08:11 17/03/2011

Kinh tế 24h qua: Mặt trời vẫn mọc ở Nhật

Diệp Anh

Khủng hoảng nợ tại Nhật Bản khó có khả năng bùng nổ. Lợi suất trái phiếu chính phủ không vì thảm họa mà gia tăng mạnh

Khủng hoảng nợ tại Nhật Bản khó có khả năng bùng nổ - Ảnh: Boston.
Khủng hoảng nợ tại Nhật Bản khó có khả năng bùng nổ - Ảnh: Boston.
Khủng hoảng nợ tại Nhật Bản khó có khả năng bùng nổ. Lợi suất trái phiếu chính phủ không vì thảm họa động đất và sóng thần mà gia tăng mạnh, tạp chí Fortune của Mỹ nhận định.

Theo Fortune, có hai yếu tố minh chứng cho nhận xét trên. Thứ nhất, các công ty bảo hiểm không tổn thất nặng như dự báo, vì chỉ có khoảng 18,5% hộ gia đình ở Nhật mua bảo hiểm động đất. Do đó, các hãng bảo hiểm không phải thanh lý các tài sản như trái phiếu chính phủ.

Thứ hai, theo số liệu được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) công bố, nước này nắm giữ hơn 95% nợ của chính mình. Do vậy, cho dù nhà đầu tư nước ngoài có bán tháo trái phiếu Nhật thì lượng bán ra cũng không đáng kể.

Trên thực tế, trái phiếu chính phủ của Nhật Bản vẫn ở mức ổn định và đồng Yên vẫn tăng kể từ khi xảy ra thảm họa. Theo giới phân tích, việc này có thể xuất phát từ dự báo các tổ chức của Nhật bán trái phiếu Mỹ để huy động vốn và các công ty của Nhật sẽ gửi tiền từ nước ngoài về để giải quyết thiệt hại.

Do vậy, dù nỗi ám ảnh về khủng hoảng nợ nần vẫn treo lơ lửng trước mắt Nhật Bản, nhưng điều này sẽ không thể xảy ra ngay sau thảm họa động đất.

Trong khi đó, theo giới phân tích quốc tế, những hệ lụy từ thảm họa động đất và sóng thần hôm 11/3 vừa qua có thể sẽ đe dọa tới quá trình phục hồi kinh tế không chỉ riêng Nhật Bản mà còn với nhiều nước khác trên thế giới.

Các chuyên gia cho rằng, hiện khó thống kê được chính xác những thiệt hại của thảm họa và ảnh hưởng của nó tới thế giới. Mặc dù quá trình tái thiết đất nước có thể giúp sản xuất trong và ngoài nước Nhật đi lên, nhưng về tổng thể, kinh tế vẫn chịu nhiều thách thức.

Theo giới phân tích, hai mối đe dọa đối với Nhật Bản cho tới lúc này là thiếu điện và xuất khẩu bị ngưng trệ. Từ hôm 14/3, Nhật Bản đã thực hiện lịch cắt điện luân phiên, nhằm tránh nguy cơ thiếu điện trên diện rộng. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới lịch hoạt động của nhiều nhà máy và kéo lùi quá trình phục hồi kinh tế Nhật.

Công ty chứng khoán Nomura ở Tokyo nhận định, kinh tế Nhật sẽ khó có thể khắc phục toàn bộ hậu quả của đợt thiên tai này trước cuối năm nay. Còn theo chuyên gia cao cấp Scott Anderson thuộc ngân hàng Wells Fargo, tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản sẽ chỉ có thể đạt 0,3% trong quý 2.

Xuất khẩu hàng hóa lại là một mối đe dọa khác. Trận động đất và sóng thần vừa qua đã phá hủy nhiều cảng biển và đường xá, khiến một số công ty không thể xuất khẩu hàng hóa, trong đó nặng nề nhất là các hãng ôtô. Thảm họa này cũng tác động không nhỏ tới lĩnh vực công nghệ, như chip nhớ NAND và chất bán dẫn.

"Một số công ty đơn lẻ tại Mỹ sẽ không thể có nguồn linh kiện, thiết bị để lắp ráp trong vài tuần thậm chí vài tháng tới", chuyên gia kinh tế của hãng Georgetown, ông Alexander nói.

Các nhà đầu tư lo ngại rằng để tái thiết đất nước, Nhật Bản sẽ tốn ít nhất 200 tỷ USD. Theo giới phân tích dự đoán, để giải quyết vấn đề này, Nhật Bán có thể bán ra một phần trái phiếu kho bạc Mỹ. Việc này sẽ đẩy mức giá trái phiếu kho bạc của Mỹ giảm mạnh.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lạc quan cho rằng những ảnh hưởng tới Mỹ và kinh tế thế giới sẽ tương đối nhẹ và chỉ trong ngắn hạn. Thậm chí, thị trường dầu sẽ giảm mạnh. Việc tái thiết khu vực đông bắc của Nhật sau thảm họa còn có thể tạo ra một cú nhảy vọt về tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, kinh tế Nhật suy yếu có thể giúp cho giá hàng hóa trên thế giới giảm bởi Nhật Bản là nước nhập khẩu lớn nhiên liệu, nông sản và các loại nguyên liệu thô. Chuyên gia kinh tế Ethan Harris từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ ước tính, thảm họa này chỉ làm giảm 0,1% tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay.

Chuyên gia kinh tế Nariman Behravesh thuộc IHS Global Insight thì cho rằng, do Nhật Bản không còn là đầu tầu kinh tế châu Á cũng như kinh tế thế giới, nên mức độ ảnh hưởng đối với nền kinh tế thế giới sẽ tương đối nhẹ. Đóng góp của Nhật Bản vào kinh tế thế giới đã giảm từ 18% năm 1995 xuống còn 9% năm 2010.

Hôm qua (16/3), BOJ lại bơm thêm vào các thị trường tài chính 3.500 tỷ Yên (tương đương 43 tỷ USD) nhằm vực dậy niềm tin người tiêu dùng và duy trì thanh khoản sau thiên tai. Như vậy, tính từ đầu tuần đến nay, tổng số tiền mà BOJ bơm vào hệ thống tài chính đã lên đến 26.500 tỷ Yên (tương đương 324 tỷ USD).

Theo các nhà phân tích, quyết định bơm tiền mặt ồ ạt vào các thị trường cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi đà tăng giá của đồng Yên. Đồng tiền này đã và đang tăng giá so với đồng USD khi các doanh nghiệp và công ty bảo hiểm gửi tiền về nước để tài trợ cho hoạt động tái thiết.

Do đó, nhu cầu mua đồng Yên gia tăng và đẩy giá lên cao. Tuy nhiên, đồng Yên mạnh lại đang đe dọa đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Nhật.

Trong một động thái bất ngờ, tổ chức định mức tín nhiệm nợ Moody's đã hạ mức xếp hạng tín dụng của Bồ Đào Nha từ A1 xuống A3, đồng thời cảnh báo sẽ tiếp tục hạ mức xếp hạng của nước này trong thời gian từ một đến hai năm tới.

Moody's cho rằng, Bồ Đào Nha khó có thể thực hiện kế hoạch cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ, nhằm giảm mức nợ công hiện lên đến 143 tỷ Euro (200 tỷ USD) trong năm 2010 (tương đương 83,3% GDP), do kế hoạch này đang gây chia rẽ trong chính giới Bồ Đào Nha.

Tổ chức này cũng nghi ngờ khả năng Bồ Đào Nha có thể nhanh chóng khôi phục khả năng xuất khẩu, yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để tăng nguồn thu cho chính phủ. Moody's thừa nhận Bồ Đào Nha đang đứng trước một bài toán khó tìm ra lời giải. Lisbon có thể phải tăng chi tiêu để khôi phục kinh tế, trong khi các thể chế cho vay không sẵn sàng ủng hộ quyết định này.

Theo các nhà quan sát, quyết định trên của Moody's không chỉ làm gia tăng khó khăn cho Bồ Đào Nha trong việc huy động vốn trên thị trường, mà còn giáng một đòn mới vào các nỗ lực giải quyết khó khăn về tài chính trong Khu vực đồng Euro.

Ngân hàng Thế giới (WB) và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) đã khai mạc Tuần cơ sở hạ tầng tài chính thế giới năm 2011 tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil nhằm thúc đẩy an ninh và ổn định của các hệ thống tài chính toàn cầu.

Diễn đàn này thu hút hơn 300 chuyên gia tài chính của hơn 90 nước nhằm tìm ra các giải pháp tối ưu cho ba lĩnh vực then chốt của cơ sở hạ tầng tài chính là chế độ thanh toán, báo cáo tín dụng và các giao dịch được bảo hiểm.

Ông Janamitra Devan, Phó chủ tịch WB phụ trách phát triển khu vực tư nhân và tài chính, nhấn mạnh cơ sở hạ tầng tài chính toàn cầu là xương sống của hệ thống tài chính, quyết định hiệu quả các hoạt động tài chính của mọi nền kinh tế.

Nga cam kết sẽ cấp cho Belarus khoảng 6 tỷ USD tín dụng để xây dựng nhà máy điện nguyên tử và 1 tỷ USD để tiến hành cải cách cơ cấu kinh tế. Cam kết đã được Thủ tướng Nga Vladimir Putin thông báo tại cuộc họp báo ở Minsk sau phiên họp của Hội đồng liên chính phủ Cộng đồng kinh tế Á-Âu và Liên minh Hải quan gồm ba nước Belarus, Nga và Kazakhstan.

Thủ tướng Putin cho biết hiệp định về cấp khoản tín dụng gần 6 tỷ USD sẽ được Nga và Belarus ký kết trong vòng một tháng để xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên tại tỉnh Grodny của Belarus sau khi hai bên đã ký hiệp định liên quan vào trưa 15/3.

Dự kiến nhà máy này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2017 tới. Thủ tướng Putin cho biết thêm việc Nga không áp dụng thuế hải quan khi cung cấp dầu mỏ cho Belarus trong năm nay sẽ làm lợi cho nền kinh tế Belarus khoảng 4,3 tỷ USD.