08:16 11/09/2010

Kinh tế 24h qua: Nhiều chỉ báo quan trọng

Vinh Nguyễn

Nhật Bản thông qua gói kích thích kinh tế mới hơn 10 tỷ USD, thặng dư thương mại tháng 8 của Trung Quốc giảm

OECD dự báo kinh tế thế giới đang phục hồi chậm lại.
OECD dự báo kinh tế thế giới đang phục hồi chậm lại.
Nhật Bản thông qua gói kích thích kinh tế mới trị giá hơn 10 tỷ USD, Trung Quốc công bố thặng dư thương mại tháng 8 giảm, đồng thời nâng tỷ giá Nhân dân tệ so với USD.. là những động thái chính đáng quan tâm trong 24 giờ qua.

Thế giới phục hồi chậm lại. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, tốc độ hồi phục kinh tế toàn cầu đang chậm hơn so với dự kiến. Theo OECD, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhóm G7 có thể ở mức 1,5% trong nửa cuối năm nay, thấp hơn so với dự báo 1,75% mà tổ chức này đã đưa ra hồi tháng 5.

OECD lưu ý, những đánh giá trên chưa rõ ràng liệu sự chậm lại này phản ánh những yếu tố mang tính tạm thời hay báo hiệu sự kìm hãm sâu rộng hơn. Báo cáo của OECD nhấn mạnh, nếu xu hướng trên là tạm thời, thì các chính phủ cần trì hoãn việc ngừng hỗ trợ tài chính trong vài tháng, đồng thời tiếp tục kiềm chế chi tiêu công.

Trong trường hợp xu hướng trên kéo dài, các chính phủ cần tăng cường các biện pháp kích thích, chẳng hạn như tiếp tục để các ngân hàng trung ương mua lại nợ doanh nghiệp và duy trì lãi suất xấp xỉ bằng 0. OECD cho biết trong một vài tháng tới, chi tiêu tiêu dùng, động cơ chính trong nhiều nền kinh tế phát triển, có thể bị kiềm chế do tỷ lệ thất nghiệp và giá nhà giảm.

Kinh tế 24h qua: Nhiều chỉ báo quan trọng - Ảnh 1Châu Á nhanh chóng cải cách. Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Lawrence Greenwood cho rằng, châu Á cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp cải cách kinh tế, trước khi Mỹ và phương Tây chấm dứt các gói kích cầu, để có được sự phục hồi và phát triển kinh tế vững chắc.

Theo phân tích của ông Greenwood, trong lúc kinh tế thế giới đang hồi phục chậm chạp, khi Mỹ chấm dứt các gói kích cầu thì đà tăng trưởng và phục hồi kinh tế của châu Á có thể bị chững lại. Vì vậy, các nước châu Á cần cải tổ theo hướng bớt lệ thuộc vào xuất khẩu, kiểm soát tỷ giá hối đoái và thực hiện một số chương trình kích cầu nhỏ.

Ông Greenwood tin tưởng vào tính khả thi của các biện pháp cải tổ nhanh chóng nhằm giúp châu Á gia tăng cầu nội địa, trước khi kinh tế phương Tây suy giảm do ngừng kích cầu. Ông cho rằng, các nước Đông Nam Á cũng cần gia tăng đầu tư, có biện pháp xử lý các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, và cần hội nhập vào khu vực một cách tích cực hơn.

Kinh tế 24h qua: Nhiều chỉ báo quan trọng - Ảnh 2Thất nghiệp toàn cầu cao kỷ lục. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trên toàn cầu hiện nay đang ở mức cao kỷ lục trong vòng 20 năm trở lại đây và nhiều nền kinh tế lớn đang chật vật đối phó với vấn nạn này.

Theo IMF, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Pháp, Anh và Nhật Bản sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phát động chiến dịch "hạn chế tổn thất" trên thị trường lao động để tránh khả năng rơi vào một cuộc suy thoái mới.

Hiện tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang ở mức 9,6% và các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng đầu tư vào cơ sở hạ tầng không góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh chóng và càng làm cho thâm hụt ngân sách nhiều hơn. 

Liên minh châu Âu gồm 27 thành viên cũng đang đau đầu trong việc tìm ra các giải pháp để duy trì mức tăng trưởng yếu ớt của khu vực. Thất nghiệp gia tăng cũng là gánh nặng mà nền kinh tế Nhật Bản đang phải đối đầu, đặc biệt khi nền kinh tế nước này phụ thuộc nặng vào công nghiệp và xuất khẩu.

Kinh tế 24h qua: Nhiều chỉ báo quan trọng - Ảnh 3Thặng dư thương mại của Trung Quốc giảm. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thặng dư thương mại của nước này trong tháng 8 vừa qua đạt 20,03 tỷ USD, giảm gần 8,7 tỷ USD so với tháng 7.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 8 đạt 139,3 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm 2009, trong khi nhập khẩu tăng 35,2%,  đạt 119,27 tỷ USD. 

Cùng ngày, Hệ thống giao dịch ngoại hối Trung Quốc công bố tỷ giá Nhân dân tệ tăng 192 điểm, đạt 6,7625 Nhân dân tệ/USD, so với mức 6,7817 Nhân dân tệ/USD trong ngày giao dịch trước đó. Đây là những diễn biến tiếp theo tuyên bố hôm 19/6 của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc về việc tăng tính linh hoạt của tỷ giá đồng NDT.

Cũng trong ngày, Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết giá nhà đất tại 70 thành phố lớn của nước này trong tháng 8 vẫn giữ ở mức như tháng trước đó, nhưng tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2009. Giá nhà mới xây tăng 11,7% so với cùng kỳ, nhưng giảm 1,2% so với tháng trước, trong khi giá nhà qua sử dụng tăng 6,2% so với tháng 8/2009 và giảm 0,5% so với tháng 7/2010.

Kinh tế 24h qua: Nhiều chỉ báo quan trọng - Ảnh 4Thâm hụt thương mại của Mỹ thấp nhất 17 tháng. Bộ Thương mại Mỹ co biết, thâm hụt thương mại của nước này đã giảm 14%, xuống còn 42,80 tỷ USD trong tháng 7 vừa qua. Đây là mức thâm hụt thấp nhất trong vòng 17 tháng qua và thấp hơn các nhà kinh tế dự đoán.

Theo báo cáo, trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ tăng 1,8%, đạt 153,3 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm hơn 2%, xuống còn hơn 196 tỷ USD.

Giới phân tích cho rằng, điều này cho thấy kinh tế Mỹ đang phục hồi. Thâm hụt thương mại thấp cần tạo đà để thúc đẩy sự tăng trưởng tổng thể của nền kinh tế.

Các chuyên gia cũng dự báo, thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ tăng trong năm nay, nhưng hy vọng việc mở rộng xuất khẩu sẽ tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực sản xuất của Mỹ.

Kinh tế 24h qua: Nhiều chỉ báo quan trọng - Ảnh 5Nhật Bản thông qua gói kích thích mới. Trong cuộc họp nội các hôm qua, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế mới nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế nước này, trong bối cảnh đồng Yên tăng giá bất thường so với đồng USD và nguy cơ phải đối mặt với suy thoái kinh tế.

Gói kích thích kinh tế mới có trị giá 915 tỷ Yên (tương đương 10,9 tỷ USD), trong đó, 1,7 tỷ USD sẽ được dùng để mở rộng chương trình hỗ trợ phát triển năng lượng có hiệu quả kể từ cuối tháng 12 này. Khoảng 1,3 tỷ USD là giá trị khoản hỗ trợ cho các công ty trong nước nhằm thúc đẩy sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường .

Các ưu đãi cũng dành cho những công ty tuyển dụng những người trẻ tuổi không tìm được việc làm sau khi đã tốt nghiệp, bởi hầu hết những công ty Nhật Bản đều thích tuyển dụng những sinh viên vừa mới tốt nghiệp hơn. Với gói kích thích mới này, Nhật Bản hy vọng có thể tạo thêm 200.000 việc làm, kích cầu tiêu dùng và đầu tư của khối doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy GDP tăng thêm 0,3%.

Kinh tế 24h qua: Nhiều chỉ báo quan trọng - Ảnh 6Tân Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Mỹ. Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa quyết định bổ nhiệm ông Austan Goolsbee, giáo sư kinh tế học làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế.

Theo đó, ông Goolsbee sẽ đảm nhận vai trò là nhà kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ, thay cho Christina Romer, người đã rời bỏ cương vị này tuần trước.

Ở tuổi 31, ông đã được phong hàm giáo sư tại Đại học Chicago và trở thành vị giáo sư trẻ nhất trong lịch sử trường đại học này. Trước khi đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế, ông từng là ủy viên tại hội đồng này và tham gia tư vấn nhiều chính sách kinh tế cho chính phủ.

Việc Tổng thống Obama chọn ông Goolsbee vào vị trí này trong lúc ông Obama đang cố thuyết phục người Mỹ rằng, biện pháp của ông nhằm phục hồi kinh tế sau khủng hoảng đang có hiệu quả.