Kinh tế Hàn Quốc khởi sắc, tín hiệu lạc quan cho tăng trưởng toàn cầu
Kinh tế Hàn Quốc tiếp tục phục hồi sau thời kỳ sụt giảm vì đại dịch Covid-19, với hoạt động xuất khẩu và sản xuất cùng tăng trong tháng 11
Nền kinh tế Hàn Quốc tiếp tục phục hồi sau thời kỳ sụt giảm vì đại dịch Covid-19, với hoạt động xuất khẩu và sản xuất cùng tăng trong tháng 11. Đây được xem là một dấu hiệu tích cực cho thấy nhu cầu của thị trường toàn cầu vẫn vững vàng bất chấp sự nổi lên của một làn sóng virus mới.
Số liệu công bố ngày 1/12 cho thấy xuất khẩu tháng 11 của Hàn Quốc tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ nhu cầu đối với các mặt hàng công nghệ gia tăng và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu được đẩy nhanh tại các thị trường chủ chốt. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) IHS Markit của Hàn Quốc đạt 52,9 điểm, mức cao nhất kể từ năm 2011, cho thấy lạc quan gia tăng tại các nhà máy của nước này.
Số liệu điều chỉnh về tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 của Hàn Quốc cũng cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ hơn. Trong quý 3, GDP Hàn Quốc tăng trưởng 2,1% so với quý 2, mức tăng mạnh hơn thống kê công bố lần đầu.
Những con số mới nhất củng cố quan điểm cho rằng Hàn Quốc sẽ vượt qua đại dịch với mức độ thiệt hại thấp hơn so với các nền kinh tế phát triển khác, nhờ xuất khẩu bù đắp cho sự suy yếu của tiêu dùng trong nước.
Lĩnh vực xuất khẩu của Hàn Quốc vốn được coi là một "hàn thử biểu" của thương mại thế giới. Mức tăng trưởng mà khu vực xuất khẩu của nước này đạt được trong tháng 11 cho thấy nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu vẫn trụ vững dù số ca nhiễm Covid-19 mới tăng mạnh tại các thị trường chủ chốt. Kết quả này có được có thể là nhờ chính phủ các nước triển khai các biện pháp có trọng tâm hơn để kiềm chế sự lây lan của virus, thay vì phong tỏa trên diện rộng như hồi đầu năm.
Dù vậy, vẫn còn không ít rủi ro đối với kịch bản hồi phục của kinh tế Hàn Quốc, nhất là khi Covid-19 còn vượt tầm kiểm soát ở nhiều quốc gia và dẫn tới các biện pháp chống dịch ngặt nghèo hơn. Việc chậm triển khai vaccine Covid-19 cũng có thể gây suy giảm niềm tin và các hoạt động kinh tế.
"Xuất khẩu có ý nghĩa lớn với Hàn Quốc", nhà phân tích Lee Jae-sun thuộc Hana Financial Investment phát biểu. "Đà phục hồi xuất khẩu sẽ tiếp tục trong năm tới, kéo theo phục hồi kinh tế và sự tăng điểm của thị trường chứng khoán".
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) nói kinh tế nước này trong 2020 sẽ suy giảm ít hơn dự báo ban đầu nhờ xuất khẩu và đầu tư phục hồi.
Xuất khẩu của Hàn Quốc sang các thị trường lớn nhìn chung đạt kết quả tốt. Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 1%, sang Mỹ tăng 6,8%, sang Liên minh châu Âu (EU) tăng 25%. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 12%.
Hàng công nghệ đang là điểm sáng trong tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc. Trong đó, xuất khẩu thiết bị bán dẫn tăng 16% trong tháng 11, xuất khẩu thiết bị liên lạc không dây tăng 20%, và xuất khẩu màn hình tăng 21%.
Việc bán thiết bị bán dẫn cho hãng công nghệ Trung Quốc Huawei trước khi Mỹ siết trừng phạt Huawei đã giúp xuất khẩu của Hàn Quốc tăng mạnh trong quý 3. Dù vậy, lượng hàng tồn kho lớn của các khách hàng khác đang là một mối lo của các nhà sản xuất con chip Hàn Quốc. Công ty nghiên cứu TrendForce dự báo nhu cầu tiếp tục ở mức cao trong quý 4, nhưng vẫn có sức ép giảm đối với giá chip nhớ.
Các số liệu thống kê đều cho thấy tín hiệu khả quan về hướng đi của kinh tế Hàn Quốc, nhưng sự tăng giá gần đây của đồng Won có thể cản trở sự hồi phục. Từ đầu quý 4 tới nay, Won là một trong những đồng tiền tăng giá mạnh nhất ở khu vực châu Á, dù có nhiều ý kiến khác nhau về mức độ ảnh hưởng của đồng Yên mạnh. Tuần trước, Thống đốc BoK Lee Ju-yeol nói đồng Won mạnh hiện nay có ảnh hưởng đến các công ty Hàn Quốc ít hơn so với trước kia.