Kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục suy giảm?
Bước vào năm 2007, nhiều nhà phân tích dự báo năm nay kinh tế Mỹ sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 2,3%, thấp nhất trong vòng 5 năm qua
Bước vào năm 2007, nhiều nhà phân tích dự báo năm nay kinh tế Mỹ sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 2,3%, thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Và mức này thậm chí thấp hơn 1% so với năm 2006, do Mỹ đang phải đối mặt các khó khăn như thâm hụt ngân sách lớn, thị trường bất động sản đóng băng, nguy cơ khủng bố cao...
Các chuyên gia kinh tế của Cơ quan dự báo kinh tế quốc tế Global Insight nhận định, sự suy giảm thị trường nhà đất làm tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ gia tăng, tuy nhiên họ vẫn hy vọng nền kinh tế Mỹ sẽ phát triển theo đúng mục tiêu mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đề ra, đó là tuy tốc độ kinh tế phát triển chậm nhưng vẫn kiềm chế được lạm phát và không gây xáo trộn nền kinh tế.
Nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn
Theo Global Insight, năm 2007, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ sẽ tăng 5%, cao hơn mức trung bình 4,4% trong năm qua.
Các nhà kinh tế cho rằng, các ngành liên quan đến nhà đất như xây dựng, sản xuất, mua bán đồ gia dụng, kinh doanh bất động sản, môi giới thế chấp... sẽ thiếu hơn một triệu việc làm trong 2 năm tới do thị trường nhà đất chững lại sau 5 năm bùng nổ kinh doanh.
Ngành chế tạo ôtô cũng sẽ bị tác động do các hãng ôtô đã hoàn tất kế hoạch cắt giảm lực lượng lao động trước sự cạnh tranh gay gắt của các hãng ôtô nước ngoài.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu tăng trưởng chậm lại kể từ đầu năm 2006, một phần do thị trường nhà đất suy giảm, lãi suất tăng cao và giá dầu liên tục leo thang.
Sự ế ẩm của thị trường nhà đất, đặc biệt ở những thị trường lớn như California, là những nguyên nhân chính khiến tình hình kinh doanh của các tập đoàn lớn như General Motors (GM), Ford Motor hay DaimlerChrysler càng thêm ảm đạm.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ xe hơi giảm sút cũng là nguyên nhân khiến các nhà sản xuất gặp khó khăn hơn.
Theo các nhà kinh tế, vào khoảng giữa năm nay, FED sẽ có các biện pháp đối phó với tỉ lệ thất nghiệp tăng cao bằng cách cắt giảm lãi suất tiết kiệm để thúc đẩy kinh tế. Lúc đó, tỉ lệ lạm phát sẽ được giữ ở mức 1-2%, tỉ lệ mà theo FED là thuộc phạm vi an toàn.
Theo báo cáo mới nhất, tỉ lệ lạm phát trong tháng 11/2006 của Mỹ ở mức 2,2%, thấp hơn so với mức 2,4% của tháng 10/2006. Nếu FED đạt được mục tiêu trong năm 2007, kinh tế Mỹ sẽ phát triển và đạt mức tăng trưởng là 3% năm 2008.
Trong tuần đầu năm 2007, đồng USD đã giảm giá xuống mức thấp nhất so với đồng Euro và đồng USD cũng đã giảm giá so với toàn bộ 16 đồng tiền chủ chốt khác đang được giao dịch tại thị trường
FED đã giữ nguyên lãi suất cơ bản 5,25% kể từ tháng 6/2006, sau 2 năm tăng liên tiếp. Tuy nhiên, 16 trong số 22 nhà kinh tế được hãng tin tài chính Bloomberg thăm dò tỏ ý tin rằng FED sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản xuống mức 4,75% vào cuối năm nay.
Thâm hụt ngân sách nghiêm trọng
Trong khi ngân sách Liên bang Mỹ đang thâm hụt nghiêm trọng, thì một vấn đề đáng chú ý của kinh tế Mỹ là ngành nông nghiệp ngốn quá nhiều trợ cấp và có thể phá sản nếu không có trợ cấp của Chính phủ.
Chỉ tính riêng trong năm 2005, Chính phủ Mỹ đã trợ cấp khoảng 15 tỷ USD để hỗ trợ về thu nhập, trợ giá giống cây trồng cho nhà nông Mỹ và riêng trong năm 2005, khoản trợ cấp dành cho nông nghiệp của Chính phủ tăng vọt lên 25 tỷ USD.
Trong thời gian từ năm 1989 đến 2003, phần tiền trợ cấp của Chính phủ cho các gia đình nông dân có thu nhập hàng năm từ 500.000 USD trở lên, đã từ 13% lên 32% tổng ngân sách trợ cấp.
Một vấn đề nan giải của Mỹ là thâm hụt ngân sách quá lớn. Quốc hội lưỡng viện Mỹ do Đảng dân chủ chiếm đa số và Tổng thống Bush đang bất đồng về các giải pháp cân bằng ngân sách liên bang.
Trong bài viết đăng trên "Nhật báo phố Wall" ngày 3/1, ông Bush cho rằng, chính sách cắt giảm thuế của ông đã tạo điều kiện cho nền kinh tế Mỹ phát triển mạnh trong thời gian qua, trong khi thâm hụt ngân sách của Mỹ đang từng bước được cắt giảm.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi lại nói tới khả năng đưa ra dự luật tăng thuế đối với những người có thu nhập trên 250.000 USD/năm. Đảng Dân chủ cũng đang gây sức ép đòi áp dụng chế độ thuế bất động sản, khi chương trình cắt giảm thuế hiện nay hết hạn vào năm 2010.
Để có thể cân bằng ngân sách liên bang vào năm 2012, trong khi vẫn duy trì các chương trình cắt giảm thuế hiện hành, cả Quốc hội Mỹ lẫn Nhà Trắng đều phải cùng hạn chế chi tiêu.
Theo dự báo, ngân sách Liên bang Mỹ sẽ thâm hụt khoảng 127 tỷ USD vào năm 2011. Văn phòng ngân sách của Quốc hội Mỹ cho biết, nếu các chương trình cắt giảm thuế hiện nay không được gia hạn, ngân sách Liên bang Mỹ sẽ thâm hụt khoảng 54 tỷ USD vào năm 2012.