08:35 18/11/2010

Kinh tế 24h qua: Vàng bị “hắt hủi”

Vinh Nguyễn

Vàng còn lâu mới có thể thay thế vị trí của đồng USD trong thương mại quốc tế và USD chưa mất vị thế trong giao dịch

Vàng tiếp tục suy giảm.
Vàng tiếp tục suy giảm.
Vàng còn lâu mới có thể thay thế vị trí của đồng USD trong thương mại quốc tế, báo Độc lập của Nga dẫn lời các chuyên gia nước này cho hay. Thời điểm này chưa thể nói đồng USD đang mất dần vị thế trong thương mại quốc tế, hay khó trụ vững ở ngôi vị đồng tiền dự trữ chủ yếu của thế giới.

Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh hãng chứng khoán dầu mỏ ICE của Mỹ công bố, từ 22/11 bắt đầu bán các hợp đồng dầu mỏ không chỉ lấy USD mà cả vàng thỏi. Tuy nhiên, các chuyên gia Nga cho rằng, ý tưởng dùng vàng làm chuẩn tiền tệ mới và buôn bán bằng phương thức dầu đổi vàng là không phù hợp, vì lượng giao dịch trên thị trường vàng là nhỏ bé so với dầu mỏ.

Theo Giám đốc Ngân hàng SDM Eduard Lushin, vàng sẽ không đẩy được các đồng tiền mạnh ra khỏi lưu thông hàng hóa, bởi không đủ các chức năng thanh toán và không thuận lợi trong trao đổi. Việc giao dịch thương mại bằng vàng là không hiện thực.

Còn theo ông Ivan Fomenko, chuyên gia Ngân hàng Absoliut, buôn bán bằng phương thức dầu đổi vàng là một bước lùi lớn và nó là sự trở lại thời kỳ kinh tế sơ khai. Nếu tình trạng này xảy ra thì thị trường vàng sẽ xuất hiện bong bóng.

Đêm qua, giá vàng trên sàn Comex (New York) giảm mạnh phiên thứ 3 liên tiếp, do giới đầu tư buộc phải xả hàng khi giá xuống. Áp lực bán vàng để chốt lãi và cắt lỗ diễn ra liên tục và càng tăng mạnh khi vàng không thể hồi phục trong phiên đầu tuần.

Áp lực xả hàng tăng mạnh hơn khi có nhiều tín hiệu cho thấy, các nước bắt đầu quan ngại với tình hình lạm phát và đã có những động thái nhất định để ổn định thị trường và kéo giá các loại hàng hóa. Trong đó, tác động mạnh nhất là khả năng Trung Quốc sẽ thắt chặt tín dụng.

“Thị trường đang quan tâm nhiều tới nguy cơ lạm phát cũng như các biện pháp kiềm chế lạm phát tại Trung Quốc. Đó là lý do tại sao chúng ta lại phải chứng kiến lực bán tháo mạnh mẽ trên thị trường hàng tiêu dùng", một chuyên gia quốc tế nhận định.

Hãng thông tấn Tân Hoa hôm 16/11 dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết, nước này đang "dự thảo các biện pháp để kìm hãm sự gia tăng chóng mặt của giá thực phẩm".

Trong khi tờ China Securities dẫn lời các quan chức giấu tên cho hay, các bước đang được cân nhắc bao gồm đưa ra mức giá trần, trợ cấp và trừng phạt nặng việc đầu cơ tích trữ ngũ cốc, bông và các sản phẩm khác.

Giá thực phẩm của Trung Quốc tăng 10,1% trong tháng 10, đẩy tỷ lệ lạm phát chung lên 4,4%, cao nhất trong hai năm, trong khi mục tiêu đề ra của chính phủ là 3%.

Theo báo cáo mới nhất từ Nielsen Co. và Trung tâm phân tích và điều hành kinh tế thuộc Cục Thống kê Trung Quốc, chỉ số niềm tin tiêu dùng Trung Quốc sụt giảm từ 109 điểm quý trước xuống chỉ còn 104 điểm.

Niềm tin tiêu dùng ở khu vực nông thôn giảm mạnh xuống chỉ còn 106 điểm so với 117 điểm của quý trước. Niềm tin ở các đô thị loại hai, ba, bốn đều gia tăng. Ở các đô thị loại một, như Bắc Kinh và Thượng Hải, chỉ số này không thay đổi.

Ông Mitch Barns, Chủ tịch Nielsen’s ở Trung Quốc, nhận định, sau khi nền kinh tế liên tục chứng kiến thiên tai cũng như những bước tăng trong chỉ số giá tiêu dùng, việc niềm tin tiêu dùng ở nông thôn biến động là hoàn toàn dễ hiểu.

Kết quả của cuộc điều tra cũng cho thấy, phần lớn người tiêu dùng dự báo giá cả sẽ tăng trong năm tới, và mối lo lạm phát hiển hiện rõ nhất ở khu vực nông thôn cũng như đô thị loại I.

Mặc dù vẫn tăng 24% kể từ đầu năm đến nay, nhưng chỉ riêng tuần qua, giá vàng đã giảm khoảng 4% theo làn sóng bán tháo đang "làm mưa làm gió" trên các thị trường đồng, dầu thô và ngũ cốc.

Theo giới phân tích, vàng thường được lợi từ việc các nhà đầu tư giảm nhu cầu mua vào các tài sản có độ rủi ro cao hơn, nhưng vẫn thường bị cuốn vào vòng xoáy suy giảm, khi giới đầu tư tìm cách hạn chế mọi thiệt hại trong danh mục đầu tư.

Hồi tháng 10/2008, khi sự sụp đổ của tập đoàn ngân hàng Lehman Brothers châm ngòi cho các đợt bán tháo, khiến chỉ số chứng khoán S&P 500 tại thị trường chứng khoán Mỹ giảm 17%, cũng như sự sụt giá tới 16,6% trên thị trường vàng.

Robin Bhar, nhà phân tích thuộc Credit Agricole, nhận định "Vàng là một tài sản rủi ro. Chúng ta thấy rằng sau khi Lehman Brothers sụp đổ, mọi người đều cho rằng thị trường vàng sẽ được lợi nhưng rốt cuộc nó lại đi xuống".

Cùng với làn sóng bán tháo các tài sản cứng là sự giảm bớt nhu cầu mua vào của một số nhà đầu cơ vàng nổi tiếng thế giới. Các số liệu mới nhất cho thấy, tỷ phú George Soros cũng như Eric Mindich trong quý trước đã giảm đầu tư vào vàng.

Trong một diễn biến khác, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua ngân sách bổ sung, bao gồm gói kích thích mới 5.100 tỷ Yên (62 tỷ USD), nhằm thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế.

Cụ thể, gói ngân sách này bao gồm chương trình tạo việc làm, chi cho phúc lợi xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ, nhằm tránh một đợt suy thoái kép. Ngân sách sẽ dành 87 tỷ yen cho việc tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu chiến lược.

Các nhà lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục lên tiếng biện minh cho kế hoạch cứu trợ bổ sung trị giá 600 tỷ USD vốn đang vấp phải vô số sự chỉ trích của các chuyên gia kinh tế thế giới.

Chủ tịch FED tại Chicago - Charles Evans tuyên bố, hành động của FED là cần thiết, do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp và tỷ lệ lạm phát thấp. Ông nhấn mạnh, FED sẽ còn tiếp tục mua vào trái phiếu chính phủ nếu triển vọng kinh tế những tháng tới không sáng sủa hơn.

Eric Rosengren, Chủ tịch FED tại Boston, cũng cho rằng, "nếu như viễn cảnh kinh tế chưa đủ khả quan, tôi tin rằng chúng ta sẽ tung ra toàn bộ gói cứu trơ. Nếu nền kinh tế suy yếu thêm, lạm phát giảm và tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, chúng ta sẽ phải cân nhắc tới việc thực hiện những hành động bổ sung”.