11:02 25/08/2008

Kinh tế Mỹ chưa thể phục hồi

Quốc Trung - Lê Hường

Chủ tịch FED cho rằng, nước Mỹ đang phải đối diện với thách thức lớn nhất trong lịch sử

Ông Bernanke mô tả cuộc khủng hoảng tài chính như một cơn lốc.
Ông Bernanke mô tả cuộc khủng hoảng tài chính như một cơn lốc.
Ngày 22/8, phát biểu tại Hội nghị thường niên của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Chủ tịch Ben Bernanke nhấn mạnh, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục  khó khăn, đồng thời, kêu gọi các nhà điều hành mở rộng mạng lưới tiếp cận để giám sát chặt chẽ khu vực tài chính.

Ông Bernanke mô tả cuộc khủng hoảng tài chính như một cơn lốc và nước Mỹ đang phải đối diện với thách thức lớn nhất trong lịch sử. Tác động của khủng hoảng tài chính đang trở nên rõ ràng, làm suy yếu các hoạt động kinh tế và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Bernanke vẫn hy vọng lạm phát sẽ tăng chậm lại, sự giảm giá dầu trong thời gian gần đây là yếu tố rất đáng khích lệ, ngân hàng trung ương sẽ hành động khi cần thiết để kiềm chế giá.

Tăng cường giám sát lĩnh vực tài chính

Chủ tịch FED đưa ra một đề xuất đầy tham vọng, về việc theo dõi thị trường tín dụng và ngăn chặn mức độ lây lan của cuộc khủng hoảng tài chính, đang tấn công vào nền kinh tế nước này. Ông tập trung vào đề xuất  xây dựng một cấu trúc luật lệ nghiêm ngặt hơn cho hệ thống tài chính.

Dưới áp lực của cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, FED tìm cách đối phó với 3 chiến lược. Thứ nhất là nới lỏng chính sách tiền tệ một cách đầy đủ, đặc biệt khi các chỉ số kinh tế cho thấy sự yếu kém kinh tế tiếp tục gia tăng.

Để nới lỏng một cách nhanh chóng và hiệu quả, FED đã tìm cách bù đắp các điều kiện tín dụng bị thắt chặt và vì vậy làm dịu bớt tác động mạnh hơn đối với nền kinh tế. Ngoài ra, sau khi lót đệm cho những chấn động kinh tế do căng thẳng tài chính, FED đặt hy vọng có thể giảm thiểu rủi ro từ tác dụng phụ của những liều thuốc này.

Trong quan sát triển vọng suy yếu và những rủi ro tăng trưởng kinh tế kém, Uỷ ban thị trường mở (FOMC) vẫn duy trì một mục tiêu khá thấp cho mức lãi suất của Cục dự trữ Liên bang, bất chấp áp lực lạm phát đang gia tăng. Chiến lược này được hướng tới mục tiêu ổn định tối đa giá dầu và các hàng hóa khác.

Tuy nhiên, lo ngại về tình trạng nợ nần của hai người hùng thế chấp phố Wall là Fannie Mae và Freddie Mac đã làm trầm trọng thêm các vấn đề tín dụng trên phố Wall, điều này khiến các ngân hàng cảm thấy khó khăn hơn trong nỗ lực thắt chặt lãi suất.

Yếu tố thứ hai trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro  của hệ thống tài chính, đó là hỗ trợ tính thanh khoản cho thị trường tài chính thông qua nhiều chương trình cho vay tương hỗ. Những chương trình này nhằm mục tiêu kiềm chế những căng thẳng trên thị trường vốn ngắn hạn và bằng cách cung cấp thêm nguồn tài chính bổ sung giúp các ngân hàng và các định chế tài chính khác thực hiện đòn bẩy tài chính theo một cách có trật tự hơn.

Yếu tố thứ ba trong chiến lược của FED là nhóm các hoạt động và sáng kiến để thực hiện vai trò điều tiết và giám sát tài chính. Những hoạt động này bao gồm việc hợp tác với các cơ quan điều hành khác để giám sát tình trạng sức khỏe của các định chế tài chính cá nhân; làm việc với khu vực tư nhân, để giảm thiểu rủi ro trong một số thị trường chủ lực; phát triển các quy định mới, bao gồm những điều luật về quản trị thế chấp và tín dụng; cùng với các quốc gia khác rút ra bài học từ những khó khăn vừa trải qua, và áp dụng những bài học này trong thực tiễn giám sát trước mắt.

Một biện pháp hiệu quả nâng cao tính kiên cường của hệ thống tài chính là củng cố cơ sở hạ tầng của hệ thống này. Một cơ sở hạ tầng mạnh có thể hạn chế rủi ro hệ thống.

Quy định về giám sát các định chế tài chính là một công cụ tích cực khác để giới hạn rủi ro hệ thống. Nói chung, sự giám sát hiệu quả của chính phủ đối với các định chế tài chính giúp tăng độ vững chắc của nền tài chính và giảm tình trạng vi phạm đạo đức bằng nỗ lực đảm bảo rằng tất cả các công ty tài chính sẽ tiếp cận với mạng lưới an toàn của FED. Quan trọng hơn nữa, một hệ thống giám sát có cơ cấu tốt còn có tác dụng hơn là cả quy tắc thị trường.

Ông Bernanke cũng kêu gọi tăng cường vai trò dẫn dắt của FED trong việc điều tiết nguồn vốn và kiểm soát rủi ro của các ngân hàng và các định chế tài chính.

Trong khi FED là người điều hành cấp cao đối với các ngân hàng thương mại, cơ quan này đã từng bước nâng cao vai trò giám sát của mình trong các ngân hàng đầu tư, kể từ khi đồng ý cung cấp cho các ngân hàng này những khoản vay khẩn cấp sau khi ngân hàng Bear Stearns rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh”. Đồng thời, người đứng đầu FED cũng kiến nghị Quốc hội Mỹ nên xem xét trao thêm quyền hành giám sát cho FED.

Chủ động đối phó với giá cả, lạm phát tăng cao

Các chuyên gia đều nhận định rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang trong thời kỳ khó khăn do hệ thống ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, thị trường địa ốc sụt giảm, giá xăng dầu dù đã hạ, song vẫn ở mức cao, kìm hãm hoạt động đầu tư và chi tiêu của người dân Mỹ. Thêm vào đó là thâm hụt thương mại dai dẳng do giá dầu lên cao, hàng tiêu dùng kể cả xe ô tô của châu á soán ngôi hàng hóa do Mỹ sản xuất trong nước...

Trong báo cáo ngày 20/8, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã khuyến cáo người tiêu dùng nước này chuẩn bị tinh thần và điều kiện để đối phó với những biến động của giá lương thực, thực phẩm trong năm 2008, thậm chí cả năm 2009, dự kiến sẽ tăng với tốc độ cao nhất trong vòng gần 20 năm qua.

Báo cáo của USDA nêu rõ, giá lương thực tại Mỹ  năm 2008 dự kiến tăng  5- 6%, cao hơn dự báo 4,5 - 5,5% hồi tháng trước. Đây sẽ là mức lạm phát giá lương thực, thực phẩm cao nhất tại Mỹ kể từ năm 1990. Sang năm 2009, giá lương thực tại nền kinh tế đầu tàu thế giới này dự kiến  tăng 4- 5%. Với dự báo này, năm 2009 sẽ là năm thứ 3 liên tiếp giá lương thực tại Mỹ tăng với tốc độ trên 4%.

Theo phân tích của mạng tin trực tuyến "Asia Times", nếu không có những cải cách thực sự trong ngành ngân hàng và sự điều chỉnh chính sách năng lượng, thương mại, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng rất kém và kéo theo là mức sống của nhiều người lao động đi xuống.

Nếu Mỹ muốn tăng trưởng ở tốc độ lành mạnh và bền vững, trong 7 năm tới họ phải giảm mạnh thâm hụt thương mại, cũng như sự phụ thuộc vào tiền vay của nước ngoài. Người tiêu dùng Mỹ cũng cần phải thay đổi thói quen mua sắm.