10:56 23/11/2011

Kinh tế Mỹ liệu có gây “cú sốc” suy giảm mới?

Hồng Ngọc

Việc thị trường biến động đêm qua (22/11) do kinh tế Mỹ hậu điều chỉnh giảm, có thể chỉ là cú sốc phản vệ nhất thời

Kinh tế Mỹ sau khi điều chỉnh đã giảm mạnh, nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với các quý trước đó.
Kinh tế Mỹ sau khi điều chỉnh đã giảm mạnh, nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với các quý trước đó.
Phiên giao dịch đêm 22/11, các thị trường hàng hóa toàn cầu đã bị chấn động bởi GDP quý 3 của Mỹ sau điều chỉnh thấp hơn nhiều so với ước tính. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là cú sốc phản vệ mang tính nhất thời.

Theo công bố ngày 22/11 của Bộ Thương mại Mỹ, trong quý 3 vừa qua, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới sau khi điều chỉnh là 2%, thấp hơn so với mức 2,5% công bố hồi tháng trước.

Báo cáo cho biết, trong quý 3 vừa qua, thu nhập sau thuế của các tập đoàn tại Mỹ đã suy giảm khi chỉ tăng 3%, giảm 1% so với mức tăng của quý trước đó. Tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế cũng không như mong đợi.

Nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu chững lại là lượng hàng tồn kho giảm quý đầu tiên tính từ quý 4/2009, chi tiêu của chính quyền địa phương và liên bang cũng như người dân đều ở mức thấp, xuất nhập khẩu tăng nhẹ.

Các doanh nghiệp cũng hạn chế tái đầu tư khi tổng vốn tái đầu tư chỉ tăng 14,8%, giảm so với mức tăng 16,3% của ba tháng trước. Lạm phát, được đo bằng chỉ số PCE tăng 2,3%, giảm so với 2,4% trước đó. Chỉ số PCE lõi tăng 2% thay vì 2,1% như ước tính.

Như vậy, so với lần công bố trước vào cuối tháng 10, tăng trưởng trên nhiều mặt của nền kinh tế Mỹ đều bị điều chỉnh giảm. Theo đó, cái gọi là “mức tăng trưởng tốt nhất trong 1 năm” như báo cáo trước đã không thành hiện thực.

Theo công bố ngày 27/10 của Bộ Thương mại Mỹ, GDP quý 3 của nước này ước đạt mức tăng trưởng 2,5%, đúng như kỳ vọng của giới phân tích. Trong đó, tiêu dùng người dân, yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào kinh tế Mỹ, tăng trưởng 2,4%.

Việc GDP quý 3 hậu điều chỉnh giảm khá mạnh đã có tác động ngay lập tức lên các thị trường hàng hóa quốc tế đêm qua. Trong đó, thị trường chứng khoán giảm phiên thứ 5 liên tiếp, giá năng lượng bị cản đà tăng bất chấp sức ép nguồn cung.

Trên thị trường vàng, giá giao sau cộng 23,80 USD/ounce (+1,4%) lên 1.702,40 USD/ounce. Phạm vi giao dịch của giá vàng trong phiên là từ 1.667,50 – 1.705,60 USD/ounce. Giá vàng giao ngay cũng tăng được 22 USD trên mỗi ounce.

Những động thái trên các thị trường vàng, dầu, chứng khoán khiến nhà đầu tư không khỏi liên tưởng tới một cú sốc mới, nhưng nếu nhìn vào thực trạng kinh tế Mỹ, thì mức sau điều chỉnh vẫn tốt hơn nhiều so với thời gian qua.

Mức tăng trưởng quý 3/2011 vẫn khá hơn nhiều so với con số 1,3% trong quý 2 và 0,4% trong quý 1. Tiêu dùng cá nhân vẫn đang ở mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ quý 4/2010, mặc dù mức thu nhập sau thuế của người dân Mỹ đã giảm khá mạnh 2,1%.

Và căn cứ vào thực trạng này, các chuyên gia của Bộ Thương mại Mỹ vẫn dự đoán trong quý 4/2011, tình hình sẽ được cải thiện và nền kinh tế nước này có thể đạt tốc độ tăng trưởng 3%, mức cao nhất trong vòng 18 tháng.

Thêm vào đó, hôm qua, các quan chức hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng đã cho biết đang cân nhắc tình hình để đưa ra các biện pháp mới kích thích tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, hôm 21/11, các tổ chức giao thông và du lịch của Mỹ đã đưa ra con số dự báo về lượng du khách đi lại tăng khá mạnh trong dịp nghỉ Lễ Tạ ơn, bắt đầu từ ngày 23/11 tới đến hết tuần, báo hiệu một mùa kinh doanh lễ hội sôi động.

Đợt nghỉ dài ngày này còn trùng với dịp có ngày "Thứ sáu đen" 25/11, ngày hạ giá lớn nhất trong năm ở Mỹ, do vậy cũng được coi là dịp để người dân Mỹ tăng chi tiêu, góp phần kích thích kinh tế tăng trưởng.

Theo thông báo của Hiệp hội Ôtô và du lịch Mỹ, trong đợt nghỉ lễ này, sẽ có khoảng 42,5 triệu lượt người Mỹ đi khỏi nơi cư trú trong phạm vi từ 100km trở lên vì các mục đích khác nhau, như thăm thân, du lịch , tăng 4% so với năm ngoái.

Trong đợt nghỉ, tỷ lệ khách thuê khách sạn dự kiến tăng 6%, với mức trung bình 145 USD/đêm. Trung bình mỗi người Mỹ đi lại trong dịp lễ chi phí khoảng 554 USD, tăng 12%. Chi phí xăng dầu chiếm tới 33%, mua sắm 18% và ăn uống chiếm 18%.

Trong số hơn 42 triệu lượt người đi lại trong dịp Lễ Tạ ơn năm nay, dự kiến có 38,2 triệu lượt người đi bằng phương tiện đường bộ, chiếm tỷ lệ 90% và khoảng hơn 3 triệu người, chiếm 8%, chọn đi lại bằng hàng không.