08:42 22/04/2011

Kinh tế 24h qua: USD mất “thiêng”

Diệp Anh

Đà bán tháo USD lan rộng trên nhiều thị trường châu Á, nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản rủi ro có lợi nhuận cao hơn

Nhà đầu tư đổ xô bán tháo đồng bạc xanh.
Nhà đầu tư đổ xô bán tháo đồng bạc xanh.
Phiên giao dịch châu Á ngày 21/4, đồng USD tụt xuống mức thấp so với nhiều đồng tiền khác, khi nhà đầu tư mạnh tay bán tháo, buộc ngân hàng trung ương một số nước trong khu vực phải tìm cách can thiệp vào thị trường, nhằm hạn chế đà tăng của đồng nội tệ.

Tại Hàn Quốc, đồng USD được giao dịch với giá thấp nhất trong vòng 31 tháng qua, khi trượt xuống 1.080,5 Won/USD,, so với mức 1.082,2 Won/USD phiên 20/4. Tại Malaysia, USD cũng xuống mức thấp nhất trong vòng 13 năm qua so với đồng ringgit. Tình trạng mất giá tương tự cũng diễn ra ở Singapore.

Tohru Sasaki, chiến lược gia tại JPMorgan Chase Bank, nhận định đồng USD đang phải chịu sức ép bán tháo. Nhà đầu tư muốn bán USD và Yên để đầu tư sang các tài sản rủi ro có lợi nhuận cao hơn. Phiên 21/4, đồng USD đi xuống so với cả Yên và Euro, được giao dịch với giá 82,23 Yên/USD và 1,4568 USD/Euro.

Tiếp đó, trong phiên giao dịch New York, chỉ số đồng USD, thước đo giá trị của đồng bạc xanh so với 6 loại tiền tệ chủ chốt khác, đã giảm từ 74,384 điểm xuống 73,735 điểm, thấp nhất từ tháng 8/2008. Theo các nhà phân tích, chỉ số này có thể rớt xuống mức thấp kỷ lục 70,698 điểm hồi tháng 3/2008.

Tâm lý lo ngại về nợ công của Mỹ, sau khi S&P cảnh báo hạ triển vọng nợ dài hạn của nước này, đã tác động tiêu cực tới đồng bạc xanh. Mặc dù núi nợ công tại Eurozone vẫn là mối lo lớn đối với các nhà giao dịch, nhưng đồng Euro vẫn lên giá mạnh so với đồng USD, sau khi ECB nâng lãi suất.

Trong khi đó, kết quả cuộc thăm dò đối với các nhà phân tích của hãng tin Reuters cho thấy, đà gia tăng trong suốt một thập kỷ qua của giá vàng sẽ tiếp tục kéo dài thêm 4 năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá sẽ chậm lại, do lạm phát có khả năng hạ nhiệt khi các điều kiện kinh tế dần trở nên bình thường.

Theo dự báo trung bình của 12 nhà phân tích, tốc độ gia tăng của giá vàng trong thời gian tới sẽ bị kéo chậm lại so với hai năm vừa qua. Giá vàng đã tăng 30% trong năm 2010 và 25% trong năm 2009.

“Vàng sẽ tiếp tục tăng giá nhờ vấn đề nợ công tại Eurozone, Mỹ và Nhật Bản cũng như sự suy yếu của đồng USD và việc đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương”, chuyên gia phân tích Robin Bhar thuộc hãng Credit Agricole nhận định.

Tuy nhiên, ông cho biết thêm những tác động tích cực này có thể vấp phải lực cản rất lớn là sự cải thiện của môi trường kinh tế toàn cầu, kéo theo đó là chính sách tiền tệ “đã được bình thường hóa” và lãi suất ngày càng cao.

Theo tính toán của Barclays Capital, tổng tiền đầu tư vào hàng hóa nguyên liệu thô trong quý 1/2011 đạt tổng cộng 16,8 tỷ USD; 7,1 tỷ USD vào nông nghiệp và 6,8 tỷ USD vào năng lượng. Tiền đầu tư vào kim loại quý chỉ đạt 300 triệu USD, thấp chưa từng có.

Liên quan tới kinh tế Mỹ, Tổng thống Barack Obama cho biết, nền kinh tế đầu tàu thế giới có thể lại rơi vào suy thoái, nếu chi tiêu của chính phủ bị cắt giảm quá lớn. Theo ông, các nghị sỹ đảng Cộng hòa đã quá chú trọng vào việc cắt giảm chi tiêu.

Tuy nhiên, việc không chuẩn bị một kế hoạch cẩn thận trong giải quyết tình trạng thâm hụt của Mỹ có thể trở thành hậu họa lớn đối với nền kinh tế trong trường hợp các nhà đầu tư rút lui.

Tổng thống Obama cũng giải thích: "Mục đích của chúng ta là cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, nếu chúng ta không cẩn trọng thì sẽ cắt mất những quỹ tạo ra việc làm, do vậy thâm hụt trên thực tế có thể trở nên tồi tệ hơn vì chúng ta có thể bị rơi vào một cuộc suy thoái khác".

Những tuyên bố trên của Tổng thống Obama được đưa ra trong bối cảnh các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa đang tranh cãi gay gắt về các kế hoạch cắt giảm chi tiêu để giảm gánh nặng thâm hụt ngân sách liên bang hiện đang ở mức kỷ lục.

Theo số liệu thống kê thương mại tháng 3 được Bộ Tài chính Nhật Bản công bố, thặng dư thương mại của Nhật Bản giảm 78,9% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 196,5 tỷ Yên, do ảnh hưởng nặng nề của trận động đất và sóng thần ngày 11/3.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản giảm 2,2%, xuống 5.866 tỷ Yên, là lần giảm đầu tiên trong vòng 16 tháng qua. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động của các hãng sản xuất ôtô của Nhật Bản bị gián đoạn, khiến xuất khẩu xe ôtô giảm 27,8%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 3 tăng 11,9%, lên 5.669,5 tỷ Yên do ảnh hưởng của giá nguyên liệu tăng, trong đó có dầu mỏ. Giá nhập khẩu dầu tăng 14,8%, trong khi quặng sắt tăng 74,9% còn than tăng 39,4%. Đây là tháng thứ 15 liên tiếp, kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản tăng.

Trong một động thái khác, ngân hàng Rabobank International vừa đưa ra xếp hạng các nước có độ rủi ro khủng hoảng nợ công lớn nhất thế giới, cho thấy Mỹ và Nhật đang phải đương đầu với mối họa này lớn hơn so với tín hiệu phát đi từ thị trường tài chính hiện nay.

Bảng chỉ số đo lường khả năng dễ bị tổn thương nợ công của ngân hàng trên cho thấy, nguy cơ đối với Nhật cao thứ 2 còn Mỹ đứng thứ 5. Theo Rabobank, Hy Lạp dễ chịu tác động nhất bởi khủng hoảng nợ, nên quốc gia này đương nhiên đứng đầu bảng.

Hôm qua, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã mạnh tay hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2011 của Nhật Bản từ 1,7% xuống 0,8% do tác động nặng nề của thảm họa hôm 11/03. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 2,3% trong năm 2012.

Trung Quốc vừa xác định 4 công tác cải cách thể chế kinh tế trọng điểm trong năm 2011, bao gồm thúc đẩy cải cách phương thức phát triển kinh tế, đẩy mạnh khoa học kỹ thuật; cải cách sâu lĩnh vực xã hội, cải thiện đời sống người dân; cải cách hành chính; cải cách nông thôn, hoàn thiện cơ chế chính sách.

Trung Quốc sẽ tăng thêm 18 tỷ Nhân dân tệ cho công tác xây dựng nhà ở xã hội và 12,3 tỷ Nhân dân tệ dùng cho việc triển khai thí điểm bảo hiểm dưỡng lão xã hội nông thôn kiểu mới. Theo đó, khoảng 60% các khu vực nông thôn của Trung Quốc cuối năm nay sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm và dưỡng lão.

Cũng liên quan tới Trung Quốc, tin quốc tế cho biết, nước này dự định cắt giảm thuế đối với người có thu nhập thấp và tăng thuế đối với những người có thu nhập cao theo một luật mới dự kiến sẽ sớm được thông qua. Theo đó, mức thu nhập chịu thuế sẽ tăng từ 2.000 Nhân dân tệ lên 3.000 Nhân dân tệ.

Hiện mức lương tối thiểu của một công nhân Trung Quốc tại Bắc Kinh là 1.160 Nhân dân tệ (178 USD) một tháng. Bộ Tài chính Trung Quốc và Cục thuế Nhà nước cho biết, các luật thuế mới sẽ giảm số lượng các khung thuế suất từ 9 xuống 7.

Ngưỡng thu nhập tối đa cho hai khung thấp nhất sẽ được nâng lên, do đó những người có thu nhập lên đến 4.500 Nhân dân tệ (690 USD) một tháng sẽ phải trả mức thuế suất là 10%. Theo báo cáo, 94% của người nộp thuế của Trung Quốc nằm trong ngưỡng đó.