06:58 02/04/2024

Kinh tế Hà Tĩnh chuyển biến tích cực

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Trong 1 năm 2024, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và thu ngân sách của Hà Tĩnh tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tại tỉnh này vẫn tiếp tục tăng...

Một góc thành phố Hà
Một góc thành phố Hà

Những tháng đầu năm 2024, tỉnh Hà Tĩnh đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn; tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển. 

CHỈ SỐ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TĂNG NHẸ

Theo thông tin từ Cục thống kê Hà Tĩnh, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh này quý 1 tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 6,60% đóng góp 0,15 điểm vào mức tăng chung toàn ngành; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,09% làm tăng 0,42 điểm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 29,60% đóng góp 3,37 điểm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 17,44% đóng góp 0,33 điểm vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp Hà Tĩnh.

Có 4 nguyên nhân chính giúp chỉ số sản xuất công nghiệp trong quý I/2024 của Hà Tĩnh tăng so với cùng kỳ năm trước. Đầu tiên là do Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 vận hành ổn định song song 2 tổ máy theo thị trường mua bán điện của EVN (cùng kỳ năm trước Tổ máy số 1 gặp sự cố), sản lượng điện ước đạt 2.687 triệu Kwh tăng 36,13% so với cùng kỳ.

Kinh tế Hà Tĩnh chuyển biến tích cực - Ảnh 1

Tiếp đến, sản xuất bia tăng trưởng khá, 2 nhà máy sản xuất bia đóng lon trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn duy trì ổn định sản xuất (sản lượng ước đạt 17,39 triệu lít tăng 32,20%).

Tiếp đó, nhà máy sản xuất Pin VinES đã đi vào vận hành thương mại từ tháng 8 năm 2023 (sản lượng Ắc quy bằng ion lithi quí I năm 2024 ước đạt 77.000 Kwh). Nguyên nhân thứ 4 do, kể từ tháng 12/2023, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh mở rộng mặt bằng khai thác, mỏ mới được cấp phép nên sản lượng quặng khai thác tăng cao so cùng kỳ.

GẦN 400 DOANH NGHIỆP TẠM DỪNG, GIẢI THỂ 

Những tháng đầu năm 2024, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giảm so với cùng kỳ năm trước, ngoài ra số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể của tỉnh này tăng so với cùng kỳ.

Cụ thể, tính từ đầu năm đến ngày 20/3/2024, toàn tỉnh này thành lập mới 230 doanh nghiệp, giảm 9,09% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng vốn đăng ký đạt 1.636 tỷ đồng, tăng 116,95%, vốn bình quân trên một doanh nghiệp đạt 7,11 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so cùng kỳ năm trước.Trong kỳ có 146 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 16,96% so với cùng kỳ).

Kinh tế Hà Tĩnh chuyển biến tích cực - Ảnh 2

Trong khoảng thời gian trên, tỉnh này có tới 313 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 19,47%); 69 doanh nghiệp giải thể (tăng 30,19%). Hiện nay để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, tìm kiếm, phát triển, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ. Khi có thêm những giải pháp thúc đẩy đầu ra thì doanh nghiệp mới cải thiện được khả năng trả nợ, tăng khả năng hấp thụ vốn.

Kinh tế Hà Tĩnh chuyển biến tích cực - Ảnh 3

Về hoạt động thương mại, dịch vụ trong quý I  Hà Tĩnh hoạt động khá nhộn nhịp, mặc dù quý này không đạt mức doanh thu cao như quý trước nhưng vẫn tăng mạnh so với cùng quý năm trước. Doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tính cả quý ước đạt 20.179,5 tỷ đồng tăng 20,29% so với quý I năm 2023. Tính chung quý I năm 2024, doanh thu vận tải của Hà Tĩnh dự tính đạt 1.906,97 tỷ đồng, tăng 19,81% so với cùng kỳ năm 2023.

VỐN FDI TĂNG HƠN 66% 

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I năm 2024 của Hà Tĩnh tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ giải ngân cao từ khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, một số dự án đóng góp vốn đầu tư đáng kể như Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II, cao tốc Bắc Nam, nhà máy sản xuất Pin Lithium tập trung xây dựng và nhập khẩu máy móc, thiết bị sản xuất chờ lắp đặt.

Cụ thể, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh quý 1 năm 2024 dự ước đạt 11.351,32 tỷ đồng, giảm 30,98% so với quý trước, tăng 21,98% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế Hà Tĩnh chuyển biến tích cực - Ảnh 4

Trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.472,06 tỷ đồng, giảm 43,68% so với quý trước và tăng 38,23% so với cùng kỳ năm trước. Vốn ngoài nhà nước ước đạt 3.706,56 tỷ đồng, giảm 10,73% so với quý trước và giảm 15,92% so với cùng kỳ năm trước. 

Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài ước đạt hơn 5.172 tỷ đồng, giảm 34,57% so với quý trước và tăng 66,36% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu vốn đầu tư nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II đạt 4.220 tỷ đồng giảm 37,08% so với quý trước, tăng 38,45% so với cùng kỳ. Dự án nhà máy sản xuất Pin Lithium xây dựng và nhập khẩu máy móc, thiết bị sản xuất chờ lắp đặt, vốn đầu tư thực hiện đạt 460 tỷ đồng, giảm 37,58% với quý trước, tăng 11 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tổng thu ngân sách nhà nước của Hà Tĩnh tính đến ngày 15/3/2024 đạt hơn 4.342 tỷ đồng, tăng 46,78% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa ước đạt hơn 1.853 tỷ đồng tăng 64,21% so với cùng kỳ năm trước. Một số sắc thuế thu đạt kết quả cao từ những tháng đầu năm như: thu thuế, phí đạt 890,42 tỷ đồng tăng 53,96% so với cùng kỳ; thuế bảo vệ môi trường đạt 213,29 tỷ đồng tăng 195,05%; thu tiền sử dụng đất đạt 549,73 tỷ đồng tăng 73,52% do những tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản ở Hà Tĩnh khởi sắc, tăng cả về giá và lượng giao dịch...

Kinh tế Hà Tĩnh chuyển biến tích cực - Ảnh 5

Bên cạnh thu nội địa thì thu xuất nhập khẩu của Hà Tĩnh đạt hơn 2.153 tỷ đồng, tăng 33,18% so với cùng kỳ nguyên nhân chủ yếu do Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng II, Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng VINES Hà Tĩnh đẩy mạnh nhập khẩu hệ thống máy móc, thiết bị, vật tư để tiếp tục triển khai xây dựng nhà máy. Ngoài ra, tháng đầu năm, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đẩy mạnh nhập khẩu nguyên vật liệu (than, quặng sắt...) để phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng góp phần tăng thu thuế xuất nhập khẩu cho Hà Tĩnh.

 XUẤT NHẬP KHẨU CHỊU TÁC ĐỘNG TRỰC TIẾP TỪ CÔNG TY FORMOSA

Tính chung quý 1, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Hà Tĩnh đạt mức tăng 14,84% so với cùng kỳ chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh, trong khi thị trường xuất khẩu trong quý có giảm không đáng kể so với cùng kỳ.

Trong đó, quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 662,81 triệu USD, giảm 0,13% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do sự biến động xuất khẩu mặt hàng thép, phôi thép mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu (xuất khẩu khẩu thép tháng 3 ước đạt 191,4 triệu USD giảm 15,74% so với tháng trước và giảm 13,48% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu cả quý I ước đạt 592,79 triệu USD giảm 3,25%).

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng khác như: Chè, dăm gỗ, dệt và may mặc có tăng trưởng khá so với cùng kỳ nhưng do giá trị xuất khẩu trong tổng kim ngạch là không đáng kể nên không ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng chung.

Kinh tế Hà Tĩnh chuyển biến tích cực - Ảnh 6

Quý 1 năm 2024, kim ngạch nhập khẩu Hà Tĩnh ước đạt 990,8 triệu USD, tăng 27,64% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do công ty Formosa tăng nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất (Ước đạt 756,16 triệu USD tăng 19,08% so với cùng kỳ năm trước).

Có thể thấy rõ kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh Hà Tĩnh chịu tác động trực tiếp từ hoạt động xuất, nhập khẩu từ công ty Formosa, mặc dù đã có cách chính sách đa dạng hóa các mặt hàng và có sự tăng trưởng khá ở các nhóm hàng như chè, dệt và may mặc...

Tuy nhiên, việc thị trường dăm gỗ vẫn còn nhiều khó khăn khiến việc tránh phụ thuộc thép trong kim ngạch xuất nhập khẩu chưa có biến động nhiều, kỳ vọng đặt vào các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.