nga đang cân nhắc mối quan hệ hợp tác đa phương trong khuôn khổ WTO cũng như các mô hình và cơ cấu mới để hợp tác với các nền kinh tế châu Âu, nhằm khai thác triệt để vai trò thành viên WTO để phát triển kinh tế.

Thứ ba, là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho EU, việc tăng cường hợp tác năng lượng rõ ràng sẽ giúp hai phía xóa đi sự hiểu lầm và thúc đẩy quan hệ. Đây là một nhân tố thuận lợi giúp Nga thiết lập quan hệ mật thiết hơn với EU.

Chỉ có điều, kế hoạch nói trên không được phía Đức chào đón nồng nhiệt và Thủ tướng nước này vẫn tỏ ra khá do dự. Thủ tướng Đức cho biết, Đức đánh giá cao ý tưởng của Nga về một FTA, nhưng chính sách thuế quan của Nga sẽ là một trở ngại.

Một quan chức người Đức cho rằng thương mại tự do cần sự bảo vệ của luật pháp và nên được xây dựng dựa trên nền tảng an ninh đầu tư và các giá trị chung. Đối với FTA Nga-EU, những tiêu chuẩn này vẫn chưa được đáp ứng.

Liên quan tới cuộc khủng hoảng nợ công, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về một cơ chế cứu trợ dài hạn, có hiệu lực từ giữa năm 2013, để đối phó với các cuộc khủng hoảng nợ có thể xảy ra ở các nước thành viên trong khu vực đồng Euro.

Theo đó, các tổ chức ngân hàng và quỹ đầu cơ phải tham gia cứu trợ, nếu một nước thành viên vỡ nợ. Cơ chế này chỉ được áp dụng khi các nước khác trong khu vực nhất trí và nước cần được cứu trợ thực sự đã vỡ nợ.

Bất kỳ khoản cứu trợ nào được áp dụng phải kèm theo những điều kiện nghiêm ngặt về cắt giảm chi tiêu chính phủ và tăng thuế, tương tự như đã áp dụng với Ireland và Hy Lạp. Dự kiến số tiền các nước phải đóng góp lên tới 440 tỷ Euro (582 tỷ USD).

Nhật Bản vừa công bố tỷ lệ thất nghiệp tháng 10 của nước này đã tăng từ mức 5% trong tháng 9 lên 5,1% trong tháng 10, trái với dự báo đi ngang của giới phân tích. Số người tuyển dụng mới cũng tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, sản lượng công nghiệp tháng 10 của Nhật Bản giảm 1,8% so với tháng 9. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp, sản lượng công nghiệp Nhật suy giảm. Dự báo, con số này có thể tăng 1,4% trong tháng 11 và 1,5% trong tháng tiếp theo.